Đạo đức nghề nghiệp và những cú “trượt chân” của chủ ngân hàng
Hàng loạt thành viên chủ chốt của ACB lâm vòng lao lý. OceanBank, VNCB, GPBank bị mua 0 đồng. Sacombank phải bị sáp nhập với SouthernBank, và cổ đông lớn nhất của SouthernBank đã tự nguyện cam kết ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân do Ngân hàng Nhà nước chỉ định. Và đến giờ là Đông Á Bank bị kiểm soát đặc biệt…
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Trọng Nhi đã đưa ra đánh giá của riêng ông về kết quả của cuộc “đại phẫu” ngành ngân hàng thời gian qua.
Tiền ngân hàng không phải của riêng giới chủ
Trong bài “Cú “trượt chân” của Ngân hàng Đông Á”, nhà báo Hải Lý có viết: “Những nhà phân tích chuyên đọc báo cáo tài chính thắc mắc ì sao Đông Á lại để một khoản tiền huy động được “rong chơi” nhiều đến thế, tới 26.520 tỉ đồng trong khi các tổ chức tín dụng chỉ để tầm 10-15% vốn huy động cho dự trữ bắt buộc và dự phòng thanh khoản, tức 7.000-10.000 tỉ đồng là đủ?”. Ông nghĩ gì về điều này?
Tôi rất quý anh Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - PV) và một đồng nghiệp thâm niên.
Chuyện xảy ra với những nhân vật khác thì có thể hiểu được ngay và không quá ngạc nhiên. Nhưng với Đông Á thì thật là một sự việc rất bất ngờ và đau nhói.
Nhà báo Hải Lý rất xuất sắc với nhận định đó, nhưng dường như chỉ mới đề cập đến một phần của vấn đề, dù chữ “rong chơi” mà chị dùng để chỉ 26.520 tỉ thật là một ấn tượng.
Với 26.520 tỉ của tổng tài sản xấp xỉ 87.000 tỉ thì không phải là sự cố, mà là đại sự cố! Thiết nghĩ nếu chỉ là những khoản nợ xấu bất động sản thì đã không khiến Đông Á rơi nhanh vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Thế thì là điều gì vậy?
Một mẫu số chung là những ngân hàng được phép kinh doanh vàng đều ít nhiều bị sa đà vào cái lẩn quẩn của vàng. Đôi khi tự hỏi, những nền kinh tế khác với chính sách sử dụng và quản lý một đồng tiền đã mệt, thế mà ở mình sử dụng đến… ba loại tiền! Bên cạnh tiền đồng Việt Nam, chúng ta vẫn xài tiền đô và vàng khá thoải mái.
Một thời kỳ cho ngân hàng nhận vàng và cho vay vàng như tín dụng. Và rồi cho phép một số ngân hàng được phép kinh doanh vàng để cân đối - đưa dẫn đến hệ quả mà tôi tin rằng các ngân hàng đó không thể nào lường được - từ bị thương rất nặng đến chỗ chết.
Kinh doanh vàng là một canh bạc lớn của các nhà cái lớn, tất cả ngân hàng ở trong nước làm sao chạy dài hơi với những nhà cái lớn được.
Ngân hàng trong nước nhỏ vốn và yếu nghiệp vụ thì giống như “đưa lựu đạn cho con nít chơi”. Trong chừng mực nào đó, tiền đồng Việt mình có chủ quyền và có quyền in, còn vấn đề in thời điểm nào và liều lượng bao nhiêu, có méo mó chính sách tiền tệ là do mình.
Còn USD và nhất là vàng, mình đâu có quyền in và kiểm soát được, cho nên đã kéo theo bao hệ lụy khác.
Chúng ta hay nói đến nợ xấu này nợ xấu kia, nhưng ít ai muốn và dám nói đến vàng và những cái “bẫy chết” của vàng. Nợ xấu bất động sản chừng mực nào đó nó vẫn còn đâu đó, có một giá trị nào đó. Còn vàng “rong chơi” ở đâu thì mình không biết,không và khó có thể khoanh vùng được.
Nhìn lại những cú “trượt chân” của các ông chủ ngân hàng thương mại, liệu vấn đề đạo đức có phải là một trong những nguyên nhân quan trọng, theo ông?
Không nói đạo đức chung chung trong đời sống thường ngày, mà cần phải nói ngay đến đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là, đạo đức của giới nghiệp chủ ngân hàng trong thời gian gần đây.
Phần lớn tài sản (tiền) thực sự của ngân hàng, không phải là của những cổ đông lớn và của riêng ngân hàng, mà chính là của những người gửi tiền. Tiền có trong ngân hàng là phần vốn tư bản của nền kinh tế, chứ không phải của riêng của giới nghiệp chủ ngân hàng.
Với tôi, đó cũng là một góc hiểu về đạo đức, đơn giản thế thôi.
Nhưng thật đáng tiếc và lắm khi là đáng sợ, có những chủ ngân hàng dường như không muốn hiểu, và không chịu hiểu điều cơ bản và đơn giản đó.
Đó chính là tai ương cho chính họ nói riêng, và tai họa cho lĩnh vực ngân hàng và nền kinh tế nói chung.
