Vợ chồng thu nhập 14 triệu đồng vẫn tiết kiệm mua được nhà, xe và tích luỹ: Thời nào cũng vậy, có gan mới làm được việc lớn!

26/06/2024 09:30 AM | Sống

"Tối giản trong suy nghĩ và cuộc sống chứ tôi không hề tằn tiện. Tôi mong các bạn trẻ thấy rằng có cơ hội là phải nắm bắt ngay và chi tiêu hợp lý với thu nhập, tránh lãng phí...", chị H. đưa ra lời khuyên.

Chị H. hiện đang là nhân viên văn phòng, thu nhập chỉ ở mức trung bình. Nhưng chị đã mua được nhà khi chỉ có vài chục triệu đồng. Nhờ biết nắm bắt cơ hội, quyết đoán, tiết kiệm và cân đối tốt, chị đã có tài sản đầu tiên cho mình. Câu chuyện của chị đã tiết lộ nhiều bí quyết 'vén khéo' rất đáng khâm phục.

Ngỡ ngác trước độ "vén khéo" của nữ nhân viên văn phòng

Năm 2013, mức lương của chị H. khoảng 9 triệu đồng, của chồng là 5 triệu đồng. Anh chị có 1 con 4 tuổi, học mẫu giáo công lập từ 2 tuổi, hết 800.000 VNĐ/tháng. Tiền thuê nhà của chị H. hết 1,3 triệu đồng. Con chị uống sữa bột, dùng bỉm loại bình dân. Chị cũng gửi mẹ chồng 1,5 triệu đồng tiền ăn tối cho 2 vợ chồng. 

Chị H. đã mua căn tập thể của cơ quan chồng, rộng khoảng 100m2 trị giá 500 triệu đồng. Chị vay nhà chồng 200 triệu đồng, vay nhà đẻ 150 triệu đồng, vay ngân hàng 100 triệu đồng cùng với khoản tiết kiệm 50 triệu đồng. 

Vợ chồng thu nhập 14 triệu đồng vẫn tiết kiệm mua được nhà, xe và tích luỹ: Thời nào cũng vậy, có gan mới làm được việc lớn!- Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Vậy là hàng tháng, vợ chồng chị H. phải co kéo trả nợ ngân hàng và người thân. Căn nhà tập thể được chị H. cho thuê chứ không ở vì cách xa nơi làm việc. Tiền cho thuê đủ để trả lãi ngân hàng. Năm 2017, chị bán căn nhà 500 triệu đồng vì không có sổ. Ngay lập tức, chị đi mua nhà để ở, tránh để số tiền đó trong thời gian dài bởi có thể tiêu thâm hụt. 

Nữ nhân viên văn phòng chia sẻ: "Tôi quyết định mua căn chung cư 55m2 của chủ đầu tư với giá 18 triệu đồng/m2. Dự án mới mở bán giai đoạn 2 nên tiền có thể đóng dần theo tiến độ và tiếp tục vay ngân hàng theo dự án là 500 triệu đồng. Đến cuối năm 2017, tôi được nhận nhà.

Khi đó, thu nhập của tôi tăng lên 15 triệu đồng và chồng cũng tăng, góp thêm cho tôi 4 - 5 triệu đồng. Thời điểm đó, gia đình tôi đã có bé thứ 2". 

Các con của chị H. đều học trường công, dùng sữa bột nội địa và ngừng dùng bỉm sớm nhất có thể. Chị H. cũng ít đi ăn ở nhà hàng, đi du lịch với công ty để tiết kiệm chi phí. Mỗi tháng, chị phải trả tiền gốc và tiền lãi ngân hàng là 5 triệu đồng cho gói vay 20 năm. Tiền ăn, tiền học, tiền sinh hoạt của cả gia đình là 10 triệu đồng, còn lại tiết kiệm để trả người thân. 

Đến nay, thu nhập của 2 vợ chồng chị H. đã tăng đáng kể. Chị H. vẫn làm công việc văn phòng nhưng trau dồi kiến thức, cống hiến cho công việc nên đã được cất nhắc lên vị trí cao hơn, thu nhập tăng lên gấp đôi. Còn chồng chị cũng thay đổi công việc nên thu nhập giờ cao hơn chị. 

Vợ chồng thu nhập 14 triệu đồng vẫn tiết kiệm mua được nhà, xe và tích luỹ: Thời nào cũng vậy, có gan mới làm được việc lớn!- Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Các con của chị cũng đi học thêm nhưng chị vẫn cho con học trường công lập, ăn uống đầy đủ, ăn mặc tối giản. Nhà chị H. không có thói quen ăn hàng nên sớm trả hết nợ, mua được xe và có khoản tích luỹ. 

"Tối giản trong suy nghĩ và cuộc sống chứ tôi không hề tằn tiện. Tôi mong các bạn trẻ thấy rằng có cơ hội là phải nắm bắt ngay và chi tiêu hợp lý với thu nhập, tránh lãng phí. Giờ tôi không nghĩ là thu nhập 9 triệu đồng/tháng thời đó lại có gan mua nhà, nên cứ mua là được", chị H. đưa ra lời khuyên.

Phía dưới bài viết, nhiều người để lại bình luận: 

- Chia sẻ của chị hay quá. Nhiều người cứ nghĩ "vén khéo" là tiết kiệm, nhưng "vén khéo" là chi tiêu hợp lý, chi tiêu thông minh. Và bất kể giàu hay nghèo cũng nên học cách "vén khéo" nhé!

- Đúng là có nợ thì sẽ có động lực để làm việc và tiết kiệm hơn. 

- Câu chuyện của mình cũng tương tự như vậy. Không quyết đoán sẽ không có nhà để ở. Thật sự nợ nhiều áp lực nhiều thì mới có động lực kiếm tiền. Chứ đợi đủ tiền mới mua nhà thì vật giá leo thang, mãi chạy theo nó. 

Nguồn: Group "Vén khéo" 

Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM