Nhật Bản: Chính phủ kêu gọi nghỉ ngơi, dân công sở vẫn miệt mài làm việc

20/09/2017 00:01 AM | Xã hội

Chính phủ Nhật Bản đang hi vọng giải pháp đơn lẻ giảm thời gian làm việc có thể đại tu nền kinh tế của quốc gia này và ngăn tình trạng đàn ông và phụ nữ làm công ăn lương Nhật Bản làm việc quá sức, thậm chí là làm việc đến chết.

Hatarakikata kaikaku hay “cải cách phong cách làm việc” là một nỗ lực để giải quyết văn hóa làm việc tới kiệt sức, nguyên nhân đã dẫn tới sự tồn tại của cụm từ ‘karoshi’ (chết do làm việc quá sức) trong từ điển của Nhật Bản.

Hatarakikata kaikaku là cụm từ được thủ tướng Shinzō Abe vận động trong thời gian gần đây để nói chung về các giải pháp như cắt giảm tình trạng làm việc ngoài giờ, cải thiện cân bằng công việc và cuộc sống, và sử dụng tốt hơn các kỹ năng của lao động nữ và của người cao tuổi. Được sử dụng không chính thức trong nhiều năm, cụm từ này đã trở thành khẩu hiệu quốc gia vào tháng 8 năm 2016, sau khi ông Abe bổ nhiệm một bộ trưởng nội các tập trung vào vấn đề này.

Nhật Bản: Chính phủ kêu gọi nghỉ ngơi, dân công sở vẫn miệt mài làm việc - Ảnh 1.

Văn hóa tại nơi làm việc bao gồm thời gian làm việc dài và hệ thống phân cấp cứng nhắc đã đem lại thành công cho Nhật Bản trong giai đoạn tăng trưởng cao vào những năm 1960s, 70s và 80s, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nó đã trở thành cái gai trước mắt của quốc gia Đông Á này.

Số liệu thông kê về năng suất của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong các quốc gia thuộc G7 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của OECD. Và với lực lượng lao động đang già đi và thu hẹp dần, niềm hi vọng duy nhất của Nhật Bản để tăng trưởng kinh tế (bên cạnh nhập cư với số lượng lớn, quyết định sẽ không được công chúng Nhật ủng hộ) nằm ở khả năng tăng năng suất.

Theo chỉ đạo của chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã loại bỏ làm việc ngoài giờ, thực hiện hatarakikata kaikaku bằng cách buộc nhân viên phải rời công ty sớm, thậm chí tắt đèn văn phòng vào một thời điểm nhất định hoặc yêu cầu nhân viên phải xin phép trước thì mới được làm việc muộn.

Những thay đổi khác bao gồm cho phép nhân viên làm việc từ xa, thăng cấp cho nhân viên nữ và hỗ trợ cho các bậc cha mẹ đang làm việc bằng cách giảm giờ làm cho họ. Và theo một phong cách rất Nhật Bản, một công ty lớn thậm chí còn viết những ghi chú ở cuối những emails, yêu cầu được thứ lỗi trước cho những phản hồi chậm trễ do được rút ngắn thời gian làm việc.

Nhật Bản: Chính phủ kêu gọi nghỉ ngơi, dân công sở vẫn miệt mài làm việc - Ảnh 2.

Tạo một câu khẩu hiệu để vận động mọi người thực hiện theo một lời kêu gọi từ lâu đã phổ biến ở Nhật Bản, cả ở trong các công ty và trên toàn quốc. Năm 2005, chính phủ quốc gia này khởi động một chiến dịch với tên gọi “Cool Biz” khuyến khích các công ty hạn chế sử dụng điều hòa và cho phép nhân viên ăn mặc thoải mái hơn vào mùa hè. Đó là một chiến dịch thành công và được áp dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, nỗ lực gần đây để các công ty cho phép nhân viên của họ rời khỏi nơi làm việc sớm vào ngày thứ 6 cuối cùng của tháng (được gọi là Premium Friday) là thất bại thảm hại. Một cuộc khảo sát sau ngày thứ 6 cuối tháng 2 vừa qua cho thấy chỉ 3,7% nhân viên thực sự rời khỏi công ty sớm, và tỷ lệ này đã tiếp tục giảm trong những tháng sau đó.

