Tôi đã trả "ngu phí" cho 4 sai lầm đầu tư chứng khoán như thế nào?
Khi học CFA, tôi mới biết rằng đầu tư chứng khoán không chỉ là 3 chữ cái trên bảng điện tử mà đằng sau nó là hàng loạt những phân tích chuyên sâu về doanh nghiệp từ phân tích báo cáo tài chính, hiệu quả kinh doanh, các dự án doanh nghiệp triển khai.
Tôi đến với chứng khoán với sự kỳ vọng làm giàu của gia đình và từ sự xui khiến một anh hàng xóm nhà tôi. Trước đây anh hàng xóm này chỉ học Đại học Bách khoa và đang có một công việc làm IT rất tốt ở Vietcombank. Tuy nhiên, anh đã bỏ Vietcombank và đi đầu tư chứng khoán.
Cả nhà tôi cũng không thực sự biết anh giàu đến mức nào chỉ biết được rằng sau khi bỏ Vietcombank được hai năm, anh đã có đến ba chiếc xe ô tô (một Venza, một Lexus RX350, một Mercedes C230), một căn hộ chung cư cao cấp ở khu Mỹ Đình, một mảnh đất gần nhà tôi và nghe đâu đó vài tỷ trong tài khoản chứng khoán.
Ngưỡng mộ hơn khi anh ấy tự mở một công ty kinh doanh bất động sản cho riêng mình, hai vợ chồng anh ấy mỗi người một ô tô vi vu đây đó. Tôi cũng như bố mẹ tôi rất ngưỡng mộ anh ấy và luôn mong một ngày nào đó, tôi cũng có thể giàu có được như vậy.
Một hôm, anh ấy sang chơi nhà tôi. Sau khi hỏi thăm tình hình học tập của tôi và gợi ý muốn giúp tôi bắt đầu bước vào nghề đầu tư chứng khoán với một niềm tin chắc chắn là sẽ thu về gấp đôi, gấp ba lần số vốn ban đầu đã bỏ ra. Anh ấy gợi ý: “Chỉ với khoảng 50 triệu đồng, anh vào con nào em vào theo con đó, anh tin rằng sau khoảng một năm, số tiền em có có thể lên đến 100 triệu đồng”.
Nghe cũng lọt tai, lại thấy người thật việc thật nên bố mẹ tôi đã chấp nhận bán 2 cây vàng đi để tôi đầu tư chứng khoán. Giá vàng lúc tôi bán khoảng 30 triệu đồng/ cây. Tiền bán vàng được đủ để tôi có 50 triệu trong tài khoản chứng khoán và một chiếc máy tính xách tay để theo dõi cập nhật thị trường.
Thế là từ năm 2010, một sinh viên năm thứ ba non nớt chưa hiểu gì về thị trường đã chân ướt chân ráo bước vào thị trường chứng khoán với niềm tin làm giàu nhanh chóng từ nơi này.
Ngày nào cũng vậy, không quan tâm đến học hành trên lớp, tôi mang chiếc laptop của mình đến lớp học và chăm chăm nhìn vào bảng giá điện tử theo dõi room skype và bàn chiến lược kinh doanh với anh hàng xóm. Đến giờ nghỉ tôi cùng với một đội bạn bè cùng lớp lại ngồi với nhau để nói về mã này mã kia, mã nào ngon để vào hàng. Trong kỳ học đó, kết quả học tập của tôi giảm sút đáng kể.
Sau gần một năm đầu tư, thua lỗ thì nhiều mà lãi chẳng được bao nhiêu, tôi giật mình nhận ra mình đã sụt giảm 40% tài khoản (tương đương với 20 triệu đồng). Nhiều người nói với tôi rằng “Mày mất thế là bình thường, có người còn mất cả tỷ đồng kìa”. Nhưng đối với gia đình tôi lúc đó, 20 triệu là một khoản tiền rất lớn. So với vốn gốc ban đầu, tôi lỗ 40% tài khoản nhưng tính đến chi phí cơ hội (như giá vàng lúc đó có thời điểm lên đến 49 triệu đồng/ cây, lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên đến 18-19%/năm) thì tôi phải thua lỗ đến hơn 70%.
