'Tôi nuôi dưỡng 'cái điên' của các nhà khoa học và biến nó thành tài sản'

26/06/2014 15:25 PM | Nhân vật

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Tiến Đức - TGĐ AMD Group.

Anh Đức từng tham gia hoạch định chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Du Lịch, Vietnam Airlines…Sau đó là “đối tác” trong các chương trình hợp tác Công - Tư với Liên minh châu Âu (EU), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)...

Anh Đức lập Viện quản lý và phát triển Châu Á (AMDI), rồi lập AMD Group, hợp tác với hơn 300 chuyên gia đầu ngành, đảm nhận việc tham vấn chính sách, khảo sát thị trường, tư vấn việc quản lý và vận hành các dự án sử dụng vốn ODA, FDI. 

Các bác nông dân chế tạo máy bay hay máy gặt lúa mà báo chí vẫn thường “phát hiện” ra và gọi là các nhà “khoa học chân đất” có phải là “đối tượng” nhắm tới của sàn giao dịch ý tưởng AMD không anh?

Người nông dân làm khoa học đúng là đối tượng mà chúng tôi quan tâm. Bên cạnh đó, còn có nhiều nhà khoa học ở các trường Đại học, các viện nghiên cứu nhưng cũng không có chỗ để trình bày ý tưởng của mình, không có chỗ để thẩm định giá trị ý tưởng của mình đến đâu chứ chưa nói đến việc từ đó phát triển để đầu tư. 

Ví dụ như vừa rồi vải ế tràn lan, nông dân thiệt thòi nhưng cũng có người nông dân sáng tạo ra được loại vải không hạt, ý tưởng rất tốt song nếu không đặt sáng chế này trong chuỗi giá trị của vùng vải thì sẽ không thể tính toán được ý tưởng này có khả thi không, có nhân rộng được hay không, cần bao nhiêu thời gian, giá thành như thế nào, quy trình sản xuất ra sao…

Nếu một mình người nông dân tự mày mò, sẽ không dễ thành công nhưng nếu đưa ý tưởng này cho chúng tôi, chúng tôi sẽ làm những việc thẩm định ban đầu, nếu thấy khả thi thì sẽ là nhà đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư.

Vậy những khó khăn mà anh đã, đang và sẽ phải đối mặt là gì? 

Khó khăn lớn nhất là hành lang pháp lý chưa tạo được hiệu ứng cụ thể. Các nhà khoa học Việt Nam có tư duy sáng tạo, ý tưởng không hề kém so với các nhà khoa học thế giới. Tuy nhiên, họ lại chưa có sân chơi thực sự, ý tưởng trình bày không được kết nối hoặc sự kết nối đó rất mờ nhạt. 

Rồi cả việc “phá băng” những rào cản về hành chính hay những hướng dẫn, chính sách cụ thể cho mô hình hợp tác công tư trong hoạt động khoa học công nghệ.

Lên sàn trong thời điểm này có mạo hiểm không, thị trường diễn biến khá khó lường?

Làm việc gì cũng có mạo hiểm, nếu nhìn thấy sự mạo hiểm đó mà không làm thì chẳng làm được cái gì cả. 

“Trong cái khó, ló cái khôn” trong cái khó ló cái hay, mọi người đều nhìn thấy khó thì mình phải chuẩn bị, vì nếu lúc thuận lợi mọi người lao vào làm thì sẽ là quá muộn đối với mình. Mình phải xác định lúc đó là lúc khó để mình không ảo vọng và có sự chuẩn bị tốt, đến lúc thuận lợi thì mọi thứ đã được chuẩn bị rồi. 

Sau khi lên sàn chứng khoán, sau khi tổ hợp KHCN hình thành, anh sẽ “hành động” tiếp như thế nào?

Với kinh nghiệm và kế hoạch đầu tư nghiêm túc, tôi tin rằng sẽ nhanh chóng trở thành tổ chức lớn để kết nối các ý tưởng hay nhất, nhằm tạo ra những giá trị đặc biệt cho xã hội. Chúng tôi đã có một số ý tưởng về công nghệ và đã có những tiếp xúc ban đầu. 

Nhưng để biến nó thành sản phẩm cụ thể thì cần phải có thời gian và quá trình làm chủ những công nghệ tiên tiến của nước ngoài, quá trình làm chủ này rất quan trọng, không loại trừ cái ý tưởng đó mang lại khả thi cao thì mình sẵn sàng đầu tư luôn việc mua và thuê quá trình chuyển giao về Việt Nam để có thể ứng dụng được ngay, tổng thể và toàn diện. 

Ví dụ như công nghệ bảo quản cá hồi của Nhật, Trung Quốc rất muốn chuyển giao nhưng phía Nhật không đồng ý nhưng hiện đã đồng ý chuyển giao cho Việt Nam. Bạn cứ thử hình dung chúng ta nhận chuyển giao công nghệ này và vào mùa vải không có cảnh ế đỏ đường và giá chỉ vài ngàn đồng/ kg. Khi đó vải chín một mùa nhưng được bảo quản để bán quanh năm, lúc nào cũng tươi ngon mà không có độc tố.

Được biết anh khá có duyên và được các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế quý mến vì vậy anh thường “kết nối” họ được với nhau. Các nhà khoa học thường hơi “khác thường, hơi điên” và chính cái “điên” đấy của họ tạo ra những thành quả vĩ đại, anh thì sao, nếu nói ngắn gọn về mình, anh sẽ nói gì?

Các nhà khoa học Việt Nam khi đi ra thế giới đều được đánh giá rất cao, theo quan sát của tôi thì khả năng nghiên cứu khoa học chuyên sâu của Việt Nam không thua kém so với quốc gia khác nhưng Việt Nam chưa có một môi trường thực sự khuyến khích sự phát triển của các nhà khoa học. Vì vậy, nếu có môi trường tốt, tự khắc chúng ta sẽ quy tụ được nhiều nhà khoa học giỏi phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Tôi không phải là nhà khoa học mà là doanh nghiệp kết nối các nhà khoa học, nuôi dưỡng các nhà khoa học. Tôi nuôi dưỡng cái “điên” của các nhà khoa học, tôi thậm chí khuyến khích họ “điên” (cười).

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này. 

>> Thiểu số sáng tạo: Họ có 'điên' thật không?

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM