TGĐ Asanzo: Tôi chấp nhận làm người đi sau
Tham gia thị trường khá muộn, khi những doanh nghiệp (DN) nước ngoài như Samsung, Sony, LG, Toshiba... đã chiếm lĩnh thị trường và DN trong nước cũng đã bắt đầu "mệt mỏi", nhưng Asanzo vẫn có những cú lội ngược dòng ngoạn mục.
Năm 2014, số TV Asanzo được tiêu thụ là hơn 100.000 chiếc nhưng với đà tăng trưởng như hiện nay, Asanzo dự kiến, năm 2015, con số TV được bán ra thị trường của hãng sẽ gấp 3 lần năm trước. Mạnh dạn với ước mơ lấy lại thị trường nội địa, định danh Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu các thiết bị điện tử dưới cái tên Asanzo là Phạm Văn Tam, một "ông trùm" kín tiếng ở chợ linh kiện Nhật Tảo, TP.HCM.
Quyết tâm thoát nghèo
Sinh trưởng trong gia đình không thể nghèo hơn ở Móng Cái, Quảng Ninh, lại có 3 anh em trai, từ nhỏ, Phạm Văn Tam đã bị "ám ảnh" bởi câu "Tam nam bất phú”. Cả nhà làm thuê, đi vác hàng qua biên giới cho thương nhân để kiếm sống nhưng vẫn không thể thoát nghèo.
Là anh cả, học xong chương trình phổ thông, Phạm Văn Tam quyết định học nghề để cải thiện cuộc sống gia đình. Hai năm học việc rồi làm thợ chụp hình dạo mà vẫn không có câu trả lời thỏa đáng cho tương lai, ông quyết định dừng lại. Nhìn thấy lợi thế giáp biên của địa phương, Tam nghĩ không gì bằng đi buôn.
Vậy là ông chấp nhận bỏ nghề ảnh, làm lại từ đầu bằng việc sáng đi bưng phở kiếm tiền để chiều học ngoại ngữ cho giỏi rồi sang nước láng giềng tìm hàng về kinh doanh. Ngày đó, hàng điện tử ở Việt Nam còn khan hiếm, cả xóm coi chung một chiếc TV. Quyết định ấy đã làm thay đổi cuộc đời của Phạm Văn Tam và cả hai gia đình nội, ngoại.
* Kinh doanh lúc còn khá trẻ, điều ông lo lắng nhất khi tham gia thương trường là gì?
- Đặc thù của nơi tôi sinh ra và lớn lên là "nhà nhà đi buôn, người người đi buôn". Nông nghiệp yếu kém, cả làng sống nhờ chính sách ưu đãi thuế khi mua hàng ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc nên từ nhỏ, chúng tôi đã quen với việc mua bán.
Đi học nhưng hễ đến giờ chơi là cả thầy lẫn trò đều tranh thủ đi vác hàng, nghĩa là được thương nhân thuê sang biên giới mua các sản phẩm miễn thuế mang về cho họ để được trả tiền vận chuyển. Ngày đó, hàng điện tử khan hiếm nên đây là công việc "hái ra tiền".
Có tiền, qua biên giới mua một chiếc TV nội địa Nhật Bản về bán lại là đã có thể kiếm cả chỉ vàng. Quen việc rồi nên khi đầu tư cho kinh doanh, tôi thấy vững tâm hơn là lo lắng. Chỉ có hạn chế là không có vốn nên thời gian đầu, công việc khá chậm chạp.
* Ông giải quyết khó khăn ấy như thế nào?
- Tôi chọn Sài Gòn làm điểm đến. Những bạn hàng ở chợ điện tử Nhật Tảo ngày đó cũng "khát" hàng nên chỉ cần tạo được uy tín là họ sẵn sàng đưa tiền cho tôi đi lấy hàng. Cũng nhờ có kinh nghiệm, tôi thường chọn được hàng tốt nên bạn hàng thích lắm. Thời điểm đó, nói đúng ra tôi cũng chỉ là người áp tải hàng chứ không phải kinh doanh.
Mãi đến khi chủ động hơn về tài chính, tôi mới thực sự bước vào thương trường. Còn nhớ, những lần được cảnh sát kinh tế "hỏi thăm" trên đường đưa hàng từ Bắc vào Nam, các chú cứ bảo tôi là cửu vạn chứ không thể nào làm chủ hàng được. Vì lúc ấy trông tôi khá thư sinh, chẳng ra dáng con buôn chút nào.
