GS Ngô Bảo Châu gửi bản kiến nghị dài 8.000 từ tới Bộ GD-ĐT

19/06/2015 08:06 AM |

GS Ngô Bảo Châu cùng nhóm Đối thoại Giáo dục đã hoàn thành bản kiến nghị 8.000 từ nghiên cứu trong 3 năm gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Nhóm Đối thoại Giáo dục gồm 12 nhà khoa học đứng đầu là GS Ngô Bảo Châu đã nghiên cứu 3 năm để đưa ra bản kiến nghị 8.000 từ này, trong đó tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính về giáo dục đại học Việt Nam.

GS Ngô Bảo Châu gửi kiến nghị 8.000 từ nghiên cứu 3 năm tới Bộ GD - Ảnh 1

GS Ngô Bảo Châu cùng nhóm Đối thoại Giáo dục đã hoàn thành bản kiến nghị dài 8.000 từ về giáo dục đại học Việt Nam gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trong bản kiến nghị đã chỉ ra, nội dung cải cách tài chính với vấn đề mấu chốt là tự chủ đại học chính một điểm nghẽn được cho là khiến giáo dục đại học của Việt Nam mãi vẫn chưa bứt lên được.

Bản kiến nghị của nhóm Đối thoại Giáo dục cho rằng, việc giữ mức học phí thấp để người nghèo có thể tiếp cận cánh cổng vào đại học là một chủ trương sai lầm. Theo đó, học phí thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên nghèo.

Thứ hai, học phí thấp dẫn đến đa số nguồn lực của trường phải dựa vào ngân sách nhà nước. Vì hai lý do này, chỉ sinh viên từ gia đình khá giả mới đi học đại học được, và chi phí đào tạo các sinh viên này lại được nhà nước bao cấp là chủ yếu. Điều đó dẫn đến bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học giữa người giàu và người nghèo.

Đây là một trong 3 vấn đề lớn về tài chính giáo dục đại học Việt Nam đang phải đối mặt bên cạnh thiếu kinh phí và thiếu tự chủ.

Hiện trạng của các trường đại học Việt Nam hiện nay là thiếu kinh phí một cách trầm trọng; Mức học phí cho các trường công cũng rất thấp; Và các nguồn thu khác như nguồn thu từ dịch vụ, nguồn thu từ dịch vụ khoa học, công nghệ, từ viện trợ, tài trợ, hiến tặng cũng quá thấp.

Điều này dẫn đến hệ quả chất lượng đào tạo suy giảm, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu và xuống cấp, các trường phải tăng số lượng sinh viên và mở rộng các hệ đào tạo phi chính quy làm giảng viên quá tải, không còn đủ thời gian dành cho nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình về mặt tài chính của các trường đại học còn nhiều bất cập. Các thông tư, nghị định mới đã bước đầu trao nhiều quyền tự chủ nói chung và tự chủ tài chính nói riêng cho các trường đại học, nhưng vẫn chưa đủ mạnh và linh động để giúp các trường có khả năng chủ động tự điều chỉnh chính sách của mình.

Bản thân các trường cũng vẫn còn nhiều thói quen ỷ lại, chờ bao cấp từ phía nhà nước. Về phía các nhà quản lý nhà nước thì còn e ngại, chưa dứt khoát trao quyền tự chủ nói chung và tự chủ tài chính nói riêng cho các trường đại học...

Nhóm Đối thoại Giáo dục kiến nghị: Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học, bao gồm cả từ ngân sách lẫn đóng góp của xã hội; Tự chủ tài chính cho các đại học; Thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường và chia thành ba kênh (Hỗ trợ trực tiếp cho từng trường; Hỗ trợ thông qua học bổng và tín dụng sinh viên; Hỗ trợ thông qua tài trợ nghiên cứu khoa học).

Cùng với đó, Chính phủ cũng cần can thiệp để giảm thiểu các khiếm khuyết chính sau của thị trường: Bất công bằng trong giáo dục; chỉ người giàu mới đủ tiền đi học; Thiếu thông tin về chất lượng của các trường để người đi học lựa chọn đúng đắn; Các trường chỉ tập trung đào tạo theo nhu cầu của thị trường; và xem nhẹ những ngành có lợi ích lâu dài cho xã hội.

GS Ngô Bảo Châu gửi kiến nghị 8.000 từ nghiên cứu 3 năm tới Bộ GD - Ảnh 2

Thủ tướng Chính phủ tiếp GS Ngô Bảo Châu và các nhà khoa học nhóm Đối thoại Giáo dục

Bên cạnh vấn đề về tự chủ về tài chính cho các trường đại học, nhóm Đối thoại Giáo dục còn đưa ra 4 nhóm vấn đề chính khác.

Thứ nhất, Đại học Việt Nam chưa có "chủ" thực sự: Vấn đề đầu tiên mà nhóm đưa ra là cải cách mô hình quản trị đại học, để nền đại học Việt Nam có sức sống và sức phát triển. Theo nhóm Đối thoại Giáo dục, ở một nghĩa nào đó, hơn 330 trường đại học và cao đẳng công lập ở Việt Nam chưa có “chủ” thực sự. Hiện chỉ một số ít trường có hội đồng trường và hội đồng này chủ yếu có chức năng tham vấn.

Nhóm Đối thoại Giáo dục đưa ra kiến nghị thành lập hội đồng ủy thác thay cho các hội đồng trường, hội đồng ủy thác có quyền lực tương tự như hội đồng quản trị của các doanh nghiệp. Việc thành lập hội đồng uỷ thác và thiết lập cơ cấu của nó gắn liền với việc nhà nước phân quyền làm “chủ” đại học cho địa phương và các bộ, ngành liên quan.

“Chúng tôi tin rằng chỉ những định chế có lợi ích gắn chặt với định mệnh của một trường đại học mới thực hiện tốt vai trò làm “chủ”” - nhóm Đối thoại Giáo dục khẳng định.

Thứ 2, nhóm Đối thoại Giáo dục cũng đề nghị Tổ chức lại các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thành các trung tâm kiểm định độc lập, nằm ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời khuyến khích sự hiện diện của các tổ chức kiểm định quốc tế ở Việt Nam.

Bộ thông tin chỉ số có thể bao gồm mức độ hài lòng của sinh viên sau tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm 12 tháng sau tốt nghiệp, thu nhập trung bình của sinh viên sau tốt nghiệp…

Thứ 3, nhóm Đối thoại Giáo dục đánh giá rằng, vẫn đề nổi cộm nhất trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở đại học Việt Nam là sự ưu tiên dành cho số lượng thay cho chất lượng. Do đó, nhóm khuyến nghị về giảng dạy cần giảm số môn bắt buộc, giảm số giờ lên lớp; Tăng số giờ thực tập, thực hành, làm đề tài và làm bài tập....

Thứ 4, nhóm cũng cho rằng, cần thiết lập nghị trường giảng viên với vai trò tham vấn mọi vấn đề liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong trường. Thiết lập nghị trường sinh viên với vai trò tham vấn mọi vấn đề liên quan đến học tập và đời sống sinh viên. Thiết lập các ủy ban thông qua đó giảng viên có thể tham vấn trực tiếp cho Ban giám hiệu...

Theo Hà An

Cùng chuyên mục
XEM