Kẻ thổi còi HSBC: Hiệp sỹ hay tội đồ?
Câu chuyện về “kẻ thổi còi” Hervé Falciani là một hành trình dài, từ chuyên gia máy tính nhà băng, đến tù nhân, sau đó trở thành biểu tượng cho cộng đồng những người chỉ điểm.
Nội dung nổi bật:
- Hervé Falciani - Chuyên gia hệ thống máy tính ngân hàng 36 tuổi bị tình nghi đánh cắp thông tin từ HSBC Private Bank tại Thụy Sỹ, nơi ông làm việc, sau đó mang bán cho ngân hàng tại Lebanon khởi đầu cho bê bối liên quan đến hàng trăm nghìn người giàu có trốn thuế.
- Thời điểm hiện tại, Falciani kiếm được 3.900 USD mỗi tháng nhờ hỗ trợ các cơ quan thuế ở Pháp.
- Nhiều người đặt câu hỏi với loạt hành động kể trên, Hervé Falciani nên được coi là Hiệp sỹ hay kẻ tội đồ?
Ngày 22/12/2008, cảnh sát liên bang Thụy Sỹ tra còng vào tay Hervé Falciani, chuyên gia hệ thống máy tính ngân hàng 36 tuổi. Ông bị tình nghi đánh cắp thông tin từ HSBC Private Bank tại Thụy Sỹ, nơi ông làm việc, sau đó mang bán cho ngân hàng tại Lebanon.
Cảnh sát lục soát nhà riêng của ông tại Geneva và thẩm vấn ông trong nhiều giờ. Họ tạm thả ông với với điều kiện Falciani sẽ quay trở lại vào hôm sau để thẩm vấn bổ sung.
Nhưng ông đã cao chạy xa bay. Falciani thuê một chiếc xe, chở vợ và con gái thẳng sang Pháp. Ông tải một lượng lớn dữ liệu của HSBC lưu trữ tại mạng máy chủ di động.
Đây là nguồn cơn dẫn đến bê bối phiền phức cho hàng loạt khách “siêu giàu” trên khắp thế giới, sử dụng các tài khoản ngân hàng nước ngoài để giấu tiền, né thuế.
Tài liệu nằm trong tay Falciani có đầy đủ tên khách hàng và số tài khoản, cũng như các đoạn trao đổi của ngân hàng với họ.
Đây là ngày khởi đầu một chặng đường dài và kịch tính của Falciani. Ông dịch chuyển liên tục xuyên biên giới, vừa để tránh vòng cương tỏa của chính quyền Thụy Sỹ, vừa để chạy trốn đe dọa từ các băng đảng xã hội đen.
Hervé Falciani trong một lần xuất hiện tại Pháp.
Ông tự gọi bản thân là một kẻ thổi còi và thu hút sự chú ý của giới truyền thông, thậm chí ông còn ứng cử vào Quốc hội châu Âu.
Ông được cho là dùng tên giả, mặc đồ cải trang và xuất hiện ở nơi công cộng với vệ sỹ, tài liệu của Hội đoàn ký giả quốc tế chuyên về điều tra (International Consortium of Investigative Journalists) cho hay.
Tháng 12, Thẩm phán tối cao Thụy Sỹ phán quyết ông đã đánh cắp thông tin từ HSBC với mục đích “làm tiền”.
“Thay đổi ngân hàng”
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2006, khi Falciani, quốc tịch Pháp và Ý, chuyển từ HSBC Monaco đến HSBC Private Bank tại Geneva.
Theo lời kể của ông với giới chức Pháp, Falciani muốn cải thiện hoạt động của ngân hàng Thụy Sỹ và nâng cao bảo mật thông tin khách hàng, nhưng bị từ chối.
Tại Monaco, Falciani đã lắp đặt thành công một hệ thống “cho phép phát hiện hoạt động phạm pháp từ những nhân vật đang bị truy tố”. Ông muốn đưa hệ thống tương tự tới Thụy Sỹ.
