Gia đình ông chủ tập đoàn DOJI và câu chuyện ba thế hệ, một ước vọng

31/01/2012 10:42 AM |

Hẳn ai cũng biết Tập đoàn DOJI nổi tiếng trong ngành kinh doanh vàng bạc đá quý nhưng ít ai biết đây chỉ là một trong những thương hiệu của một gia đình có 'gen' kinh doanh.

 
Một cơ duyên đã sắp đặt cho tôi – trong khoảng thời gian giao thời giữa hai năm sóng gió 2011 và 2012 – gặp gỡ với ba con người thật đặc biệt. Ba thế hệ trong một gia đình - ba cách lựa chọn để bước vào con đường kinh doanh nhưng hội tụ lại vẫn là tinh thần doanh nhân mạnh mẽ chảy trong huyết quản và sự tự ý thức của mỗi cá nhân.

Trí thức hành động

Trước đó, tôi biết về tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI không nhiều, ngoài vài ba thông tin khô khan: Nếu doanh thu năm 2008 là 5.300 tỉ đồng thì năm 2009 đã là 12.000 tỉ đồng và năm 2010 lên tới 20.000 tỉ đồng, năm 2011 con số sẽ là khoảng 28.000 tỉ đồng. Nếu 2010, DOJI đứng ở vị trí thứ 5 do VNR xếp hạng các DN hàng đầu VN, thì năm 2011, trong giai đoạn nền kinh tế vô cùng khó khăn, DOJI đã vượt lên thứ 3.

Nhưng ấn tượng hơn bởi đó là một tập đoàn tư nhân và cũng bởi người chủ tập đoàn – Đỗ Minh Phú – một nhà khoa học làm doanh nhân. Dường như có một mẫu số chung cho những doanh nhân trí thức - những người say mê nghiên cứu, nhạy cảm với thương trường và biết biến những ý tưởng của mình thành các cơ hội kinh doanh, các sản phẩm cần thiết cho thị trường.

Tôi không có cảm giác ngại ngần khi đặt câu hỏi với người đàn ông có gương mặt rất sáng này. Bởi tôi biết ngồi trước mình là một người thông minh sắc sảo, biết cách nói chuyện. Và chỉ sau một lát, thậm chí tôi còn nhận ra đó là một người có tài hùng biện.

- Thưa anh Phú, chắc phải có bước ngoặt đặc biệt để từ một nhà khoa học ở viện nghiên cứu danh giá, lại chuyển sang làm kinh doanh? Quyết định ấy có thể bị coi là thực dụng, là không hợp thời trong thời điểm đó ?

Quan điểm của một thời trọng trí thức chứ không trọng doanh nhân. Năm 1980, khi tôi được Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cử làm TGĐ Cty liên doanh đá quý với Thái Lan là tôi đã bắt đầu bước vào con đường kinh doanh. Nhưng bước quyết định chính là lúc tôi ra thành lập Cty tư nhân. Tôi nghĩ lúc đó mình đã vượt qua được sự nhìn nhận một chiều của xã hội. Lớn hơn là tôi dám lựa chọn. Tự do của con người là được lựa chọn. Tự quyết định và làm những gì mình yêu thích – đó cũng là hạnh phúc của người trí thức. 

Khởi sự ban đầu bao giờ cũng khó khăn. Nhưng đó cũng là lựa chọn của mình nên phải tự vượt lên. Dường như trong huyết quản của tôi là dòng máu kinh doanh từ xa xưa truyền lại. Ông nội tôi là chánh tổng Ba Vì, nhưng bà nội lại là người làm ăn cơ chỉ, tham công tiếc việc. Bà có 300 mẫu ruộng, 100 chum mật và cả một đoàn khai thác gỗ… Có những trớ trêu của lịch sử, bà từng bị quy là địa chủ. Nhưng mà địa chủ gì chứ khi mà vừa ăn ngô bung vừa xay thóc! Vậy nên, sau này bà cũng được sửa sai… Cha tôi – cán bộ về hưu – 73 tuổi còn thành lập DN, giờ 90 tuổi vẫn điều hành công ty.

90 tuổi vẫn kinh doanh – trong đời làm báo kinh tế của mình chưa bao giờ tôi gặp nhân vật nào thú vị hơn thế. Phải chăng “hổ phụ sinh hổ tử” hay đó là điều lý giải sức sống và tinh thần kinh doanh mạnh mẽ trường tồn? Trên thế giới cũng có biết bao dòng họ, gia đình kinh doanh và những thương hiệu có lịch sử như lịch sử của những số phận người?!