Hoạt động ngân hàng là kinh doanh và thường trực đối diện những rủi ro. Chính vì vậy, những nghiệp chủ có vị trí trong hội đồng quản trị cũng cần phải có trình độ về kinh tế và trải nghiệm đạo đức nghề nghiệp của lĩnh vực này để biết và hiểu những khía cạnh, và nhất là những góc khuất, của rủi ro.
Tính đạo đức nghề nghiệp không phải chỉ với khách hàng, mà còn là trách nhiệm với tập thể những nhân viên đã gắn bó với ngân hàng trong cả quá trình.
Biết sợ để tìm về chuyên nghiệp
Sự kiện hàng loạt ngân hàng thương mại bị mua 0 đồng, nhiều ông chủ ngân hàng bị bắt khiến cho nhà đầu tư và người dân hoang mang, liệu có nên được xem là những vụ “thâu tóm” tài chính, quyền lực..., như một vài bài viết đã ám chỉ?
Ở điểm này, người ta lại “hiếp dâm” từ ngữ rồi. Phán đoán như thế là chưa và không hiểu đúng cái lõi của vấn nạn những ngân hàng có vấn đề.
Hẳn nhiên, có thể do thể chế còn nhiều yếu kém, xã hội đổ vỡ niềm tin dễ khiến cho người dân nghĩ thế. Nhưng phải tìm hiểu và có cách nhìn đúng về những nghiệp chủ ngân hàng đó, họ là ai, trình độ học vấn thế nào, và quan trọng hơn là đã có những trải nghiệm ra sao trong lĩnh vực này?
Tôi còn nhớ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời hãng tin Bloomberg ngày 28/11/2012, có nói đại ý, Việt Nam quyết tâm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở mức chi phí thấp nhất có thể, nhằm ngăn chặn bất kỳ sự sụp đổ nào mang tính chất hệ thống.
Với tôi, việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng tại Việt Nam không phải là thâu tóm tài chính - quyền lực, mà chính là một cách dọn dẹp, thu gom những hệ quả từ những sai lầm từ chính sách vĩ mô trước đó, và từ hành vi vi mô của những nghiệp chủ, người điều hành ngân hàng.
Mua 0 đồng chỉ là hình thức, nhưng nội dung chính là rất nhiều đồng, và thậm chí rất đắt giá...
Đánh giá của riêng ông về kết quả của cuộc “đại phẫu” ngành ngân hàng lần này và tác động của nó đến nền kinh tế?
Nói lạc quan một tí là phải tin vào chính mình! Phải như thế rồi mới khác được, và qua đó, người làm chính sách cũng thấy được những lỗ hổng trong cách điều hành, quản lý của mình.
Có những người làm ngân hàng tâm sự với tôi: “Mình ra đường mà nói dân ngân hàng thì mắc cỡ quá, vì nhìn đâu cũng như thấy... sắp bị bắt”. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng sẽ phải còn có trả giá.
Tuy nhiên, tôi tin chắc, sẽ có những thay đổi tích cực, và còn phải thay đổi nhiều nữa.
Thế hệ điều hành sau này và quan trọng hơn là những người trong hội đồng quản trị phải là những con người thực sự am hiểu, chứ không phải mấy ông “trời gầm”, có số vốn đâu đó góp vào để ngồi phán.
Tôi nghĩ, sau những trả giá này, sẽ có một thế hệ mới, biết sợ những cái sai trái ba láp, và biết tìm về với chuyên nghiệp.
Tôi cũng không đồng ý khi có người cho rằng vai trò sếp ngân hàng dễ gắn liền với tù tội. Không phải thế, chỉ có chủ động tầm bậy mới vướng vào tù tội.
Hầu hết tại các ngân hàng Việt Nam thất bại trong thời gian 2007-2014, nhân lực thiếu và yếu, nhiều người kỹ năng, kiến thức chưa đủ cũng đã được đưa đẩy lên những vị trí điều hành quản lý, từ đó đã ngân hàng bị và tự rơi nhanh vào cái bẫy “từ bỏ giá trị - chạy theo lợi nhuận”.
Ban điều hành và các cổ đông lớn trong hội đồng quản trị đã quá chú tâm và sa đà vào các thương vụ, dịch vụ và sản phẩm tối đa hóa lợi nhuận, thay vì tìm cách cân bằng tương đối nào đó hoặc tối đa hóa giá trị của chính ngân hàng.
Nói cách khác, lệch tầm - lệch hướng, nên cần phải giảm hoặc ngưng ngay đua theo lợi nhuận tối đa và bắt đầu lại với việc hướng tới giá trị tối đa.
Quay trở lại với Ngân hàng Đông Á. Họ sẽ trở lại - tôi mong sẽ là thế. Chủ quan, tôi thấy khá rõ những giá trị của Đông Á ở chỗ nào.
Chính vì vậy, nếu họ có một kế sách hành động đàng hoàng và thích ứng thì sau 3 năm, tôi mạnh dạn nghĩ và tin rằng cơ hội để Đông Á thoát nguy và quay trở lại trạng thái bình thường rồi sẽ đến.