“Tôi làm việc với một nhóm có tên ‘thay đổi ngân hàng’, nhưng vấp phải sự phản đối của một nhóm khác có tên ‘kiểm soát ngân hàng’, họ muốn toàn quyền kiểm soát mọi thứ”, Falciani cung cấp lời khai tại Pháp vào tháng 6/2013.
Trụ sở HSBC tại Geneva.
Trong một bài phỏng vấn với tờDer Spiegel vào tháng 7/2013, Falciani cáo buộc HSBC sản sinh ra hệ thống giúp họ tư lợi trên mất mát của xã hội thông qua trốn thuế và rửa tiền.
Ngoài ra, ông tiết lộ ngân hàng lôi kéo các khách hàng quốc tế. “Họ mời thượng khách tới giải thể thao và sự kiện văn hóa, họ cử nhân viên tiếp cận khách và quảng cáo về các gói chuyển tiền tới Thụy Sỹ mà không cần vận cchuyển vật chất”.
Falciani nói ông thông báo cho nhà quyền Thụy Sỹ về vấn đề này vào năm 2006. Nhưng họ từ chối làm việc khi ông bày tỏ muốn giữ bí mật danh tính để bảo vệ bản thân cùng gia đình.
Sau đó, Falciani nói ông nhiều lần liên lạc với giới chức tại các nước khác về khối tài liệu mật và các hoạt động phi pháp này.
Ngược lại, ngân hàng và quan chức Thụy Sỹ lại kể một phiên bản khác của câu chuyện. Họ buộc tội Falciani đánh cắp thông tin và âm mưu kiếm tiền từ đó. Ban đầu từ thỏa thuận trao đổi với nhà băng Lebanon, sau đó là chào mời các quan chức ngoài Thụy Sỹ.
Bán thông tin tại Lebanon
Tháng 2/2008, Falciani tới Lebanon cùng Georgina Mikhael, đồng nghiệp cũ của ông tại HSBC. Mikhael và Falciani từng có quan hệ tình cảm, cảnh sát Thụy Sỹ cho biết.
Hai người cùng nhau liên lạc nhiều ngân hàng có chi nhánh tại Lebanon, chào bán các gói thông tin, nhưng từ chối tiết lộ nguồn gốc.
Sau này, khi mối quan hệ yêu đương chấm dứt, Mikhael đã lật tẩy động cơ của Falciani với cảnh sát Thụy Điển. Bà khẳng định ông là người đánh cắp thông tin, cũng là người mang thông tin đi bán.
“Ông ấy từng nói lý do duy nhất ông vào làm tại HSBC là để cuỗm một khoản tiền lớn, ông ta muốn bỏ vợ”, Mikhael trả lời phỏng vấn Business Week. 6 năm sau, khi tòa tuyên án, Mikhael thoát điều tra hình sự vì “không đóng vai trò chủ chốt”.
Một ngân hàng được Falciani tiếp cận đã đăng tải cảnh báo trên trang web của Hiệp hội ngân hàng Thụy Sỹ, về “một cá nhân đang chào bán thông tin khách hàng của nhiều ngân hàng Thụy Sỹ”. Văn phòng luật sư Thụy Sỹ lập tức mở cuộc điều tra.
Lật tẩy
Khi Falciani và Mikhael rời Lebanon, họ liên lạc với quan chức thuế vụ và tình báo châu Âu, chào mời “danh sách khách hàng của một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới”.
Trong email, Falciani không hề đề cập tới tiền, cảnh sát Thụy Sỹ cho biết.
Falciani tới Lebanon cùng Georgina Mikhael, đồng nghiệp cũ của ông tại HSBC.
Tại Pháp, Falciani hành động táo bạo hơn. Ông liên lạc với Jean-Patrick Martini, quan chức tại Cơ quan giám sát thuế quốc gia Pháp, nói đang nắm giữ thông tin của 7 khách hàng siêu giàu của HSBC quốc tịch Pháp. Họ trao đổi qua email nhiều lần trước khi gặp mặt.
“Trong lần gặp gỡ đầu tiên, tôi giữ khoảng cách và không thể nắm bắt được anh ta”, Martini kể lại. Trong lần gặp thứ hai, ông Martini mang theo một nhà tâm lý học, và tin rằng Falciani sở hữu các thông tin mật.
