Nhập khẩu thịt heo: Không dễ

18/12/2019 08:57 AM | Xã hội

Giải pháp tăng cường nhập khẩu thịt heo để bù đắp thiếu hụt trong nước thời điểm này là không đơn giản khi giá mặt hàng này trên thế giới đã tăng mạnh

Trước diễn biến hết sức bất thường trên thị trường thịt heo, ngày 17-12, Bộ Công Thương chính thức lên tiếng về tình hình giá thịt heo và công tác bình ổn những tháng cuối năm 2019.

Có tình trạng "găm" hàng

Theo Bộ Công Thương, giá mặt hàng thịt heo tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay với mức tăng 60%-95% so với đầu năm 2019. Hiện giá heo hơi ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg; giá thịt heo thành phẩm ở mức 160.000 - 180.000 đồng/kg, tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12.

Nhập khẩu thịt heo: Không dễ - Ảnh 1.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi tác động lớn đến nguồn cung cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế lưu chuyển heo thịt và thịt heo giữa các địa phương đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt heo tăng cục bộ, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. "Nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng trong khi một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn" - đại diện Bộ Công Thương cho hay. Ngoài ra, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đàn heo cả nước tháng 11 giảm 22% so với cùng kỳ, cũng là yếu tố chủ yếu đẩy giá thịt heo hơi trên thị trường.

Lo ngại trước tình trạng "găm" hàng đẩy giá, Bộ Công Thương sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành do Tổng cục QLTT chủ trì để kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. "Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ" - đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) sản xuất cung ứng đủ và theo đúng cam kết cho các DN phân phối. Đồng thời, giảm giá bán nhằm dẫn dắt, bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo.

Một giải pháp khác được ngành công thương đưa ra là kiểm soát thị trường, tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt heo và sử dụng thịt heo đông lạnh thay thế thịt heo nóng nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó, có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ mặt hàng thịt heo dịp cuối năm và Tết nguyên đán.

Về diễn biến thị trường từ nay đến Tết nguyên đán 2020, Bộ Công Thương dự báo nhu cầu tiêu dùng thịt heo sẽ giảm nhẹ, khoảng 5%-10% so với cùng kỳ năm trước do giá quá cao.

Doanh nghiệp nhập khẩu do dự

Khi nguồn cung trong nước thiếu hụt thì thịt heo nhập khẩu có xu hướng tăng. Theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng của năm 2019, cả nước nhập khẩu 96.000 tấn thịt heo, trị giá hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Con số này dù lớn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, song với sản lượng thịt heo trong nước sụt giảm tới 50%, lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.

Tuy nhiên, các DN cho rằng giải pháp tăng cường nhập thịt heo lúc này cũng không hề đơn giản. Ông Đoàn Ngọc Thơ, Giám đốc Công ty THO Group (chuyên nhập khẩu thịt các loại), cho biết lô thịt heo nhập khẩu cuối cùng trong năm âm lịch Kỷ Hợi 2019 của công ty đã về tới Việt Nam từ 1 tháng trước. Công ty cũng chưa chốt đơn hàng mới do thời điểm này, các nhà cung cấp ở châu Âu chào hàng xương, thịt vai heo trong khi mặt hàng công ty cần nhập là thịt nạc, đùi, bụng… lại không có hàng, giá rất cao. Cụ thể, trước đây nhập thịt heo theo giá CIF (giá giao hàng tại cảng) chỉ hơn 2 USD/kg (khoảng 45.000 đồng/kg), nay tăng hơn 4 USD/kg (khoảng 90.000 đồng/kg), cộng các loại thuế, chi phí khác thì khi về đến cảng ở Việt Nam giá lên đến 120.000 đồng/kg. "Nếu thời điểm này chốt đơn hàng thì qua Tết, hàng mới về tới Việt Nam nhưng giá đang rất cao, chúng tôi thấy quá mạo hiểm nên không theo" - ông Đoàn Ngọc Thơ tiết lộ.

Cũng theo ông Thơ, không chỉ công ty ông mà một số DN khác cũng đang án binh bất động bởi giá thịt heo nhập khẩu đã tăng quá cao trong khi diễn biến thị trường trong nước rất khó đoán. "Lượng thịt heo nhập khẩu của THO Group trong năm 2019 chỉ tương đương 2018. Các DN chủ yếu nhập theo đặt hàng của các đối tác tiêu thụ trong nước bởi thịt heo nhập khẩu vẫn tiêu thụ chính ở các nhà máy, xí nghiệp, bếp ăn, nhà hàng… Người tiêu dùng chưa có thói quen mua thịt đông lạnh về sử dụng nhưng quan trọng hơn là thị trường trong nước không thiếu thịt heo mà đang bị làm giá" - ông Thơ nhận định.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cũng cho hay một số nhà nhập khẩu thịt heo báo giá tăng lên khá nhiều, mặc dù không đến mức tăng gấp đôi so với nửa năm trước nhưng đã ở mức cao và hút hàng đối với một số loại thịt. "Số thiếu hụt chủ yếu là nguồn để dành cho chế biến trong năm 2020. Riêng từ nay đến Tết, Vissan đã chuẩn bị 3.000 tấn thịt đông lạnh. Công ty đã đưa thịt heo nhập khẩu ra thị trường để thăm dò phản ứng của khách hàng. Sắp tới, sẽ đưa vào phân phối đại trà tại các siêu thị và cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan, niêm yết giá cụ thể đối với thịt nhập khẩu" - ông An nói và cho biết thịt nhập được rã đông, pha lóc và dự kiến bán với giá thấp hơn giá thịt nóng 15%-20%.