Tổng kết lại, tôi thấy mình đã mắc phải những sai lầm sau:
Sai lầm 1: Chỉ đầu tư trên tin đồn mà không chịu nghiên cứu về doanh nghiệp mình đầu tư làm ăn ra sao
Cổ phiếu đầu tiên tôi mua theo lời chỉ bảo của anh hàng xóm là VCR (công ty cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex) vì nghe nói nó sắp triển khai một dự án rất lớn, tôi đã nghe lời và mua đã thua lỗ hơn 2 triệu đồng sau lần đầu tiên do cổ phiếu đó xuống giá rất mạnh ngay sau khi tôi mua vào. Tuy nhiên, anh đã nói với tôi, không sao, anh còn mất nửa con Fortuner cơ mà, chú mất thế đã là cái gì, yên tâm, các lần sau chắc chắn sẽ lãi.
Các lần sau, gần như ai bảo mua mã cổ phiếu nào là tôi cũng hỏi han một lúc rồi quyết định ngay đặt lệnh mua mã cổ phiếu đó nhưng hầu hết là thua lỗ. Bên cạnh đó, tôi quá tin tưởng vào những lời khuyên, những tin đồn ở private room trên skype của các đồng chí môi giới của các công ty chứng khoán.
Sau này mới biết đôi khi đó là những công cụ của các cá mập chứng khoán đưa các nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu hiểu biết vào bẫy.
Sai lầm 2: Đầu tư theo lối “hiểu biết nửa vời”
Được học ở trong trường các kiến thức về kinh tế, tôi cũng “ảo tưởng sức mạnh về bản thân” khi thấy ta đây cũng có chút kiến thức về phân tích vĩ mô và phân tích ngành. Khi giá điện tăng, mọi người khuyên mua mã cổ phiếu ngành điện như VNE, VSH,… tôi cũng lao vào mua theo vì nghĩ rằng giá điện tăng thì đương nhiên các doanh nghiệp ngành điện là có lợi. Sau này tìm hiểu tôi mới biết, giá điện tăng ở đây là giá điện EVN bán cho người dân tăng còn giá mua điện từ các doanh nghiệp đã được EVN cố định từ trước, do đó, giá điện tăng thì các doanh nghiệp ngành điện không những không được lợi gì mà còn phải chịu chi phí đầu vào tăng cao hơn.
Khi nghe NHNN nới biên độ tỷ giá, tôi cũng nghĩ rằng các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có lợi, vì vậy, đi mua cổ phiếu các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu mà quên mất một điều, đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp này phải nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, tỷ giá tăng cũng không có nhiều ý nghĩa gì.
Sai lầm 3: Đầu tư không biết cắt lỗ và cắt lãi
Cổ phiếu đầu tiên tôi mua sau đó đã tăng giá là ASM của công ty cổ phần Sao mai An Giang. Sau khi giá tăng được một khoản kha khá, tôi đã rất sung sướng và càng tin vào lời của anh hàng xóm, con này lãi 50% hãy bán. Tuy nhiên, sau khi cổ phiếu ra tin tức lợi nhuận vượt kế hoạch trong kỳ thì giá cổ phiếu liên tục giảm. Tôi cũng kịp chốt lãi nhưng không được như trong giai đoạn trước đó.
Sau này, tôi mới nhận ra là trong đầu tư, không những phải biết cắt lỗ mà còn phải biết cắt cả lãi đặc biệt là trong giai đoạn thị trường biến động mạnh.
Sai lầm 4: Không nhìn sự ảnh hưởng của các thị trường khác đặc biệt là lãi suất lên thị trường chứng khoán.
Hồi đó, gửi tiết kiệm và mua vàng là một kênh đầu tư hấp dẫn hơn rất nhiều so với đầu tư trên thị trường chứng khoán. Lãi suất huy động lên đến 18-19%/năm, giá vàng thì liên tục tăng. Với các kênh đầu tư khác hấp dẫn như vậy thì chắc chắn chứng khoán không phải là một lĩnh vực ưu tiên khi đầu tư. Bây giờ đi làm ngân hàng, được hiểu sâu hơn về lãi suất huy động và cho vay, tôi mới thấy rắng với mức lãi suất cho vay trên 20% như vậy thì doanh nghiệp rất khó làm ăn được.
