'Lão tướng' của Thủy sản Hải Việt: Cần giữ vững đạo đức trong kinh doanh
Để doanh nghiệp phát triển bền vững, một trong những yếu tố quan trọng là giữ vững đạo đức trong kinh doanh, nhất là trong thời buổi cơ chế thị trường tại Việt Nam được thực hiện chưa lâu.
Nội dung nổi bật:
- Con người + Hệ thống quản trị = Gia tăng giá trị bền vững
- Nếu coi ASEAN là một nước thì đây là một nước lớn thứ 3 về dân số, và là thị trường hàng hóa lớn thứ 7 trên thế giới, lại không đòi hỏi tiêu chuẩn quá cao và cũng ít rủi ro hơn khi các thị trường Mỹ, Nhật. Tuy nhiên, đây không phải thị trường Thủy sản Hải Việt nhắm tới.
Giá trị bền vững nằm ở con người
Chủ tịch HĐQT CTCP Hải Việt kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Lương thực Phước An – TS. Trần Hữu Chinh – nhận định: Để doanh nghiệp phát triển bền vững, một trong những yếu tố quan trọng là giữ vững đạo đức trong kinh doanh, nhất là trong thời buổi cơ chế thị trường tại Việt Nam được thực hiện chưa lâu.
Theo vị Chủ tịch ở tuổi gần thất thập, giá trị bền vững trong kinh doanh được tạo nên bởi 2 yếu tố: Con người và Hệ thống quản trị.
“Không có gì quan trọng bằng con người. Con người này phải được đào tạo bài bản, nhưng phải trung thực với chính mình. Trung thực ở đây không có nghĩa là hiền hòa. Trung thực là làm đầy đủ với đối tác. Anh phải giữ uy tín của mình, nói một là một. Khi đã cam kết phải thực hiện đến nơi đến chốn, không được hủy bỏ. Khi thực hiện có lỗ đi nữa, ta mời đối tác đàm phán lại rõ ràng. Chứ không được im lặng hủy ngang”.
Con người này, theo TS. Chinh, cũng phải giữ vững đạo đức kinh doanh.
[Xem thêm: Doanh nhân Lê Phước Vũ: “Những mánh khóe làm ăn sẽ giết chết doanh nghiệp về lâu về dài"]
* Ông có khuyên các doanh nghiệp đừng ngại rủi ro bị thâu tóm mà cứ niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhưng thực tế, đã có vài trường hợp doanh nghiệp niêm yết và bị thâu tóm bằng cách thu mua các cổ phiếu đủ tỷ lệ chi phối...
Tôi nghĩ, cái đó như những sự cố trong kinh doanh. Trên thế giới có và ở Việt Nam cũng có. Tuy nhiên, doanh nghiệp mình đôi khi vô tư mà rơi vào tình trạng bị thâu tóm một phần hay nhiều phần.
Nếu gặp những vấn đề đấy, doanh nghiệp phải có những sách lược để đề phòng rủi ro này. Nếu đã bị thâu tóm là một biến cố, nếu chưa thì có quản trị rủi ro để đề phòng.
* Xin ông nói cụ thể hơn?
Cần có bộ máy nghiên cứu trên thị trường, coi các số cổ phiếu mình nắm quyền quản lý để biết sắp tới số cổ phiếu này có khả năng ai bán cho ai. Nếu có nhiều người bán thì công ty, tổ chức mình lại, tránh cái rủi ro bán ra ngoài nhiều. Tóm lại là có nhiều cách.
Còn có những doanh nghiệp do sợ quá, xin rút khỏi sàn giao dịch, sau một thời gian mới chấn chỉnh trở lại. Niêm yết trên sàn chứng khoán, cơ bản là tốt, nhưng có những yếu tố kia làm cho người ta ngại thôi.
Bắt tay với đối tác Nhật và không nhắm tới thị trường ASEAN
* Năm nay là năm đánh dấu nhiều hiệp định thương mại. Là một doanh nghiệp, ông có kỳ vọng năm nay sẽ có đột phá mới?
Năm nay, Chính phủ đã có một số tín hiệu tốt, đồng thời ký kết hiệp định thông thương với các nước như Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số hiệp định khác, giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước có cơ hội xuất khẩu hàng với thuế suất ưu đãi. Ngược lại, các nước khác cũng sẽ vào Việt Nam, cũng sản xuất và cạnh tranh. Do đó, vấn đề chính của chúng ta là cố gắng cải tiến trong doanh nghiệp mình để giảm được chi phí, tăng sức cạnh tranh.
* Ngày 31/12 tới, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập. Với thủy sản Hải Việt, thị trường ASEAN có là thị trường tiềm năng để xuất khẩu thủy hải sản?
Đối với thị trường 10 nước ASEAN, thị trường xuất nhập khẩu của mình có một phần thị trường này, nhưng không lớn. Doanh nghiệp mình có quan hệ đi mua nguyên liệu từ các nước ASEAN về, còn xuất khẩu lại thì ít. Chủ yếu chúng tôi xuất lại qua các thị trường lớn như Úc, Mỹ, Nhật và một số nước khác.
* Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường ASEAN là thị trường rất tiềm năng. Nếu coi ASEAN là một nước thì là một nước lớn thứ 3 về dân số, và là thị trường hàng hóa lớn thứ 7 trên thế giới, lại không đòi hỏi tiêu chuẩn quá cao và cũng ít rủi ro hơn khi các thị trường Mỹ, Nhật. Xin ông cho biết tại sao doanh nghiệp mình lại ít xuất khẩu sang thị trường ASEAN như vậy?
Bởi tính tương đồng về hàng hóa. Thị trường ASEAN gần như mình, cũng sản xuất hải sản, không lẽ mình xuất khẩu qua họ. Thị trường ASEAN của mình ít là vì vậy.
* Hiện dang có xu thế doanh nghiệp nội bắt tay doanh nghiệp ngoại. Trong lĩnh vực bán lẻ thì Aeon của Nhật Bản đã sở hữu 30% của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart, Central của Thái Lan cũng đã sở hữu 49% cổ phần Nguyễn Kim. CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng đang có ý định bán một nửa cổ phần cho đối tác ngoại để mở rộng kinh doanh. Doanh nghiệp ông thì sao?
Doanh nghiệp chúng tôi đã có hợp tác với doanh nghiệp của Nhật để trao đổi công nhân, kỹ thuật. Mình gửi công nhân qua Nhật và Nhật gửi công nhân qua mình. Với sự hợp tác này, một là để tăng kỹ năng lao động, hai là để phát triển thị trường, nữa là để kỹ thuật, chất lượng sản phẩm của mình đạt như của Nhật.
* Đối tác Nhật có chi phối cổ phần của Hải Việt?
Bên Nhật không chi phối cổ phần.
* Hải Việt có ý định đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán?
Công ty chưa đăng ký lên sàn vì chưa đủ điều kiện là công ty đại chúng, vì số cổ đông để lên công ty đại chúng là 100, mà chúng tôi thì chưa đạt.
Hơn nữa, tôi muốn phát triển theo dạng đầu tư, mở mang chứ không theo dạng nhiều cổ đông, vì chúng tôi có đủ tiềm lực, tài chính, kỹ thuật. Tôi thấy rằng chỉ cần vốn liếng vay mượn để đủ phát triển, còn khi nào công ty nhắm tới một chiến lược phát triển lớn, đòi hỏi nhiều cổ đông lớn thì mới thực hiện việc lên sàn.
* Xin cảm ơn ông!
>> Vua tôm Minh Phú hủy niêm yết để “bán mình” cho đối tác ngoại
Thanh Thủy (ghi)