John D. Rockefeller: Làm giàu từ tiền của ngân hàng

13/11/2015 08:40 AM |

Rockefeller được mọi người biết đến qua biệt danh “ông vua dầu hỏa”. Nhưng riêng trong giới ngân hàng, người ta biết ông bằng cái tên khác “ông vua vay mượn”.

Như sự tăng trưởng ngoạn mục của công ty Standard Oil, John D. Rockefeller - xuất thân từ tầng lớp lao động bình dân trong một gia đình có nguồn gốc khiêm tốn - trở thành tỷ phú đầu tiên trên thế giới và đến thời điểm ông qua đời năm 1937, tài sản của ông trị giá khoảng 1,5% tổng giá trị nền kinh tế Mỹ.

Theo hãng tin Telegraph, trị giá tài sản tính đến hôm nay của ông vua dầu hỏa sẽ là khoảng 340 tỷ đô la, gấp nhiều lần sự giàu có của Warren Buffett và Bill Gates.

Kinh doanh từ bé

Vào năm 7 tuổi, như ông kể lại trong cuốn sách có tên Random Reminiscences of Men and Events, ông đã học được bài học kinh doanh lần đầu tiên.

“Với sự giúp đỡ của mẹ, tôi bắt đầu tự kiếm tiền khi còn rất nhỏ. Tôi có nuôi một đàn gà tây và các loài chim trong trang trại nhỏ do tôi xây dựng và mẹ đã hỗ trợ tôi cách chế biến thức ăn để nuôi chúng. Đến khi chúng lớn, tôi bán để thu về tiền mặt và ghi chép cẩn thận từng khoản thu chi của công việc vào một cuốn sổ. Khi đó, tôi chỉ là một cậu nhóc 7 tuổi chọn cách đầu tư bằng việc cất giữ tiền để đến lúc cần thì tiêu xài”, ông nói.

Hóa ra, đó lại là một bước đi ngẫu nhiên may mắn. Ở tuổi 14, nhờ việc tiết kiệm tiền từ lần nuôi gà và làm việc vặt cho hàng xóm láng giềng, ông đã tích lũy được số tiền 50 đô la (tương đương với khoảng 1.500 đô la ngày nay).

Theo gợi ý từ mẹ, Rockefeller đã cho một người nông dân vay số tiền đó trong vòng một năm với lãi suất 7%. Đến ngày đáo hạn, ông nhận lại 50 đô la cùng với 3,5 đô tiền lời.

Cũng trong khoảng thời gian đó, một người hàng xóm tốt bụng đề nghị ông công việc đào khoai tây trong ba ngày liên tục với tiền công 1,12 đô la. “Khi ghi hai khoản thu này vào cuốn sổ của mình, tôi nhận ra rằng tiền lương từ công việc phơi nắng đào khoai tây ít hơn 1/3 lợi ích từ số tiền kiếm được khi cho vay. Vì thế, tôi quyết tâm tìm hiểu cách thức kiếm tiền hiệu quả nhất”.

Sau này, Rockefeller cho biết, “Chúng ta thường được dạy rằng hãy làm việc chăm chỉ để có tiền rồi tiết kiệm chúng. Đó là kiểu huấn luyện mà tôi được người trong gia đình dạy. Tuy nhiên, đôi khi sự tiết kiệm không phải là cách đầu tư tốt nhất cho tương lai và tôi thiết nghĩ rằng chúng ta dường như cần được đào tạo kinh doanh lại ngay từ đầu nếu rơi vào khuôn mẫu trên.”

Rockefeller đã không lao vào kinh doanh ngay khi ngộ ra chân lý “bắt tiền làm việc cho mình”, thay vào đó, ông đăng ký vào trường cao đẳng thương mại, học ngành kế toán ngân hàng được 10 tuần. Sau khi tốt nghiệp, Rockefeller làm việc cho Hewitt & Tuttle, một công ty môi giới buôn bán và vận chuyển hàng hóa nông nghiệp.