Chán nản và mệt mỏi, tôi đã đi làm ở một công ty về giáo dục và may mắn vẫn mỉm cười với tôi. Tôi đã nhận được một lời khuyên từ người sếp ở công ty đầu tiên tôi đi làm “Em còn trẻ, nên đầu tư thời gian vào việc học tập và tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn khi đi làm”. Thế là tôi đã rút toàn bộ số tiền còn lại về để học CFA . Với nỗ lực của mình, tôi đã thi đỗ kỳ thi CFA level 1.
Khi học CFA, tôi mới biết rằng đầu tư chứng khoán không chỉ là dăm ba chữ cái trên bảng điện tử mà đằng sau nó là hàng loạt những phân tích chuyên sâu về doanh nghiệp từ phân tích báo cáo tài chính, hiệu quả kinh doanh, các dự án doanh nghiệp triển khai. Bên cạnh đó, không chỉ có phân tích kỹ thuật mà còn phải rất chắc về phân tích cơ bản, các mô hình định giá nữa.
Tôi cũng quen biết thêm nhiều anh chị làm việc ở các công ty quản lý quỹ và mới biết rằng nhà đầu tư tổ chức họ đầu tư kỷ luật như thế nào.
Tôi cũng nhận ra rằng những người giàu có nhất trên thị trường chứng khoán không phải là những anh suốt ngày ngồi bám sàn ra vào các lệnh mà là những người khởi sự doanh nghiệp, làm chủ các hoạt động kinh doanh, sở hữu cổ phiếu của công ty và thu được lợi nhuận lớn khi công ty đó niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tôi đã nhận ra những yếu kém của bản thân mình và thấy “ngu phí” mình phải trả trên trường đời như thế là xứng đáng.
Càng tìm hiểu và đọc sách về Private wealth Management (tạm dịch là quản lý gia sản cho người giàu), tôi nhận thấy rằng để làm giàu, bạn phải tập trung vào hoạt động cốt lõi của mình để tạo ra thu nhập cao nhất. Các khoản tiền dôi dư sau khi trừ đi các chi phí sẽ được đầu tư vào các tài sản sinh lời như kênh tiết kiệm ngân hàng, đầu tư mua bất động sản,… để sau này mình có thêm một nguồn thu nhập thụ động khác.
Bây giờ, tôi không còn đầu tư chứng khoán theo phong trào nữa mà khi mua cổ phiếu nào sẽ tự mình tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng .
Với kinh nghiệm của mình, tôi có một vài lời khuyên với các nhà đầu tư sinh viên như sau:
Đối với các bạn trẻ, hãy dùng tiền để đầu tư vào việc học tập cho bản thân. Đây là khoản đầu tư khôn ngoan nhất mà sẽ mang lại lợi ích cho các bạn trong suốt cuộc đời. Nếu có đầu tư chứng khoán, hãy tìm hiểu về doanh nghiệp, học từ những bước cơ bản như đọc và phân tích báo cáo tài chính, cao cấp hơn nữa là tìm hiểu sâu về chính doanh nghiệp mình dự định đầu tư. Đừng bao giờ nghe theo những lời người môi giới, người quen mách bảo. Khi nắm giữ chứng khoán không chỉ biết cắt lỗ mà còn phải biết cắt cả lãi. Khi đi làm có thu nhập, hãy cố gắng tìm kiếm cho mình nguồn thu nhập thứ hai và biết phân bổ khôn ngoan các khoản tiền dôi dư của mình vào các tài sản sinh lời nhất định tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của từng người.
Đầu tư chứng khoán không phải là một cuộc chơi, sàn chứng khoán không phải là sòng bạc. Đã bỏ tiền ra đầu tư cái gì, bạn phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Tôi luôn ghi nhớ bài học này cho đến tận ngày hôm nay.
(Bài viết này nằm trong chuỗi bài của Cuộc thi Tôi đầu tư do Báo điện tử Trí thức trẻ và CafeF phối hợp tổ chức)