Nhập cư trái phép vào Anh: Đường dây tinh vi và những con số đáng kinh ngạc

28/10/2019 14:02 PM | Xã hội

Tính đến năm 2018, lượng người sinh ra ở nước ngoài nhưng sống tại Anh đã chiếm 14% tổng dân số, tương đương 9,3 triệu người.

Vào tháng 5/2019, nghiên cứu của Tổ chức thị trường xã hội SMF đã cho thấy việc Anh rời Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi Brexit sẽ thúc đẩy làn người di cư vào Anh. Nguyên nhân rất đơn giản, việc đóng cửa mối liên kết giữa Anh và EU sẽ khiến người nhập cư khó lòng vào quốc đảo sương mù hơn từ Đông Âu.

Trên thực tế, dòng người nhập cư vào Anh không còn lạ chuyện mới khi chính họ là nguyên nhân cho cuộc bỏ phiếu Brexit vào năm 2016, khi những người bản địa tức giận vì bị mất việc làm và muốn rời EU. Không chỉ những công việc nặng nhọc mà ngay cả việc làm lương cao như bác sĩ, luật sư, kỹ sư cũng bị người nhập cư từ Châu Âu chiếm lấy tại Anh.

Nhập cư trái phép vào Anh: Đường dây tinh vi và những con số đáng kinh ngạc - Ảnh 1.

Đường dây nhập cư trái phép vào Anh từ Trung Quốc, qua các nước Châu Âu như Bulgaria, Hà Lan hay Bỉ

Dẫu vậy, chính quyền London hầu như chẳng có nhiều biện pháp mấy cho đến trước năm 2016 bởi những ràng buộc về quy định trong EU cũng như những lợi ích khi mở cửa thị trường. Cần phải lưu ý rằng việc thống nhất thị trường cũng như hàng loạt thỏa thuận thương mại mà EU, bao gồm cả Anh, đã ký kết với nhiều nước là điều khó từ bỏ khi quyết định rời khối.

Vụ việc 39 người nước ngoài bị thiệt mạng trên xe tải là bê bối mới nhất cho đường dây vận chuyển người trái phép này. Những lao động này được giấu trên các xe tải chở hàng, chở qua cảng để rồi phải làm việc như nô lệ trong các trại cần sa, tiệm làm móng, nhà hàng hoặc thậm chí là nhà thổ.

Trong khi phần lớn những người nhập cư vào Anh đến từ Châu Âu hay Trung Đông thì Trung Quốc lại đang gây nhiều chú ý. Theo Tổ chức chống buôn người và nô lệ Anh (SA), lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Trung Quốc trở thành nước có nhiều công dân nhập cư trái phép nhất được giải cứu tại Anh.

Năm 2000, cảnh sát Anh đã tìm thấy thi thể của 58 người nhập cư trái phép mang hộ chiếu Trung Quốc nhưng không xác định chắc chắn là của nước nào trên một chiếc xe tải tại cảng Dover. Chiếc xe này xuất phát từ tỉnh Phúc Kiến-Trung Quốc.

Họ được tìm thấy chết cóng trong xe tải chở cà chua sau khi đáp chuyến phà từ Zeebrugge, cùng tuyến đường mà 39 người nhập cư thiệt mạng mới đây đã đi. Tài xế xe tải đã bị tuyên án 14 năm tù khi thừa nhận đã đóng hệ thống thông khí của xe tải và khiến nạn nhân ngạt thở đến chết để tránh các thiết bị kiểm tra. Phía cảnh sát Anh cho biết người tài xế này nhận được khoảng 300 Bảng Anh (385 USD) cho mỗi người nhập cư thành công.

(Click vào ảnh để xem chú thích)

Năm 2004, một vụ nhập cư trái phép khác khiến 21 người cũng mang "quốc tịch" Trung Quốc thiệt mạng tại vịnh Morcecambe do chết đuối khi cố tiếp cận vào vùng biển Anh. Năm 2015, 71 người Trung Đông đã thiệt mạng trên một xe tải chở thịt khi cố nhập cư vào Anh.

Năm 2017, một chủ chứa tại Anh đã bị phạt tù 4 năm vì chuyên buôn phụ nữ Châu Á qua Anh làm gái mại dâm. Theo vị chủ chứa này, phần lớn gái mại dâm ở đây đi cùng con cái. Họ được trả công 100 Bảng/giờ và lợi nhuận được chi trả cho học phí cũng như cuộc sống của con họ tại Anh.

Hàng năm, số lượng người nhập cư chết khi vào Anh đều có nhưng không được thống kê chính xác do liên quan đến ngoại giao cũng như khó xác định danh tính thực sự.

Những số liệu đáng kinh ngạc

Kể từ năm 2005, chính quyền London không hề có một thống kê chính thức nào về người nhập cư trái phép, hầu như các con số chỉ mang tính dự đoán. Bộ Nội vụ Anh ước tính có ít nhất 1 triệu lao động nhập cư trái phép hiện đang sinh sống tại đây và hàng năm có khoảng 150.000 người nước ngoài ở lại trái phép do không thể gia hạn thêm visa rồi ở lại bất hợp pháp hoặc nhập cư lậu, tương đương 2.885 người mỗi tuần.

Tâm sự của một người nhập cư trái phép bằng xe tải vào Anh

Nếu chỉ tính lượng người nhập cư mới vào thì hàng năm nước Anh phải tiếp nhận khoảng 70.000 người nước ngoài đi theo đường bất hợp pháp.

Thế nhưng kể từ năm 2005, số lượng bắt giữ và buộc người nhập cư trái phép về nước tại Anh ngày càng giảm dù lượng người nước ngoài bất hợp pháp đổ vào vẫn tăng. Từ con số 16.000 vụ trục xuất thành công thì nay chỉ còn 5.000 vụ thành công mỗi năm.

Tính đến năm 2018, lượng người sinh ra ở nước ngoài nhưng sống tại Anh đã chiếm 14% tổng dân số, tương đương 9,3 triệu người.

Các nghiên cứu độc lập cho thấy với mỗi người nhập cư trái phép, người Anh bản địa sẽ phải tốn thêm khoảng 4.255-7.820 Bảng Anh (5.452-10.020 USD) tiền thuế cho các dịch vụ công như y tế, giáo dục cùng nhiều chi phí khác.

Chính vì sự thiệt hại này mà các cuộc khảo sát cho thấy có hơn 70% người bản địa Anh coi nhập cư trái phép là thách thức nghiêm trọng với xã hội cần chính phủ giải quyết.

Mặc dù vậy, những người lao động nhập cư trái phép cũng đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế dù họ không có danh tính chính thức để đóng thuế. Thay vào đó, những người nhập cư trái phép sẽ phải làm việc với mức giá rẻ mạt do không có visa, tạo nên một lực lượng lao động giá rẻ dồi dào cho các doanh nghiệp.

Tại Anh không có số liệu chính thức nhưng ở Mỹ, một cuộc khảo sát năm 2013 cho thấy những người nhập cư trái phép đã giúp GDP Mỹ tăng thêm 1,4 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm, tương đương mức tăng 25% thu nhập cho mỗi người dân.

Nhập cư trái phép vào Anh: Đường dây tinh vi và những con số đáng kinh ngạc - Ảnh 4.

Tỷ lệ người sinh ra tại nước ngoài có quốc tịch và không có tại Anh

AB

Cùng chuyên mục
XEM