Giáng sinh năm 2008, Falciani gặp Martini, trao cho ông toàn bộ thông tin và cả danh tính của mình.
Một năm sau, khi bị cảnh sát Thụy Sỹ thẩm vấn, Falciani cho biết ông đã liên lạc với Martini, và từ chối trao trả dữ liệu vì chúng có “liên quan tới lợi ích quốc gia của Pháp”.
Về phần mình, Pháp bắt tay vào xử lý khối dữ liệu khổng lồ (gần 600 tệp dung lượng hơn 100 gigabyte). Để làm được điều này, Pháp cần “tái thiết lập mối quan hệ giữa khách hàng và các tệp, sử dụng nhiều bảng code cần được giải mã”, và họ tìm tới Falciani.
Đây là thời điểm Falciani thường xuyên xuất hiện trong các bộ đồ cải trang, được hộ tống bởi các vệ sỹ, trốn chạy sự truy tìm của quan chức Thụy Sỹ để giúp chính quyền Pháp. Thỉnh thoảng, ông nhận lời phỏng vấn báo chí, không giấu nỗi lo sợ cho tương lai.
Sau khi đã lắp ghép thông tin, Pháp chia sẻ danh sách cuối cùng với nhiều quốc gia châu Âu khác, bao gồm Anh, ý, Tây Ban Nha, Bỉ và Hy Lạp, nơi có khách hàng có khả năng trốn thuế tại HSBC.
Mèo đuổi chuột
Mọi chuyện vỡ lở, Falciani tiếp tục hành trình chạy trốn. Tháng 2/2012, ông giáp mặt quan chức điều tra liên bang của Thụy Sỹ tại sân bay.
Ông được cho là dùng tên giả, mặc đồ cải trang và xuất hiện ở nơi công cộng với vệ sỹ.
“Tôi gặp họ tại sân bay Geneva. Tôi được bảo vệ theo chương trình bảo vệ nhân chứng trong nhiều giờ liền. Tôi biết nếu nhận tội, họ sẽ kết án treo”, Falciani khai tại một tòa án Pháp xét xử tranh chấp giữa HSBC và khách hàng Pháp.
Thậm chí, trong một bài phỏng vấn với Business Week, Falciani tiết lộ ông từng bị điệp viên của Mossad bắt cóc.
Mossad - một trong những tổ chức bí mật nhất hành tinh - có thể được xem là cơ quan gián điệp vấy máu nhất lịch sử tình báo. Theo truyền thông, chẳng gì Mossad không dám làm, từ bắt cóc, cứa cổ, tiêm thuốc độc đến bắn vỡ sọ nạn nhân…
Theo lời kể chưa được chứng thực, Falciani bị bắt cóc khi đang đi trên đường tại Geneva. “Một số người đàn ông nhảy ra từ thùng xe tải, buộc ông ta lên xe và lái xe đến một căn nhà bỏ hoang. Họ nói họ là điệp viên của tổ chức tình báo Mossad. Họ hỏi ông ta về hoạt động của HSBC”, tờ Sunday Times of London đưa tin.
Sau này trả lời tờ Business Week, Falciani nói những người đàn ông này không nói chi tiết họ lo ngại điều gì, nhưng ông nghi ngờ họ e sợ nguồn tiền tài trợ khủng bố bị bại lộ.
Cuối năm 2012, trong một tiết lộ chưa được chứng thực, Falciani trả lời tờ El País của Tây Ban Nha, cho biết ông đã làm việc với Bộ tư pháp Mỹ vào tháng Sáu.
Họ cảnh báo ông rằng “Thượng viện Mỹ sẽ đưa ra nhiều cáo buộc nhằm vào HSBCvì rửa tiền và tiếp tay cho khủng bố, ngân hàng này sẽ bị truy tố. Họ nói với tôi rằng từ giờ trở đi, cuộc sống của tôi sẽ gặp nguy hiểm. Tôi có hai lựa chọn: Bắt đầu một cuộc sống mới tại Mỹ, hoặc đi đâu đó để câu thêm thời gian. Họ nói nơi duy nhất an toàn với tôi ở châu Âu là Tây Ban Nha”.