Trò chuyện với anh Phú, tôi thấu hiểu kinh doanh không chỉ là kiếm tiền, mà còn thể hiện sự say mê. Tôi hình dung một người chủ tập đoàn vừa bước ra khỏi văn phòng của mình là tất cả các giác quan được mở hết cỡ, một vết thảm nhăn, một gương mặt ưu tư của cô nhân viên… đều đọng lại trong bộ não. Không có gì bỏ sót. Tầm nhìn xa đi liền với chi tiết tỉ mỉ đến không ngờ! 

Tò mò hỏi về một ngày làm việc của anh Phú tôi nhận được trả lời: 7 giờ tối thị trường Mỹ mở cửa và đến 6 giờ sáng thị trường Australia… Tôi hiểu công việc không chỉ là chiếm 12 hay 14 tiếng mà thường phải hơn nữa. Rất dễ để nhận ra, một người đặt hết tâm trí và tình cảm vào công việc thì sự lao động không còn là gánh nặng mà chính là niềm say mê, hạnh phúc!

- Chấp nhận dấn thân là đã dự liệu những cực nhọc phải trải – điều gì khiến anh vẫn vững tin với sự lựa chọn của mình?

Chấp nhận kinh doanh là chấp nhận con dường khổ ải. Nhưng đã quyết vươn lên nghĩa là không chịu khuất phục. Đôi khi thử thách cũng như liều thuốc kích thích càng hun đúc thêm ý chí và sức mạnh tinh thân. Tôi nhận được từ ông bà và cha mình ý chí và sức mạnh tinh thần ấy.

Tôi rất ngưỡng mộ tinh thần doanh nhân Nhật Bản và Hàn Quốc. Ý chí, khát khao của họ đã làm nên những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Chúng ta muốn định vị được mình trên bản đồ kinh tế thế giới thì phải khơi dậy được ý chí tự lập tự cường của doanh nhân. Họ phải thực sự trở thành trụ cột và ý thức được mình là sức mạnh của dân tộc, đất nước.

- Để trở thành doanh nhân thực thụ theo anh cần có những tố chất gì ?

Doanh nhân phải “có lửa”, truyền được lửa cho những người xung quanh. Doanh nhân là khiên che đỡ, là mũi sắc của ngọn giáo. Là đầu tàu mạnh mẽ, là thuyền trưởng tài ba. Sự dũng cảm và nhân văn cộng với sức thu hút người khác.

- Cụ thể với DOJI là gì, thưa anh?

Chúng ta có nguồn tài nguyên đá quý nhưng chưa có ngành kinh doanh đá quý đúng nghĩa. Không thể cứ xuất thô như những người lao động chân tay. Phải đưa trí tuệ của người VN vào trong mỗi sản phẩm. Và tôi quyết định mang về công nghệ xử lý, cắt, mài, chế tác đá quý để XK. Tôi tự hào vì đã có Star Ruby mang ra thế giới. Họ gọi DOJI là ông hoàng của Star Ruby. Và chúng tôi không chỉ dừng lại ở sản phẩm này.

Danh gia vọng tộc

Đón chúng tôi ở Công ty may mặc Gatexco là một cụ ông tinh anh mà nếu không biết trước chẳng ai đoán nổi là đã 90 tuổi. Bất ngờ hơn nữa, khi ông giới thiệu – tôi là Đỗ Thế Sử, nguyên tổng biên tập Báo Sơn Tây những năm 1955 – 1958. Ông có 11 người con đều tốt nghiệp đại học trở lên trong đó có những cái tên mà giới doanh nhân nhiều người biết – anh Đỗ Minh Phú với DOJI, Đỗ Đức Bình với Taxi 53 và Đỗ Anh Tú TGĐ Công ty Diana, Đỗ Khôi Nguyên - Luật sư về Luật sở hữu trí tuệ ở Hoa Kỳ về…Ông có 34 cháu, hầu hết tốt nghiệp đại học ở nước ngoài.

Ông bảo “đã là con người thì phải lao động, phải cống hiến. Nhưng muốn làm được việc lớn thì phải lo việc nhà ổn thoả đã. Con đông, vợ ốm, bản thân mình cũng ốm nên tôi xin nghỉ chức tổng biên tập ra thành lập HTX Tiến Hưng. Rồi còn làm một HTX nữa…Tôi là dân Bách Khoa nên ham kỹ thuật. Lại ham thích kinh doanh. Cái đó ở trong máu rồi. Hồi tôi bị nghi ung thư dạ dày phải nghỉ việc, lúc chuẩn bị mổ cả nhà khóc. Tôi tập trung tất cả lại dặn dò: “Bố tham gia cách mạng, làm gì cũng làm hết lòng. Bây giờ không có gì hối hận. Chỉ còn cậu út gửi các anh trông nom. Đời người ai cũng chết một lần thôi…”. Thế mà hoá không phải ung thư. Tôi còn 1/3 dạ dày, còn bệnh tim, sốt rét…Nhưng còn sống là phải nghĩ việc ra mà làm. Ăn gạo của nông dân, mặc áo của công nhân thì phải làm cái gì để trả ơn chứ. 62 tuổi, tôi sang thăm con trai học bên Tiệp Khắc, nhận ra cơ hội kinh doanh tôi tổ chức ngay mạng lưới đưa quần áo sang đó bán. 73 tuổi tôi lập công ty may với 3 xưởng - 300 công nhân ở Hà Nội, Ba Vì và Phủ Lý...