Tại buổi làm việc mới đây về tình hình chuẩn bị hàng Tết của TP HCM, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho rằng lâu nay, công ty nhập khẩu thịt heo để cung cấp theo đơn đặt hàng của các DN sản xuất chứ không bán lẻ ra thị trường vì người tiêu dùng không "khoái" thịt đông lạnh. "Cách đây 3-4 tháng nếu các bộ - ngành và sở - ngành địa phương quan tâm đến phương án nhập thịt bù đắp thiếu hụt thì đã cho DN được nhập thịt heo nhưng vì cơ quan chức năng không động viên nên chúng tôi không dám nhập nhiều. Giờ giá thịt nhập khẩu tăng cao, ngang ngửa thịt tươi nhưng bù lại lượng hàng trong kho của các DN nhập khẩu còn rất nhiều, không lo thiếu" - bà Hà phản ánh.

Theo giới kinh doanh, đến thời điểm này, đại bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà với thịt heo nhập khẩu nên không có nhiều hy vọng thịt nhập sẽ thay thế được phần nào thịt nóng trong những ngày tới. Mặt khác, đang có sự lệch pha giữa thịt nhập với nhu cầu tiêu dùng: khách hàng thích mua thịt ba rọi, sườn non nhưng thịt nhập chủ yếu là đùi, vai, nạc…

Trong ngày 17-12, đoàn công tác của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM đã có chuyến khảo sát chợ đầu mối Hóc Môn và có buổi làm việc với Sở Công Thương TP HCM về tình hình chuẩn bị nguồn hàng Tết cũng như bình ổn giá cả thị trường.

Trong chuyến khảo sát, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, dự báo nhiều khả năng từ nay tới Tết nguyên đán, giá heo hơi trong nước sẽ còn tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, nguồn cung thịt heo sẽ không quá căng thẳng vì giá heo quá cao nên nhu cầu tiêu thụ giảm đáng kể.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, nêu giải pháp trước mắt là khuyến khích người dân sử dụng thịt heo đông lạnh, mua sản phẩm trọn gói của các siêu thị gồm thịt kho, khổ qua, dưa muối... cho dịp Tết nguyên đán sắp tới hoặc sử dụng thực phẩm thay thế như thịt gà, vịt, bò...

Ng.Hải

Trung Quốc thiếu hụt đến 24 triệu tấn thịt heo

Trong cơn khủng hoảng thịt heo, ngoài việc thúc đẩy sản xuất thịt heo thông qua nguồn ngân sách hỗ trợ từ trung ương, mở kho dự trữ, đưa thịt heo đông lạnh ra thị trường để đáp ứng nhu cầu trong dịp Tết nguyên đán, Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu thịt heo từ nhiều nước. Theo tờ The Guardian (Anh), lượng thịt heo nhập khẩu vào Trung Quốc tăng vọt, từ 94 triệu kg hồi năm ngoái lên 161 triệu kg trong năm nay.

Giới chức Trung Quốc đang khẩn trương cấp giấy chứng nhận nhập khẩu thịt heo từ Brazil, Ireland và một số quốc gia khác với tốc độ nhanh chưa từng thấy để đáp ứng nhu cầu trong nước. Hồi tháng trước, Trung Quốc cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt heo từ Canada. "Cơn khát thịt heo" của Trung Quốc cũng khiến giá thịt heo thế giới tăng theo.

Châu Âu đã chứng kiến giá thịt heo tăng nhảy vọt ít nhất 35% kể từ đầu năm. Ông Rupert Claxton thuộc Tập đoàn Tư vấn thực phẩm quốc tế Girafood nhận định: "Vấn đề là tổng sản lượng thịt heo xuất khẩu toàn cầu vào năm 2018 là 8 triệu tấn trong khi Trung Quốc thiếu hụt đến 24 triệu tấn. Nguồn cung thịt heo trên thế giới không đủ để lấp đầy khoảng trống này". Theo đài CNBC, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho hay giá thịt heo đã tăng 110% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng của năm 2019, Anh đã chuyển hơn 45.000 tấn thịt heo sang Trung Quốc, gần gấp đôi con số hồi năm 2018, đưa Trung Quốc trở thành khách hàng tiêu thụ thịt heo lớn nhất của Anh.

X.Mai

Theo Minh Chiến - Phương An - Nguyễn Hả

Cùng chuyên mục
XEM