Tại đây, ông thật sự ấn tượng trước khả năng sắc bén trong kinh doanh và đàm phán của ông chủ. Tuy nhiên, sau nhiều lần yêu cầu chủ tăng lương vì bản thân tự cảm thấy xứng đáng nhưng không được chấp thuận, Rockefeller đã xin nghỉ.

Đó là khi ông 19 tuổi, bắt đầu tự mở công ty bán buôn hàng hóa cùng với một cộng sự người Anh là Maurice Clark. Trong năm đầu tiên, lợi nhuận của cả hai là không lớn, chỉ khoảng 4.400 đô la.

Mặc dù, số tiền lãi nhận được cũng đã thành công ngoài mong đợi của mình, nhưng Rockefeller lo ngại sự tăng trưởng này sẽ không được lâu, khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu gia tăng các tuyến đường sắt.

Công ty của ông phát triển mạnh phần lớn nhờ yếu tố vị trí thuận lợi, nằm trên bờ hồ Erie, Cleveland, một địa điểm lý tưởng để trung chuyển sản phẩm. Tuy nhiên, với sự gia tăng của ngành đường sắt, nó đã triệt tiêu lợi thế duy nhất của công ty Rockefeller. Ông bắt đầu tìm kiếm cơ hội khác và nhìn thấy điều đó ở dầu mỏ.

Mở rộng bằng tiền của ngân hàng

Dầu mỏ được phát hiện đầu tiên ở Pennsylvania vào năm 1859 và Rockefeller đã đi vào ngành kinh doanh này vào năm 1862, cùng với người cộng sự cũ, Clark. Liên doanh này không tồn tại được lâu và ít lâu sau là tan rã.

Trong cuộc đấu giá mua lại nhà máy, Rockefeller đã chiến thắng với gói đặt thầu 72.500 đô la, trong đó phần lớn là số tiền đi vay.

Bắt đầu từ một nhà xưởng nhỏ bé với số vốn chỉ vài chục, nhờ sự léo lái của Rockefeller, ông sử dụng lợi nhuận (cả vay) của công ty cho việc mua lại, thâu tóm các đối thủ cạnh tranh, cuối cùng trở thành một đế chế Standard Oil khổng lồ, không chỉ hoạt động trên khắp nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới.

Ông tin tưởng vào cách thức làm việc, đầu tư hiệu quả và tránh lãng phí. Chính ông đã phát minh ra quy trình tinh chế dầu thô để chúng mang lại một mục đích hữu ích.

Câu chuyện “tàn sát” các hãng cạnh tranh khác của Standard Oil được ghi nhận là một trường hợp điển hình của sự phát triển, mở rộng và giảm cạnh tranh bằng cách thâu tóm, mua lại bằng vốn vay. Trên thực tế, Rockefeller được người trong ngành ngân hàng đặt biệt danh là “một khách hàng luôn vay một số tiến cực kỳ lớn”.

“Ông luôn mở rộng quy mô kinh doanh của công ty và vay mượn những khoản tiền lớn từ khắp ngân hàng trên nước Mỹ để tài trợ cho hoạt động này. Với danh tiếng của ông trong ngành và xã hội, cùng với thói quen tiết kiệm và thường xuyên đi lễ tại các nhà thờ, đã cung cấp cho ông một điểm tín dụng cao từ đánh giá của các ngân hàng”.

“Khi một chủ tịch ngân hàng cảnh báo ông rằng số tiền ông mượn gần như là tất cả những gì ngân hàng có và vì thế các cổ đông muốn gặp ông ngay. “Được rồi”, ông trả lời. Tôi sẽ tới ngay và tôi muốn mượn thêm rất nhiều”, trích từ New York Times.

Một quy tắc của Rockefeller là luôn đầu tư lợi nhuận trở lại việc kinh doanh của mình. Phần lớn sự mở rộng quy mô đáng kinh ngạc của Rockefeller đến từ việc ông tái đầu tư lợi nhuận và cả việc đi vay, với niềm tin mạnh mẽ về tầm nhìn tương lai của chính mình.

Đinh Lộc

Cùng chuyên mục
XEM