Vậy liệu cải cách phong cách làm việc có hiệu quả không?

Mọt cuộc khảo sát gần đây cho thấy các công ty lớn đang nỗ lực nhiều hơn để thực hiện những sự thay đổi, trong khi đó, các công ty nhỏ hơn, vốn đã thiếu nhân lực và nguồn lực cũng như ít được hưởng lợi từ PR, tỏ ra ít nhiệt tình hơn.

Một khó khăn khác nằm ở thực tế rằng các tiêu chuẩn lâu đời trong văn hóa Nhật Bản như giá trị tinh thần được đặt trong sự nỗ lực và hi sinh đã khuyến khích thời gian làm việc dài. Truyền thống Nhật Bản ủng hộ ngày làm việc kéo dài và chỉ coi trọng những nhân viên làm việc muộn ít có khả năng thay đổi trong một sớm một chiều.

Các công ty cũng không muốn thực hiện đầu tư vào công nghệ giúp cải thiện năng suất và cho phép làm việc từ khắp mọi nơi. Việc thay đổi lớn trong phong cách làm việc mà không thay đổi cơ sở pháp lý về việc làm trước có thể gây ra nhiều khó khăn.

Để ngăn chặn các hành vi làm dụng như yêu cầu nhân viên làm quá thời gian mà không trả lương, chính phủ sẽ cần tăng cường thực thi các quy định về lao động còn lỏng lẻo hiện tại, và không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ sớm xảy ra.

Nhật Bản: Chính phủ kêu gọi nghỉ ngơi, dân công sở vẫn miệt mài làm việc - Ảnh 3.

Nhiều nhân viên rất hoài nghi về sự tán thưởng xung quanh cải cách phong cách làm việc. Một số người thậm chí còn chơi chữ và biến khẩu hiệu gốc thành hatarakasekata kaikaku (nghĩa là cải cách để buộc chúng ta phải làm việc nhiều hơn).

Trong một cuộc khảo sát 5000 nhân viên gần đây, 85,8% cho rằng cải cách phong cách làm việc là thứ họ đã nghe trên các phương tiện truyền thông hoặc từ các công ty khác, nhưng công ty của chính họ không làm bất cứ điều gì về nó cả.

Thêm vào đó, các nhân viên cũng lo lắng rằng những nỗ lực mà họ nhìn thấy không đúng với mục đích của chiến dịch. Ví dụ, nhiều công ty loại bỏ làm việc ngoài giờ nhưng không điều chỉnh khối lượng công việc. Điều đó dẫn đến hệ quả là mọi người đến làm việc sớm, làm việc qua bữa trưa hoặc lén lút đem việc về nhà làm để hoàn thành được khối lượng công việc được giao.

Để phong cách làm việc thực sự thay đổi, các công ty Nhật Bản sẽ phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của thời gian làm việc dài và năng suất thấp bao gồm quá nhiều cuộc họp, quá nhiều thủ tục và quản lý vi mô nghiêm ngặt từ người giám sát. Đây là những hoạt động việc làm hằng ngày thường được coi là không thể thay thế đối với những người chưa bao giờ làm việc theo một phương thức khác.

Chiến dịch này có thể chưa thành công ở Nhật Bản, nhưng nó là một nỗ lực đáng khen ngợi để khiến mọi người suy nghĩ lại về cách làm việc của mình. Với năng suất cũng đang suy giảm ở nhiều nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, Anh và Đức, đây cũng là một ý tưởng mà các quốc gia khác có thể học hỏi.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM