Điều gì khiến Sói biển Mai Phụng Lưu mở công ty bán cá?

18/09/2014 20:21 PM | Nhân vật

Đánh bắt được cá tôm sau bao ngày khổ nhọc trên biển, thậm chí bị đe dọa cả tính mạng, khi về đất liền lại bị ép giá, nhiều ngư dân chán nản bỏ tàu lên bờ. Nhưng Sói biển Mai Phụng Lưu không thế...

Tâm tư của sói biển

Nhắc đến Mai Phụng Lưu, người ngư dân kiên cường của đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) người ta sẽ nhắc tới việc anh bốn lần bị tàu cá Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tài sản, 4 lần phải tán gia bại sản nhưng không lần nào anh nhụt chí.

Năm 2011, anh là một trong 21 cá nhân và tập thể được nhận giải thưởng cao quý “Vinh Quang Việt Nam” do Chủ tịch nước trao tặng. Từ đó cái tên “Sói biển” trở thành một biểu tượng cho ý chí kiên cường bám biển của ngư dân để bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc.

"Ông cha ta đã gắn bó với biển đảo từ bao đời nay. Từ những ngày còn dùng thuyền buồm, gió thổi đâu đi theo đó mọi người vẫn có thể sống, bám biển đảo, bảo vệ ngư trường của tổ quốc, thì với những máy móc hiện đại ngày nay, chúng ta có lý gì không thể tiếp tục bảo vệ, phát huy? Chính vì vậy, khó khăn đến mấy cha con tôi cũng quyết không rời biển Hoàng Sa” - “Sói biển” Mai Phụng Lưu chia sẻ.

Có điều, đánh bắt được cá tôm sau bao ngày khổ nhọc trên biển, thậm chí bị đe dọa cả tính mạng, tài sản, khi về đất liền bà con ngư dân lại phải đối mặt với việc bị ép giá, khó tìm đầu ra, khiến nhiều người chán nản bỏ tàu lên bờ. Chưa kể tình trạng nhiều mặt hàng hải sản đang có mặt trên thị trường hiện nay không rõ nguồn gốc, không có kiểm định an toàn...

Ngư dân Mai Phụng Lưu là một trong 21 tập thể và cá nhân nhận giải thưởng

Ngư dân Mai Phụng Lưu (giữa) là một trong 21 tập thể và cá nhân nhận giải thưởng "Vinh quang Việt Nam" năm 2011.

Là người đi biển, tận tay đánh bắt những con cá, con tôm còn tươi rói, Sói biển đau lòng khi bà con trên bờ phải ăn nhiều hải sản chưa đảm bảo, không rõ nguồn gốc xuất xứ trong khi những mặt hàng chất lượng tốt được đánh bắt ở ngay trên ngư trường truyền thống của nước mình lại không được tiếp cận.

Thực tế này khiến Sói biển trăn trở, đau đáu nhiều đêm. Anh chia sẻ với PV Giao thông: “Bà con ngư dân khó khăn trong việc tiêu thụ hải sản, thường xuyên bị các đầu nậu hải sản ép giá nên bị thua lỗ nhiều người đã phải bỏ nghề nếu cứ như vậy kéo dài thì sẽ chẳng ai còn đi biển.

Rồi việc  tẩm Ure để bảo quản hải sản khiến nhiều người dân thành phố quay lưng với đồ biển, đặc biệt các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… Người thành phố thì không biết tìm đâu hải sản sạch, ngư dân Lý Sơn có nguồn hải sản sạch nhưng không biết bán cho ai".

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của công ty do ngư dân Mai Phụng Lưu làm giám đốc.

Mang những tâm tư trong lòng, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, trong lần ra Hà Nội năm 2011, Mai Phụng Lưu tình cờ gặp Trần Quân - chàng thanh niên sinh năm 1989 mới tốt nghiệp quản trị kinh doanh, đầy nhiệt huyết và dám nghĩ dám làm. Lúc đó, Quân đang làm thêm tại một cửa hàng thực phẩm sạch có tiếng tại Hà Nội nên khá am hiểu về thị trường phân phối hải sản và thực phẩm sạch ở thủ đô.

Sau những lần nói chuyện với "Sói biển", Quân phần nào hiểu được tâm tư của anh. Càng tâm sự cùng nhau, 2 người càng nhận thấy cùng chung suy nghĩ và cần phải làm làm điều gì có ích để giúp bà con ngư dân, để sản phẩm đến với đông đảo người dân thủ đô hơn. Từ đó, ý tưởng mở cửa hàng phân phối hải sản  mang chính thương hiệu “Sói biển” tại Hà Nội ra đời.

Quyết tâm với dự án chung, anh Lưu cùng vợ đã tới tận nhà Quân ở Hà Tây (Hà Nội) để bàn bạc việc mở cửa hàng. Vài tuần sau cuộc gặp, Quân mất liên lạc với anh Lưu vì anh theo tàu ra biển.

Lúc này, gia đình và bạn bè Quân ai cũng khuyên nên từ bỏ dự án chung vì cho rằng anh Lưu đã thay đổi ý định, thế nhưng tin rằng số phận đã an bài cho 2 người gặp nhau nên Quân vẫn quyết tâm theo đuổi dự án. Sau đó, Quân một mình ra Đảo Lý Sơn để gặp trao đổi với anh Lưu, cũng như tìm hiểu những sản phẩm đánh bắt của bà con ngư dân.

Được “Sói biển” đưa đi thăm đảo, dạy học lặn, học cách phân biệt các loại cá, cách bảo quản, chế biến và  thăm tình hình thực tế về nguồn hải sản ngư dân Lý Sơn đánh bắt, Quân càng thêm quyết tâm cùng Mai Phụng Lưu gây dựng cửa hàng phân phối hải sản của công ty Công ty cổ phần thủy sản Lý Sơn do ngư dân Mai Phụng Lưu làm giám đốc.

"Tôi đã bị anh thuyết phục bởi sự chân thành, nhiệt tình và có tâm với nghề, với biển đảo Tổ quốc. Không chỉ trong lời nói, hành động mà ngay ý tưởng cũng nói lên điều này. Sau chuyến đi, tôi hứa với anh, với người dân nơi đây và hứa với chính mình sẽ quyết tâm cùng anh Lưu gây dựng chuỗi cửa hàng hải sản mang thương hiệu Sói biển. " - Trần Quân tâm sự.

Ngư dân Mai Phụng Lưu và Trần Quân tại đảo Lý Sơn

Ngư dân Mai Phụng Lưu và Trần Quân tại đảo Lý Sơn

Và Sói biển ra đời

Chỉ một tháng sau khi từ Lý Sơn trở về, tháng 6/2013, cửa hàng phân phối hải sản mang thương hiệu Sói Biển - chuyên phân phối các sản phẩm tươi như cá ngừ đại dương, cá thu, mực, mú đỏ, tôm sú… ra đời tại Hà Nội.

Những ngày đầu kinh doanh, nhiều chưa biết tới cửa hàng, việc tiêu thụ khó khăn. Nhưng được sự động viên, sát cánh của anh Mai Phụng Lưu, cùng những góp ý, động viên của khách hàng, Quân có thêm động lực vượt khó. Chỉ sau 4 tháng ra đời, cửa hàng đã dần khẳng định thương hiệu, thu hút người tiêu dùng.

Chị Quỳnh Anh (Lê Trọng Tấn. Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Tôi đã từng bị ngộ độc hải sản nên đã không tin dùng bất cứ loại hải sản nào không rõ nguồn gốc. Qua internet và báo đài tôi biết đến bác Mai Phụng Lưu từ lâu và luôn khâm phục con người bác. Từ khi biết Sói biển Mai Phụng Lưu mở cửa hàng tại Hà Nội, tôi thường xuyên dùng hải sản do bác cung cấp. Tôi rất yên tâm và thấy mình đóng góp được một chút công sức giúp ngư dân mình bám biển".

Cửa hàng Sói biển

Cửa hàng hải sản và thực phẩm sạch Sói Biển

Đến nay, sau hơn 1 năm hoạt động, cửa hàng hải sản và thực phẩm sạch Sói Biển đã gặt hái được những thành công nhất định, trở thành một trong những cửa hàng hải sản và thực phẩm sạch uy tín tại Hà Nội.

Tự tin từ thành công ban đầu của cửa hàng đầu tiên, Sói biển Mai Phụng Lưu còn cho biết, nửa tháng nay Lý Sơn đã có điện, anh cùng bà con ngư dân đã bắt đầu xây dựng những hầm đông trên đảo để bảo quan hải sản khi đánh bắt từ biển về.

“Khi có hầm đông, hải sải sẽ được bảo quản tốt hơn, chất lượng ổn định hơn, có kiểm nghiệm, cấp giấy an toàn thực phẩm của y tế để người dân biết được độ an toàn và yên tâm sử dụng”, anh phấn khởi chia sẻ.

>> Chở 5 tấn hàng mỗi đêm không dám mua nước uống

Theo Ngọc Lê

Cùng chuyên mục
XEM