Rồi thời thế đổi thay, những chiếc TV nội địa không còn có giá như trước, tôi chuyển sang liên kết với các DN sản xuất linh kiện điện tử ở nước ngoài, nhập hàng về phân phối, ban đầu chỉ trong chợ Nhật Tảo rồi dần dần đi xa hơn. Mười lăm năm sau nhìn lại thì chẳng biết những người làm cùng mình, mà bây giờ người ta hay gọi là đối thủ cạnh tranh, đi đâu hết cả.
* Điều gì giúp ông thâu tóm thị trường?
- Tôi không có ý nghĩ là sẽ thâu tóm thị trường, chỉ biết là phải làm tốt việc của mình, và tất cả mọi thứ đến rất tự nhiên. Nghĩ lại, tôi thấy mình có lợi thế hơn so với những "cây đa, cây đề” ở chợ Nhật Tảo chỉ là nhờ tuổi trẻ. Kinh doanh ở chợ, người ta quen với kiểu truyền thống, đi đâu cũng vác cuốn sổ công nợ dày cộp theo mình.
Còn giao thương với đối tác cũng rất dễ dàng, có khi bạn hàng với nhau cả hơn 10 năm nhưng vẫn chưa gặp mặt, chủ yếu đặt hàng qua điện thoại. Nhưng tôi không chấp nhận kiểu làm ăn như vậy, đã kết nối kinh doanh là tôi phải xuống tận nhà, gặp tận mặt để xem hàng hóa của mình đi đến đâu.
Việc quản lý cũng vậy, tôi tiếp cận máy tính từ khá sớm nên việc hệ thống hóa, quản lý số liệu bằng phần mềm được ứng dụng chặt chẽ. Nhiều người lúc đó thấy tôi dùng máy tính quản lý công việc đã cười và bảo là tôi chi li quá, tính toán từng con số lẻ, nhưng rồi thời gian đã chứng minh chỉ sự rõ ràng, chính xác mới giúp DN quản lý được dòng tiền của mình.
Quả ngọt từ chữ tín
Kết nối tốt với DN sản xuất linh kiện ở các nước, lại nắm giữ phần lớn thị phần, cách đây 10 năm, Phạm Văn Tam đã có thể cung cấp mọi thứ để những nhà sản xuất trong nước có thể lắp ráp thành TV hoàn chỉnh. Đã có một DN Việt tìm đến ông để được cung cấp trọn gói linh kiện, tiến đến sản xuất và đưa ra thị trường dòng TV thương hiệu Việt.
Thương hiệu ấy nhanh chóng chinh phục người dùng nhưng chẳng bao lâu, mối quan hệ giữa Phạm Văn Tam và đối tác ấy kết thúc để thay bằng đơn vị cung cấp mới. Khi nỗi ấm ức trở thành động lực, Phạm Văn Tam quyết định phải tìm con đường mới, ông đầu tư 400 tỷ đồng để có một nhà máy lắp ráp các sản phẩm mang thương hiệu Asanzo.
* Hơn 15 năm có mặt trên thương trường, điều ông đúc kết được từ quá trình làm giàu này là gì?
- Chữ tín. Phải có chữ tín thì mới gây dựng và bảo vệ được DN. Hai mươi năm làm ăn, tôi đã có rất nhiều bạn hàng gửi con, cháu theo chú Tam học nghề. Họ biết tôi từ những ngày tôi còn trẻ, biết tôi không lươn lẹo, không sai lệch hay hai lời trong kinh doanh nên đặt niềm tin nơi tôi.
Lúc tôi khởi nghiệp, họ giao tiền cho tôi đi lấy hàng, kinh doanh các linh kiện do tôi nhập về và bây giờ, khi tôi sản xuất TV, hàng điện tử, điện lạnh..., họ chính là người góp công, góp của để đưa thương hiệu Asanzo đến với người dùng. Kênh phân phối truyền thống mà tôi gây dựng được từ ngày đó đến nay tỏ ra rất hữu ích cho việc đảm bảo doanh số của Asanzo.
* Lĩnh vực điện tử, đặc biệt TV, luôn là một trong những thị trường cạnh tranh khốc liệt với những tên tuổi lớn, vì điều gì mà ông tự tin đồ tiền vào xây dựng nhà máy thay vì âm thầm chinh phục thị trường bình dân? Phải chăng ngoài yếu tố thị trường, đây còn là khát vọng định danh của người con miền Bắc?
