VEPR chỉ ra mặt trái của tăng lương tối thiểu: Không bảo vệ được người thu nhập thấp, nhiều lao động bị đẩy ra khỏi thị trường

13/09/2017 16:26 PM | Kinh tế vĩ mô

'Khi tăng lương tối thiểu, thực sự thì các doanh nghiệp sẽ phản ứng bằng cách cắt giảm lao động. Các doanh nghiệp không tuân theo quy định thì cũng không tăng lương tối thiểu. Rút cục, tăng lương tối thiểu lại tác động tiêu cực lên người lao động'

Năm 2017, mức lương tối thiểu ở tại cả 4 vùng đều được Hội đồng tiền lương điều chỉnh tăng sau nhiều phiên bàn thảo. Kể từ năm 2014, người ta cũng chứng kiến lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng lên tục, với mức trung bình 38%/năm. Các nhà làm chính sách nói chung và Hội đồng tiền lương quốc gia nói riêng tin tưởng rằng đây là một cách làm tốt giúp đảm bảo thu nhập cho người lao động trong nền kinh tế Việt Nam.

Thế nhưng hôm nay, tại buổi hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành đã đưa ra một quan điểm có phần trái ngược.

VEPR chỉ ra mặt trái của tăng lương tối thiểu: Không bảo vệ được người thu nhập thấp, nhiều lao động bị đẩy ra khỏi thị trường - Ảnh 1.

Thể hiện quan điểm của báo cáo “Tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” mà mình là một trong số các tác giả, Tiến sỹ Thành đồng ý rằng biến số lương tối thiểu trong nền kinh tế là một công cụ mang tính xã hội rất mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông cách xây dựng lên, đưa ra và tăng trưởng một cách liên tục không tuân theo một nguyên tắc nào.

Lương tối thiểu ở Việt Nam không được vận hành một cách bài bản dẫn đến mục đích nguyên bản của nó là bảo vệ người lao động cũng chưa được thực hiện.

Vị Tiến sỹ nhấn rất mạnh đến một quan điểm trong báo cáo đưa ra là thực sự, chuyện tăng lương tối thiểu liên tục thời gian qua đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên người lao động: Nhiều người mất việc hơn, nhiều lao động Việt Nam bị đẩy ra khỏi thị trường lao động.

Theo kết quả ước lượng cũng từ báo cáo trên thì với một doanh nghiệp cụ thể trong nền kinh tế Việt Nam nói chung, lương tối thiểu cứ tăng 1% thì sẽ dẫn đến số lao động giảm 0,13%.

Đi vào từng khu vực kinh tế, kết quả tương tự cũng được thể hiện. Đối với một doanh nghiệp Nhà nước, khi lương tối thiểu tăng 1% thì số lao động sẽ giảm 0,25%. Đối với một doanh nghiệp tư nhân có đóng góp bảo hiểm xã hội, khi lương tối thiểu tăng 1% thì số lao động sẽ giảm 0,18%.

VEPR chỉ ra mặt trái của tăng lương tối thiểu: Không bảo vệ được người thu nhập thấp, nhiều lao động bị đẩy ra khỏi thị trường - Ảnh 2.

Kết quả ước lượng của báo cáo VEPR

“Chúng ta nghĩ rằng lương tối thiểu để bảo vệ người lao động, thế nhưng khi tăng lương tối thiểu lên để bảo vệ người lao động tốt hơn thì nhiều lao động lại bị đẩy ra khỏi thị trường lao động hơn” – Tiến sỹ Thành nhận định từ số liệu trên.

Đi vào giải thích, viện trưởng VEPR cho rằng việc tăng lương tối thiểu đã dẫn đến mức lương trung bình tăng lên, hay là chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Chính sức ép từ chi phí lương tăng đã khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.

“Đây là một điều nghiêm trọng: Khi chúng ta tăng lương tối thiểu lên thì lương trung bình cũng tăng. Có một hệ số phụ thuộc giữa 2 biến số này, tùy theo quy mô doanh nghiệp và khu vực doanh nghiệp khác nhau” – Ông Nguyễn Đức Thành nói.

Thực sự, dựa vào các phương pháp định lượng, báo cáo VEPR đã chứng minh câu nói của vị tiến sỹ. Kết quả của báo cáo đưa ra rằng với một doanh nghiệp nói chung, khi lương tối thiểu tăng 1% thì kéo theo lương trung bình cũng tăng 0,32% và tỷ lệ lợi nhuận giảm 2,3 điểm %

Viện trưởng VEPR lập luận: “Sức ép được tạo ra bởi khi người ta thấy lương tối thiểu tăng thì các cơ sở cũng đòi lương tăng, tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp. Để phản ứng, các doanh nghiệp có khuynh hướng cắt bỏ lao động khi tiền lương đắt hơn”.

Đồng thời, ông cũng chỉ ra hiện tượng ‘cắt giảm lao động khi lương tăng’ này xảy ra chủ yếu ở nhóm các doanh nghiệp lớn, vốn rất tuân thủ quy định về đóng bảo hiểm cho người lao động như doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước.

Còn đối với các doanh nghiệp ‘có khuynh hướng ít thực hiện nghiêm chỉnh’ các cơ chế của Nhà nước, ví dụ như hộ kinh doanh cá thể, thì quy định tăng lương tối thiểu thậm chí còn không được áp dụng. Người lao động và chủ lao động ở đây thỏa thuận một hệ thống lương bổng hoàn toàn nằm ngoài quy định của pháp luật.

VEPR chỉ ra mặt trái của tăng lương tối thiểu: Không bảo vệ được người thu nhập thấp, nhiều lao động bị đẩy ra khỏi thị trường - Ảnh 3.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành tại buổi hội thảo

Các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thì phản ứng chính sách bằng cách cắt giảm lao động, các doanh nghiệp không tuân thủ sẽ thì còn không áp dụng luôn chính sách tăng lương, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành thẳng thắn cho rằng việc thay đổi lương tối thiểu là “không có nhiều có ý nghĩa, nếu có thì là ảnh hưởng tiêu cực vào thị trường lao động”.

“Tăng lương tối thiểu, cả người lao động và giới chủ bị ảnh hưởng. Sau đó, lương tối thiểu cũng không có khả năng bảo vệ những người không nhận lương tối thiểu, tức là những người đã bị đẩy khỏi thị trường vì chính sách tăng lương tối thiểu trên.” – Viện trưởng VEPR nhấn mạnh lại thêm một lần nữa.

Kết thúc phần diễn giả của mình, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành khuyến nghị rằng tốt hơn hết là các nhà thiết lập chính sách tiền lương nên thay đổi triết lý của mình về lương tối thiểu, không nên chỉ coi đây là một mức lương giúp người lao động đảm bảo cuộc sống cơ bản bởi lẽ đây là một khái niệm hãy còn khá mơ hồ.

“Chúng ta dựa trên ý tưởng là lương tối thiểu cần phải đáp ứng một nhu cầu cơ bản của người lao động. Chúng tôi cho rằng lập luận này vẫn rất đơn sơ.” – Ông Thành nhận định.

Vũ Hán

Cùng chuyên mục
XEM