Không có gì diễn tả hết nỗi kính phục trong tôi. Ông bảo kinh doanh là phải tính đến hiệu quả nhưng phải đặt cái đức lên hàng đầu, phải thành thực trước hết. Rồi ông dẫn tôi đi thăm xưởng, giữa sân là khuôn viên nhỏ, giàn gấc chín đỏ thật ấm áp, sung túc. Ông cười - sẽ cho mỗi nhà con cháu một quả nấu xôi cúng Giao thừa. Không biết ông lấy ở đâu sức mạnh để vượt qua nhiều thử thách khó khăn và duy trì một tinh thần mạnh mẽ đến thế?!

Ông đúc kết kinh nghiệm của mình: “Sự sáng suốt tỉnh táo là do tôi học tập và làm việc không biết mệt mỏi. 70 tuổi tôi học tiếng Anh để làm việc với đối tác và mỗi chiều 30 Tết tụ họp gia đình hơn 70 người, tôi có thể phát biểu thứ tiếng của “công dân toàn cầu”. 87 tuổi tôi tiếp tục học tiếng Hoa – vì có cô con dâu người Trung Quốc và để đi sang bên đó tận tay mua hàng”.

Tôi luôn say mê những câu chuyện về các dòng họ danh gia vọng tộc và những thương hiệu có sức sống hàng mấy trăm năm và lâu hơn thế. Trò chuyện với ông Sử và anh Phú tôi càng muốn biết về thế hệ thứ ba trong gia đình này. Một thế hệ được đào tạo bài bản và có một bệ đỡ chắc chắn hơn ông cha họ rất nhiều.

Ba thế hệ, một ước vọng

Đỗ Minh Đức (con trai anh Đỗ Minh Phú) – đưa tôi đi thăm các gian hàng ở Ruby Plaza và say sưa giới thiệu với tôi dòng sản phẩm đặc biệt của DOJI – trang sức kim cương, trang sức đá màu và trang sức nhẫn cưới phong phú và tinh xảo. Đức kể cho tôi nghe những năm tháng tự lập ở nước ngoài, cả cái thú đam mê võ thuật và sưu tầm các mô hình chiến binh của mình. 

Tám năm tu nghiệp tại Anh Quốc, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành kinh tế - kinh doanh, tốt nghiệp thạc sĩ marketing và là người VN đầu tiên có chứng chỉ GIA chuyên ngành đá quý và kim cương của Viện đá quý Hoa Kỳ GIA, Đức bắt đầu bằng công việc trợ lý cho cha rồi mới trở thành Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của DOJI. Đức thể hiện sự chững chạc tự tin cũng như lòng tự hào về truyền thống gia đình. 

“Bố em là tấm gương để em và chị gái soi vào đó, tự lựa chọn con đường của mình. Sự vất vả cũng như niềm say mê của bố thấm vào em lúc nào không rõ. Và em lựa chọn con đường tiếp bước - người cha - người thầy và chính là thần tượng của mình…” - Đức chia sẻ. 

Còn rất nhiều điều thú vị về chàng trai này và chị gái của cậu - Đỗ Vũ Phương Anh – nhưng hãy dành cho họ thời gian, bởi con đường của họ còn rất dài với những khó khăn và cả áp lực khác với thời của ông cha họ. Được thừa hưởng từ những người đi trước tinh thần và ý chí kinh doanh, cùng truyền thống gia đình quý giá…, xin chúc họ sẽ vững bước và thành công!

Câu chuyện tôi kể ra hôm nay, có thể chưa đủ lột tả được những sóng gió, những thử thách mà ba nhân vật nói trên nếm trải theo cách này hay cách khác. Nhưng tôi tin, bạn cũng như tôi, khi đã biết đến gia đình đặc biệt này sẽ có cùng cảm nhận và cùng hi vọng, VN sẽ có những lớp doanh nhân gia đình, cha truyền con nối dòng máu kinh doanh, truyền nối cả sức mạnh của thương hiệu doanh nghiệp. Để rồi, thương hiệu ấy sẽ có sức sống lâu bền hơn, vươn xa hơn… Thương hiệu của một quốc gia cần lắm sự chung góp của những thương hiệu doanh nghiệp !

Theo Thùy Dương 

Diễn đàn doanh nghiệp

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM