Doanh nhân Hồng Lam: Đừng bao giờ bỏ cuộc, khó khăn chỉ làm ta mạnh mẽ hơn mà thôi
"Nhân viên của tôi cũng có nhiều bạn giỏi, tốt nghiệp từ các trường đại học lớn, nhưng các bạn hay tự tôn quá mức. Sự không kiên trì dẫn tới không có thành quả lao động, đó là điều khiến cho các bạn không thành công trong sự nghiệp."
Ông Nguyễn Hồng Lam vốn là một nam sinh Học viện Kỹ thuật Quân sự. Sau đó, ông học điện ảnh tại Leningrad (nay là St Petersburg, Nga). Nếu như 16 năm phục vụ trong quân đội tôi luyện cho ông khí chất của người lính cụ Hồ thì quãng thời gian theo đuổi nghệ thuật lại cho ông một tâm hồn nghệ sĩ. Năm 1990, ông chính thức giã từ môi trường quân đội và rẽ sang con đường kinh doanh.
Cuộc đời ông đã đối mặt với những thất bại tưởng chừng như không vượt qua được, nhưng đến nay, ô mai Hồng Lam đã trở thành một cái tên quá đỗi quen thuộc với người Hà Nội.
Tháng 10/2000, cửa hàng ô mai đầu tiên của Hồng Lam tại số 11 hàng Đường chính thức được khai trương. Ông tiếp tục đấu giá mua lại cửa hàng tiếp theo để phục nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng. Dần dà, chuỗi bán lẻ của Hồng Lam hiện nay đã có 15 cửa hàng trên cả nước và đang mở rộng ở khu vực phía Nam.
Ông có được thừa hưởng chút "gen" kinh doanh nào từ gia đình không?
Tôi được sinh ra trong một gia đình “cơ bản”, cha tôi làm trong quân đội, nên tôi cũng được định hướng đi theo nghiệp của cha. Sau một thời gian học tập tại Học viện kỹ thuật quân sự, tôi được cử sang học ở Liên Xô theo chính sách của quân đội.
Lúc đó tôi chưa biết kinh doanh gì cả, chỉ biết học mà thôi. Rồi cũng đi làm thêm, lao động thêm, có tiền tôi lại để dành gửi về cho gia đình, tôi thường nói vui là “cứu trợ” cho gia đình ở Việt Nam.
Vậy, cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghiệp kinh doanh?
Hồi đấy, tư tưởng sĩ-nông-công-thương còn in đậm trong tâm trí người dân, buôn bán chỉ là hạng “bét” đứng sau cùng, ít được người dân coi trọng. Vì vậy mà tôi được cha mình hướng cho đi theo ngành kỹ thuật.
Lúc tôi trở về nước làm cho quân đội, do đồng lương ít quá không đủ sống nên tôi mới tìm đường đi buôn bán, “chân trong chân ngoài” để gia tăng thu nhập. Lúc đó là thời điểm tôi bắt đầu làm quen với việc kinh doanh buôn bán.
Thời gian đầu đi buôn, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi không biết cách quản lý tiền bạc, kiếm được bao nhiêu tôi đem cho vay lấy lãi, rồi hùn hạp vốn làm ăn hết cả. Thế nên khi bạn bè bỏ trốn, đối tác phá sản, tôi lập tức lâm vào tình cảnh nợ nần. Từ chủ nợ bỗng dưng tôi biến thành con nợ, không những mất hết vốn liếng mà còn phải gánh thêm số nợ lên tới hơn 20 cây vàng.
Ông đã xoay xở thế nào trong hoàn cảnh đó?
Thời điểm đó, cha của tôi đã phải "muối mặt" đi vay mượn khắp nơi để giúp tôi trả bớt số nợ, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi quyết định phải rời bỏ quân đội, tập trung làm ăn để trả cho được món nợ 20 cây vàng do tôi gây ra.
Gia đình, đặc biệt là cha tôi đã không ủng hộ quyết định này. Tuy rất buồn nhưng cuối cùng ông vẫn phải chấp nhận. Bởi vì gia đình tôi không thể tìm đâu ra phương án trả nợ, và cũng không còn phương án kiếm tiền nào khả dĩ hơn ngoài con đường kinh doanh buôn bán cả.
Ngẫm lại những câu chuyện đã qua, tôi nhận ra mình bén duyên nhất với nghề làm mứt, ô mai, hơn nữa đó cũng là công việc mà tôi đam mê và tâm huyết nhất. Có lẽ là do chữ duyên, cũng có thể là do may mắn mà chỉ 1 năm sau tôi đã trả được hết số nợ 20 cây vàng. Biến cố lớn tưởng như xui xẻo, lại chính là bước ngoặt của cuộc đời tôi, nó khởi đầu cho câu chuyện kinh doanh mang tên Ô mai Hồng Lam.
Từ nguy hóa giải thành thành cơ một cách nhanh chóng, có vẻ là ông khá 'mát tay' trong kinh doanh?
Công thức chiến thắng của tôi đơn giản là Sản phẩm = Hàng hóa + Dịch vụ + Cảm xúc xã hội. Tôi xây dựng thương hiệu dựa trên lòng tin của khách hàng.
Đối với tôi, khi bắt tay vào làm một việc gì đó trước tiên là phải hiểu biết về lĩnh vực mình theo đuổi, thứ 2 là có quyết tâm, thứ 3 là sự kiên trì. Thách thức và khó khăn cho chúng ta cơ hội để trở nên cứng cáp hơn, mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn.
Vì vậy, khi đã xác định được mục tiêu thì tôi sẽ theo đuổi nó tới cùng, và không bao giờ bỏ cuộc. Tuy nhiên tôi không phải tuýp người bảo thủ, nếu thấy những điều mới mẻ có lợi cho công ty thì tôi cũng sẵn sàng thay đổi. Ví dụ như công nghệ điện toán đám mây, các mạng xã hội tôi đều cố gắng bỏ thời gian nghiên cứu tìm hiểu để có thể ứng dụng vào công việc kinh doanh của mình.
Thời gian phục vụ trong quân đội có giúp ích được gì trong việc kinh doanh của ông không?
Có chứ, tôi vẫn thường áp dụng các nguyên tắc quân đội vào việc quản lý. Ví dụ như nguyên tắc Tam – Tam, tôi chia nhân viên thành các nhóm hạt nhân gồm 3 người, trong đó có 1 nhóm trưởng. Sau đó các nhóm lại được tập hợp thành các tổ. Kết cấu này hợp lý và chặt chẽ giống như 1 tổ ong vậy.
Việc tập thể dục buổi sáng cho nhân viên cũng được áp dụng giống như trong quân đội. Tôi đặt tên là quy tắc 5-3-2 , hàng ngày vào 8h kém 15 toàn thể nhân viên trong nhà máy đều phải tập thể dục buổi sáng trong 5 phút, sau đó là 3 phút phổ biến công việc trong ngày, cuối cùng là 2 phút để bàn giao công việc.
Người ta hay nói “Thương trường là chiến trường”, quan niệm của ông về thương trường là như thế nào?
Tôi không coi thương trường là chiến trường. Bởi vì chiến trường nghe có vẻ khốc liệt, nhưng nó chỉ xảy ra theo từng thời điểm mà thôi. Còn thương trường thì diễn ra liên tục, liên tục... không có điểm dừng, hôm nay anh có thể thành công đấy nhưng chỉ cần sơ sảy một chút thôi là sẽ thất bại.
Đối với tôi, thương trường thậm chí còn khốc liệt hơn cả chiến trường.
Nói về các đối thủ của Hồng Lam thì sao thưa ông?
Tôi không coi bất kỳ ai là đối thủ của mình, mà chỉ coi họ là các đồng nghiệp mà thôi. Cạnh tranh là điều tốt cho doanh nghiệp, nó khiến cho các doanh nghiệp phải tự thay đổi để trở nên hoàn thiện hơn.
Công ty của tôi hiện tại có 60 nhân viên, sở hữu 15 cửa hàng bán lẻ. Trong tương lai, tôi đang có kế hoạch đẩy mạnh phát triển mảng mua bán trực tuyến, có thể Hồng Lam sẽ hợp tác cùng VinEcom.
Ồng thích ăn loại ô mai nào nhất?
Hầu hết các loại ô mai đều do tự tay tôi sáng tạo nên. Là người trực tiếp chứng kiến sự phát triển của từng hạt ô mai, thế nên tôi đều coi chúng là những đứa con tinh thần của mình. Tuy nhiên, tôi thích ăn ô mai mơ và sấu bao tử nhất.
Sản phẩm sấu giòn bao tử được ra đời một cách tình cờ từ một trong những thí nghiệm dành cho một sản phẩm khác. Nhưng cũng phải mất tới 6 năm tôi mới cho ra được công thức chuẩn của loại ô mai được rất nhiều khách hàng yêu thích này..
Ông có thể chia sẻ thêm một chút về gia đình mình được không?
Những năm 1990 là thời kỳ khó khăn nhất đối với tôi khi phải tìm kế kiếm tiền để trả nợ, thời gian đó cũng là lúc tôi gặp được "một nửa" của đời mình. Chúng tôi tình cờ gặp nhau và nói chuyện thấy rất hợp nhau, cả về tính cách lẫn trong ý tưởng kinh doanh. Không chỉ là người cùng tôi đi qua khó khăn, bà cũng là người sát cánh cùng tôi ngay từ những ngày đầu khai sinh ra ô mai Hồng Lam.
Hiện vợ tôi vẫn đang tham gia quản lý việc kinh doanh buôn bán của gia đình. Tuy thầm lặng và ít khi được nhắc tới, nhưng thực sự đằng sau thành công của ô mai Hồng Lam hiện nay là cả một sự đóng góp không hề nhỏ của bà.
Tôi hiện đã có 3 người con, 2 con gái lớn đang làm việc và học tập ở nước ngoài, còn đứa con trai út hiện đang làm việc cùng tôi tại Hồng Lam. Tôi cũng định hướng cho con mình để sau này sẽ tiếp quản Hồng Lam.
Ngoài thời gian dành cho công việc, ông thường làm gì?
Tập Gym và đọc sách là những sở thích thường ngày của tôi, ngoài ra tôi cũng tham gia rất nhiều câu lạc bộ cùng với lớp trẻ. Ở Hồng Lam sắp diễn ra cuộc chuyển giao thế hệ nên tôi nhận thấy cũng cần trang bị cho bản thân những kiến thức sao cho phù hợp với thế hệ trẻ.
Tuy bận rộn với công việc nhưng tôi vẫn dành một khoảng thời gian nhất định cho gia đình, đặc biệt là việc giáo dục con cái. Tôi tự hào rằng những đứa con của mình đều học rất giỏi và đều thành đạt trong công việc.
Ông nhận xét gì về giới trẻ hiện nay?
Tôi đánh giá các bạn có hiểu biết rộng, có nhiều công cụ tốt, và đều là những công dân toàn cầu trong một thế giới phẳng. Ngoài ra, lợi thế của giới trẻ ngày nay là có điều kiện học tập tốt hơn thời của chúng tôi rất nhiều. Do có nhiều điều kiện tốt như vậy nên động lực của các bạn cũng ít hơn, các bạn ít kiên trì và hay nhảy việc.
Ngoài ra, các bạn thường ngộ nhận về bản thân. Nhân viên của tôi cũng có nhiều bạn giỏi, tốt nghiệp từ các trường đại học lớn, nhưng các bạn hay tự tôn quá mức. Sự không kiên trì dẫn tới không có thành quả lao động, đó là điều khiến cho các bạn không thành công trong sự nghiệp.
Điều kiện thành công của các bạn ngày nay lớn hơn thế hệ trước rất là nhiều.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
>> Ông chủ ô mai Hồng Lam học nghề từ sách nữ công gia chánh
Thái Nam