- Bao nhiêu năm làm phân phối linh kiện và sau khi chia tay một DN lắp ráp, tôi nghiệm ra, mình có làm tốt thế nào cũng vẫn sẽ mãi là người đứng sau. Thế giới đã phẳng, việc tìm kiếm đối tác ở công xưởng thế giới không còn quá khó, nếu không thích ứng từ bây giờ, tương lai có thể tôi sẽ bị phủ định.
Ở chợ Nhật Tảo, người ta vẫn nói với nhau rằng, "làm TV thì phải kiếm thằng Tam". Tôi có đủ lực để cung cấp linh kiện từ A - Z cho việc sản xuất TV cũng như các thiết bị điện tử, tại sao lại không tận dụng thế mạnh này? Hạn chế duy nhất của tôi là chưa biết làm thương hiệu. Đầu tư nhà máy, gây dựng thương hiệu sẽ là thách thức mới để tôi có thể bước qua sự ổn định của hiện tại.
Một điều khác, nhỏ hơn nhưng cũng khá quan trọng, là tôi muốn gây dựng thương hiệu để góp phần chứng minh sức mạnh của Việt Nam và muốn xây nên một "ngọn núi" để con mình có cái nhìn vào mà phấn đấu.
* Nhưng còn yếu tố cạnh tranh?
- Tôi dám khẳng định là hàng của Asanzo có chất lượng không thua kém các thương hiệu khác. Tôi đã đem sản phẩm của mình đến kiểm tra, so sánh chất lượng với những thương hiệu khác. Như TV, tôi cũng dùng màn hình của Samsung, các linh kiện khác của Toshiba, LG... Các hãng khác, từ thương hiệu quốc tế đến thương hiệu trong nước cũng làm theo công thức như thế.
Điều khác biệt của Asanzo là tôi xác định ngay từ đầu "miếng bánh" của mình là phân khúc trung bình. Thị trường nông thôn thiếu TV là chuyện đương nhiên nhưng ngay cả ở thành thị, cứ vào những khu công nghiệp, đến những phòng trọ của công nhân thì sẽ thấy, không có chỗ cho những chiếc TV đắt tiền.
Đấy chính là thị trường của Asanzo, một thị trường rộng lớn mà những "ông lớn" không thèm để mắt đến vì rõ ràng bán một chiếc smartTV thu về lợi nhuận nhiều hơn hẳn, còn những DN nhỏ thì vẫn chưa đủ sức để chiếm lĩnh thị trường.
* Giá rẻ đương nhiên cũng gắn liền với chi phí sản xuất phải thấp?
- Khi các đại lý thông báo đã tiêu thụ hết 4.000 chiếc TV ngay trong đợt sản xuất đầu tiên và con số cứ thế tăng dần, chính tôi cũng cảm thấy nghi ngờ. Trong sản xuất, nếu cứ tin vào con số từ đại lý phân phối sẽ rất dễ "chết" vì hàng tồn.
Bởi, con số họ đưa ra thường là số hàng đã vào kho của những đơn vị bán lẻ, chưa thực sự đến tay khách hàng. Sa đà vào con số này để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất sẽ gây ứ đọng hàng hóa ngay. Tôi phải đích thân kiểm chứng đường đi của sản phẩm rồi mới dám tự tin về số lượng tiêu thụ.
Tôi quan niệm, không phải cứ chi phí sản xuất thấp thì linh kiện kém chất lượng. Asanzo có thể làm ra các sản phẩm giá rẻ hơn các thương hiệu khác vì chúng tôi biết đích xác nhu cầu của người dùng. Một chiếc TV LED một màn hình thì cần gì đến 2 cổng HDMI và 4 cổng USB? Rõ ràng nhiều phụ kiện như thế không cần thiết, làm giá thành sản phẩm đội lên.
Những gì không cần thiết, tôi bỏ hết để tiết giảm chi phí. Ngay cả vỏ nhựa cũng vậy, TV mỏng hiện nay hầu hết đều được treo tường, vậy thì cần gì một khung nhựa cứng như thép? Điều chỉnh những điều chưa hợp lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm là công thức để Asanzo cạnh tranh.
Nếu so sánh chi li, người dùng sẽ thấy hàng của Asanzo không rẻ hơn nhưng lại dễ chấp nhận vì nhu cầu của họ với sản phẩm chỉ chừng đó. Có thể, các hãng lớn bán một chiếc smartTV lãi nhiều hơn Asanzo bán một chiếc TV LED nhưng nếu tính tổng lợi nhuận đến từ số lượng tiêu thụ, chúng tôi vẫn có lợi thế.
* Asanzo vẫn đưa ra thị trường smartTV đấy thôi?
- Đó là để chuẩn bị cho tương lai. Như TV nội địa ngày xưa đã được thay bằng TV màn hình mỏng hiện nay. Thị trường rồi cũng tiến đến giai đoạn đó, nhưng hiện nay thì chưa. Tôi sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường hiện tại. Mười năm nữa, thị trường thay đổi thì Asanzo vẫn có thể đuổi kịp.
* Nói vậy nghĩa là Asanzo cũng đầu tư cho công tác nghiên cứu, phát triển (R&D) sản phẩm?
- Với việc đi sau trình độ nghiên cứu của thế giới như hiện nay, tôi nghĩ DN điện tử Việt Nam chưa cần thiết phải đầu tư cho R&D. Tôi chấp nhận hiện thực mình là kẻ đi sau, nên sẽ học hỏi, lĩnh hội tri thức của nhân loại, tạo cơ sở để cải tiến cho phù hợp với nhu cầu của người dùng, như vậy thiết thực hơn.
Nặng lòng với Sài Gòn
Bên cạnh việc chỉ chọn phân khúc giá thấp, mô hình kinh doanh của Asanzo cũng rất linh hoạt, bởi không chỉ có TV, Asanzo còn sản xuất các mặt hàng khác như điện gia dụng và điện lạnh. Hiện Asanzo có hơn 200 công nhân đa nghề, họ có thể lắp ráp được cả TV, điện gia dụng và điện lạnh.
Tuy nhiên, điều Phạm Văn Tam trăn trở nhất là phải làm sao đưa được người khuyết tật đến với công nghiệp điện tử. Bởi ông tin, đây là ngành sản xuất phù hợp với những đôi tay khéo léo và đức tính chịu thương, chịu khó của những người thua thiệt về hình thể.
* Tập trung vào Asanzo, ông có xao nhãng việc kinh doanh linh kiện?
- Tôi vẫn sẽ trung thành với việc cung cấp linh kiện không chỉ vì thị trường vẫn rất tốt, mà còn vì tôi là người không bao giờ quên cái nôi sinh ra và nuôi dưỡng mình. Tôi may mắn có hai em trai phụ giúp. Ba anh em, mỗi người phụ trách một vùng để việc điều hành Công ty trôi chảy. Hai em tôi cũng khá cứng nghề, tôi chỉ điều hành chung và tập trung sức ở thị trường phía Nam.
* Có vẻ như Sài Gòn đã dành cho ông những cơ hội tốt?
- Với tôi thì đúng là vậy. Tôi yêu quý mảnh đất này dù rằng những ngày mới đến, tôi bị kỳ thị ghê gớm vì nói giọng Bắc. Trước và sau tôi đã có rất nhiều người vào Sài Gòn lập nghiệp và làn sóng ấy vẫn còn đang tiếp diễn. Sài Gòn đủ sức chứa hết làn sóng ấy nhưng để vượt trội, để bứt phá thì không phải dễ, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
* Còn bây giờ, khi đã được người Sài Gòn chấp nhận, ông có khát vọng vươn ra nước ngoài chứ?
- Asanzo đã có những chuyến hàng đến Cuba, Lào, Campuchia..., nhưng quả thực tôi chưa quan tâm lắm đến mảng xuất khẩu. Tôi muốn làm tốt thị trường trong nước, ít nhất là phổ cập TV đến từng nhà. Còn yếu tố cạnh tranh, tôi tin Asanzo có đủ lực.
* Điều gì chưa làm được khiến ông ray rứt?
- Tôi vẫn cảm thấy mình chưa làm được nhiều điều có ích cho cộng đồng dù Công ty vẫn thực hiện những chuyến công tác từ thiện. Tôi đang cố gắng hoàn thành thủ tục để thành lập Quỹ Nhân tài khuyết tật, hướng đến cấp học bổng đào tạo nghề cho những người kém may mắn về hình thể.
Quỹ này giúp họ được học nghề theo ý thích nhưng nếu họ chọn ngành điện tử, Asanzo sẽ đảm nhận đầu ra, nhận các bạn ấy vào làm tại nhà máy của mình và phần nào giải quyết được khó khăn của xã hội.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!