Falciani nói từng bị Mossad bắt cóc khi đang đi trên đường tại Geneva.
Trên thực tế, vào tháng 7/2012, Tiểu ban điều tra thường trực Quốc hội Mỹ có công bố một báo cáo về lịch sử của HSBC liên quan đến rửa tiền, buôn bán thuốc cấm và tiếp tay khủng bố, nhưng không nói rõ có sử dụng thông tin của Falciani cung cấp hay không.
Theo sau cuộc điều tra của Thượng viện, vào tháng 7/2013, HSBC đồng ý trả 1,9 tỷ USD để dàn xếp án phạt liên bang vì hành vi rửa tiền giúp các băng đảng buôn bán thuốc cấm Mỹ Latin.
Tháng 7/2012, Falciani bị bắt giữ tại Barcelona và ngồi trù 5 tháng rưỡi theo lệnh bắt giữ của Thụy Sỹ. Nhưng Tòa tối cao Tây Ban Nha thả tự do cho ông vì hỗ trợ châu Âu điều tra trốn thuế và có thái độ tích cực. Tuy nhiên tòa cấm ông rời nước và phải thường xuyên báo cáo tới văn phòng cảnh sát.
Ông ra tù vào tháng 12, trong khi vẫn bị Thụy Sỹ tìm cách dẫn độ. Chính tòa án Tây Ban Nha này đã từ chối yêu cầu này từ phía Thụy Sỹ vào tháng 5/2013, dẫn lí do hành vi tiết lộ bí mật ngân hàng không bị quy vào tội hình sự tại Tây Ban Nha.
“Người phát ngôn”
Falciani tự nhận mình là người phát ngôn cho tất cả những “kẻ thổi còi”. Trong nhiều năm qua, ông xuất hiện với tâm thế thoải mái hơn, chạy xe scooter tới các sự kiện.
Ông làm việc một thời gian tại Viện nghiên cứu khoa học máy tính và toán học quốc gia của Pháp. Gần đây, ông trả lời tờ Le Monde cho biết đang mình đang thất nghiệp và nhận công việc hợp đồng thời vụ.
Gần đây, Falciani xuất hiện với tâm thế thoải mái hơn, chạy xe scooter tới các sự kiện.
Ở thời điểm hiện tại, Falciani kiếm được 3.900 USD mỗi tháng nhờ hỗ trợ các cơ quan thuế ở Pháp.
Ngoài ra, Falciani cũng tham gia một số hoạt động phi lợi nhuận, với hy vọng tạo ra một nền tảng an toàn cho những người thổi còi được lên tiếng.
Trả lời Le Monde tháng 12 năm ngoái, ông thừa nhận có khả năng sẽ bị Thụy Sỹ kết tội, nhưng ông sẽ làm lại từ đầu.
“Tôi chỉ được chính thức ghi nhận khi bị Thụy Sỹ kết tội. Danh từ họ dùng để gọi tôi như ‘kẻ chỉ điểm’ hay ‘nội gián’ sẽ là những tấm huy chương thật sự, là sự ghi nhận cho tất cả những rủi ro tôi đã trải qua. Còn giờ đây, tôi không có gì cả”, ông nói.
“Tôi không phải là một hiệp sỹ, nhưng tôi cảm thấy rất thoải mái khi phơi bày sự thật. Cảm giác tuyệt vời đó giúp tôi vượt qua những thời khắc đen tối”, ông chia sẻ.
“Ông ta rất dũng cảm. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của ông Falciani dù động cơ của ông ấy có là gì đi chăng nữa. Ông ấy đã phục vụ lợi ích của xã hội”, ông Eric Alt, Phó chủ tịch tổ chức chống trốn thuế Pháp Anticor, khẳng định.
>> [Q&A] Hiểu về vấn đề gây chấn động của HSBC sau 3 phút
Theo Lề Phương