Mới gặp Jack Ma, có lẽ bạn sẽ không thể hình dung ra tại sao một người đàn ông cao chưa đến 1m60, nặng chưa đầy 50kg, từng một thời là giáo viên dạy tiếng Anh lại có thể lột xác trở thành một trong những doanh nhân thành công nhất Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Washington từng dành cho ông những lời có cánh.
“Ông là một hình mẫu vượt trên đời thường, được mệnh danh là ‘bố già’ trong giới doanh nhân Trung Quốc, và giành được sự trung thành của khách hàng cũng như nhân viên bằng một tính cách hớp hồn, đôi lúc gần như kỳ dị”.
Jack Ma sinh năm 1964 tại Hàng Châu, trong một gia đình có bố mẹ là nghệ sỹ chuyên nghiệp trình diễn một loại hình kỹ nhạc truyền thống bị Trung Quốc cấm thời ông còn nhỏ.
“Hồi bé, tôi rất gầy gò, nhưng là một tay gây gổ thiện chiến. Tôi chưa bao giờ sợ đánh nhau với những đứa nhóc to hơn mình”, ông kể lại.
Tuổi thơ của ông chứng kiến sự mở cửa giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài, thứ ngoại ngữ từ Anh Quốc lạ lẫm bằng cách nào đó đã thu hút cậu bé Jack Ma thời bấy giờ.
Theo lời ông kể, trong suốt 9 năm, sáng nào ông cũng dậy sớm và đạp xe tới khách sạn Hàng Châu, nơi ông kết bạn với khách du lịch nước ngoài và làm việc không công với vai trò hướng dẫn viên để luyện tập tiếng Anh.
Cậu bé Jack Ma (trái) chụp ảnh cùng khách du lịch.
Mặc dù có thiên khiếu bẩm sinh về ngoại ngữ, Jack Ma chưa bao giờ học giỏi toán. Đây cũng là môn học khiến ông hai lần trượt đại học quốc gia Trung Quốc.
Lần thứ ba, ông đã chọn trường Đại học sư phạm Hàng Châu và thi đỗ, nền móng để sau này ông trở thành giảng viên tiếng Anh đại học.
Có lẽ, chỉ tính riêng việc trở thành giảng viên tiếng Anh đối với ông cũng là một thành quả khó tưởng tượng, nhưng đây chỉ là một trong rất nhiều dấu son làm nên sự nghiệp ngày hôm nay của ông.
Jack Ma từng tâm sự ông đã bị trường đại học kinh doanh Harvard từ chối 10 lần.
“Chưa một ai nói tôi có thể làm được việc gì giúp ích cho đời trong tương lai”, ông kể lại.
Sau khi ra trường, ông đã bị nhiều công ty từ chối, trong đó có cả KFC.
Tuy nhiên, với tầm nhìn và tham vọng, ông quyết định thôi việc sau 5 năm giảng dạy, sắp đồ và chuyển tới Mỹ năm 1995.
Lạ lẫm với Internet
Ông làm việc tại đất Mỹ với vai trò phiên dịch viên chuyên về đàm phán kinh doanh.
Cũng trong khoảng thời gian này, ông đã làm quen với Internet, một khái niệm Jack Ma chưa từng biết tới thời còn ở Trung Quốc.
Theo hướng dẫn từ một người bạn, khẳng định rằng trên Internet có mọi thứ, ông đã gõ tìm kiếm từ “bia”. Kết quả trả về không xuất hiện bất cứ nhãn hiệu bia nào của Trung Quốc.
Ông đã tìm kiếm thêm nhiều từ khóa về quê hương của mình, nhưng không nhận được bất cứ kết quả nào trả về.
Nhận ra tiềm năng khổng lồ từ thị trường hơn 1 tỷ người nhưng lại thiếu hút thông tin tại quê nhà, ông đã trở về nước, kêu gọi đầu tư được 2.000 USD và lập ra một kiểu trang vàng Trung Quốc có tên China Pages, được cho là trang web thương mại đầu tiên của nước này.
China Pages là thất bại về công nghệ đầu đời của ông, phải đóng cửa sau chưa đầy một năm hoạt động.
Ông đã cố gắng kêu gọi hỗ trợ từ chính phủ, nỗ lực mở ra kỷ nguyên Internet cho Trung Quốc, nhưng chính phủ không muốn nghe ông trình bày.
Thêm vào đó, cũng chẳng khách hàng hay công ty nào muốn ông công bố thông tin của họ lên mạng.
Không nản lòng, 4 năm sau khi Trung Quốc đã bớt bỡ ngỡ với Internet, ông quyết định thử lại một lần nữa.
Vào năm 1999, khi cơn sốt Internet quét qua Phố Wall của Mỹ, đó lúc là lúc Jack Ma tập hợp 17 người bạn lại trong căn hộ. Cả nhóm lên kế hoạch xây dựng một trang chợ trực tuyến cho riêng mình.
Jack Ma (khoanh tròn) chụp ảnh cùng lứa nhân viên đầu tiên của Alibaba.
"Vừng ơi mở ra"
Trang web có tên Alibaba.com cho phép các nhà xuất khẩu đẩy danh sách sản phẩm lên mạng để người mua có thể lướt xem, nó bắt đầu thu hút sự chú ý từ nhiều công ty trên khắp thế giới.
Cái tên Alibaba gợi khách hàng nhớ đến câu thần chú: “Vừng ơi mở ra”, khi sáng lập Alibaba, Jack Ma muốn khách hàng nghĩ đến trang web của mình như một kho chứa tất cả những gì họ mong muốn, chỉ cần “Mở ra là có, kích chuột là mua”.
Với Alibaba, Jack Ma đã thành công trong việc mở ra một sân chơi trực tuyến chưa từng có cho các doanh nghiệp Trung Quốc thời điểm đó.
Tháng 10/1999, công ty đã gây vốn được 5 triệu USD từ ngân hàng Goldman Sachs và 20 triệu USD từ SoftBank - một công ty viễn thông Nhật Bản chuyển đầu tư vào các công ty công nghệ.
Nhân cách lạ thường
Những đoạn video tư liệu cho thấy thời còn trẻ, Jack Ma là một nhà hùng biện thu hút, có khả năng truyền cảm hứng cho khán giả về giấc mơ của mình.
Ngay cả khi số lượng thành viên trong nhóm làm việc tăng lên, Porter Erisman – nhân viên Alibaba từ những ngày đầu - cho biết không khí trong công ty luôn luôn đầm ấm như một gia đình.
Jack Ma đã tạo động lực cho mọi người bằng cách ví Alibaba như một kẻ tí hon đang chuẩn bị xông pha đánh gục người khổng lồ.
“Chúng ta còn trẻ, và chúng ta sẽ không bao giờ, không bao giờ bỏ cuộc”, ông từng nói trước toàn bộ nhân viên.
“Người Trung Quốc cũng thông minh như người Mỹ. Nếu chúng ta hợp tác tốt, biết mình muốn gì thì 1 người trong chúng ta có thể chọi lại 10 người Mỹ”, ông nói.
Bài phát biểu thể hiện một phần yếu tố chìa khóa dẫn đến sự cải tiến vượt bậc trong ông: Ông không những có tầm nhìn, mà còn có tinh thần của một đấu sĩ.
Lấy cảm hứng từ tình yêu võ thuật và tiểu thuyết kiếm hiệp thời còn nhỏ, ông đặt nickname cho các nhân viên theo nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung.
Ngoài ra, với đam mê diễn xuất, một phần kế thừa từ cha mẹ, Jack Ma tạo ra một không khí kì dị nhưng lí thú ở công ty.
Năm đầu tiên Alibaba làm ăn có lãi, ông đã phát cho nhân viên mỗi người một lọ xịt băng dây để xịt khắp công ty ăn mừng.
Những năm 2000, khi công ty quyết định khởi động trang web Taobao - đối thủ của eBay, ông đã yêu cầu nhóm lập trình phải trồng chuối trong giờ giải lao để “máu dồn về não”.
Thậm chí đến ngày nay, hàng năm Alibaba vẫn thường tổ chức một show tìm kiếm tài năng tại sân vận động, nhân viên muốn tham gia phải tập rượt trước hàng tuần.
Jack Ma đội tóc giả hát trong show tìm kiếm tài năng nội bộ Alibaba.
Đương nhiên, không phải sự nghiệp của ông lúc nào cũng thuận buồn xuôi gió.
Alibaba phát triển rất nhanh, nhưng cũng “đốt” tiền rất chóng. Năm 2001, ông đã phải sa thải toàn bộ nhân viên ở nước ngoài của công ty, ông Erisman từng kể về những cuộc điện thoại trong đó Jack Ma bàn về việc đóng cửa văn phòng tại Mỹ, sau đó ông tự vấn bản thân rằng liệu mình có phải là một tên tồi tệ.
Tuy nhiên, chính sự tận tụy và ý chí không ngại rủi ro của Jack Ma đã mang đến một trang web đáp ứng nhu cầu của những người dân Trung Quốc - rất nhiều trong số đó mới chỉ biết đến Internet một thời gian chưa lâu.
Chính điều này cũng giúp công ty đánh bại eBay trên thị trường Trung Quốc giữa những năm 2000.
Hiện tại, Taobao là một trong top 20 website được truy cập nhiều nhất thế giới, cộng với một trang web khác của Alibaba - Tmall, Taobao xử lý lượng giao dịch tổng trị giá lên tới 240 tỷ USD năm 2013.
Cũng trong năm đó, Jack Ma rời chức Giám đốc điều hành Alibaba.
“Tôi từng nghĩ sẽ nhẹ gánh sau khi thôi làm CEO, nhưng giờ khi ngồi ghế Chủ tịch, tôi nhận ra làm chủ tịch còn mệt hơn CEO nhiều”, ông trả lời Nhật báo phố Wall.
Việc niêm yết của Alibaba cũng là một câu chuyện giật gân trong giới doanh nhân.
Sau khi không thuyết phục được sàn giao dịch chứng khoán Hongkong thay đổi một số quy định để những công ty có cấu trúc đặc biệt như Alibaba được niêm yết, Jack Ma đã rút đơn và gửi thẳng lên sàn giao dịch chứng khoán New York.
Sau khi đệ đơn IPO, ông đã viết một bức thư gửi tới toàn bộ nhân viên công ty, trong đó có đoạn: “Chúng ta đã trụ vững tới ngày hôm nay không phải vì chiến lược thông minh và thấu đáo, cũng không vì cách thực thi hoàn hảo, mà vì trong suốt 15 qua, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ để ‘khiến việc kinh doanh trên toàn thế giới được dễ dàng hơn’, vì chúng ta đã ‘đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết’, và vì chúng ta đã tin tưởng vào tương lai, tin tưởng rằng những người bình thường nhất cũng có thể làm nên những điều trọng đại”.
Theo Lề Phương