Cuộc đời kỳ lạ và phi thường của thiên tài John Nash
Nhà toán học Mỹ vĩ đại John Nash, vừa qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi ở New Jersey (Mỹ), được đánh giá là một trong những thiên tài toán học vĩ đại nhất của thế kỷ 20.
Cuộc đời ông là cuộc phiêu lưu kỳ lạ qua những đỉnh cao và vực sâu.
Theo báo New York Times, tiến sĩ Nash (87 tuổi) và vợ Alice (82 tuổi) thiệt mạng khi đi trên một chiếc taxi ở thị trấn Monroe tại New Jersey. Tài xế taxi mất lái khi chuyển làn và đâm vào đuôi xe khác. Hai vợ chồng ông Nash bị bắn ra khỏi xe và chết tại chỗ.
Cảnh sát địa phương cho biết nhiều khả năng hai vợ chồng đã không đeo dây an toàn.
Tai nạn xảy ra khi vợ chồng tiến sĩ Nash đi về nhà từ sân bay sau chuyến đi tới Na Uy để nhận giải thưởng Abel từ Viện hàn lâm Khoa học Na Uy. Cái chết của tiến sĩ Nash đã gây nỗi tiếc thương lớn trong cộng đồng khoa học thế giới. Bởi ông được đánh giá là một trong những nhà toán học vĩ đại nhất của thế kỷ 20.
Cuộc đời của nhà toán học John Nash đã truyền cảm hứng cho bộ phim từng giành 4 giải Oscar A Beautiful Mind (Một tâm hồn đẹp - 2001).
Nhà toán học vĩ đại John Nash - Ảnh: Reuters
Bậc thiên tài
Lý thuyết trò chơi của tiến sĩ Nash, được gọi là Cân bằng Nash, là công cụ toán học đơn giản nhưng hùng mạnh để phân tích hàng loạt chiến thuật cạnh tranh trong cả toán học, kinh tế và khoa học xã hội như cạnh tranh giữa các tập đoàn hay quá trình ra quyết định của các cơ quan lập pháp.
Nghiên cứu của tiến sĩ Nash đóng vai trò rất quan trọng trong kinh tế học và hiện được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm sinh học tiến hóa.
Giáo sư toán học Harold Kuhn của ĐH Princeton từng nói: “Tôi nghĩ trong thế kỷ 10 không có nhiều ý tưởng vĩ đại về kinh tế học. Trong tốp 10 chắc chắn có Cân bằng Nash”.
Nhà kinh tế Roger Myerson của ĐH Chicago so sánh ảnh hưởng của Cân bằng Nash đối với kinh tế học với sự khám phá chuỗi xoắn kép DNA đối với sinh học.
Giới chuyên gia cũng nhận định tiến sĩ Nash còn đóng góp rất nhiều cho toán học thuần túy hơn là công trình lý thuyết trò chơi đã giúp ông giành giải Nobel.
Ông John Nash sinh ngày 13-6-1928 ở Mỹ. Khi còn nhỏ ông đã thể hiện sự thông minh kiệt xuất. Hồi học trung học, ông tình cờ đọc được cuốn Men of mathematics (Những người đàn ông của toán học) của E.T. Bell và lập tức say mê môn toán.
Sau đó, ông thể hiện thiên tài của mình khi tự chứng minh định lý Fermat. Định trở thành kỹ sư như cha, ông Nash đăng ký học tại ĐH Carnegie Mellon, nhưng được sự khuyến khích của các giáo sư, ông quyết định chuyển sang ngành toán. Sau khi lấy bằng cử nhân và thạc sĩ tại ĐH Carnegie, ông chuyển tới ĐH Princeton.
Tại đây, ông Nash với vẻ điển trai và cao ráo lập tức trở nên nổi tiếng vì trí thông minh, sự kiêu ngạo, những thói quen kỳ lạ cũng như tham vọng vô bờ bến. Ông sáng tạo ra trò chơi Nash và nó lập tức trở thành nỗi ám ảnh của các sinh viên ĐH Princeton. Ông cũng xử lý thành công vấn đề duy nhất mà hai nhà tiên phong của lý thuyết trò chơi là Von Neumman và Oskar Morgenstern không giải được.
Rơi xuống đáy vực
Sau khi lấy bằng tiến sĩ ở ĐH Princeton, ông Nash trở thành nhà tư vấn của Tập đoàn RAND và làm giáo viên Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông tiếp tục tấn công những vấn đề khó trong toán học mà không ai giải đáp được, đặc biệt trong lĩnh vực hình học vi phân. Nhưng khi sự nghiệp cất cánh, cuộc đời của tiến sĩ Nash bắt đầu trở nên phức tạp.
Sau quãng thời gian yêu nữ y tá Eleanor Stier, kết quả là con trai đầu tiên của ông ra đời năm 1953, tiến sĩ Nash bắt đầu quan hệ với nhiều người đàn ông và gây tai tiếng ở Tập đoàn RAND. Năm 1957, ông kết hôn với bà Alicia Larde, một sinh viên vật lý tại MIT.
“Ông ấy quá đẹp trai và quá thông minh. Tôi thần tượng ông ấy” - bà Alicia kể.
Nhà toán học John Nash và vợ - bà Alicia Nash.
Đầu năm 1959, khi bà Alicia có bầu, tiến sĩ Nash rơi vào khủng hoảng với căn bệnh tâm thần phân liệt quái ác. Ông phải nhập viện nhiều lần, bị điều trị bằng liệu pháp sốc điện. Ông trốn đến châu Âu một thời gian, gửi thiệp với những thông điệp bí ẩn cho bạn bè và đồng nghiệp. Dù lý thuyết trò chơi ngày càng phát triển, tên tuổi tiến sĩ Nash ngày càng lẫy lừng nhưng trên thực tế ông đã biến mất khỏi thế giới toán học.
Hồi thập niên 1980, khi một học giả gửi thư xin phép được sử dụng bài viết của ông, ông trả lời bằng một câu ngắn ngủn: “Anh có thể sử dụng bài viết của tôi giống như thể tôi đã chết”. Nhưng tiến sĩ Nash rất may mắn có gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã đứng sau hỗ trợ ông. Bà Alicia ly dị ông vào năm 1963, nhưng vẫn ở bên cạnh giúp đỡ ông (Họ tái hôn năm 2001).
Bà Alicia thuyết phục ông Nash đến nhà bà tịnh dưỡng vào năm 1970. Bà Alicia đã nuôi chồng và con trai mình với nghề lập trình viên. Họ cũng nhận được sự giúp đỡ tài chính của gia đình và bạn bè.
Tìm lại chính mình
Nhà toán học John Nash đã truyền cảm hứng cho bộ phim từng giành 4 giải Oscar A beautiful mind. Mời bạn đọc xem trailer của bộ phim - Nguồn: Youtube
“Tôi thoát khỏi những tư duy diên rồ mà không cần đến thuốc men nào ngoại trừ những thay đổi về hóc môn do tuổi tác lớn dần lên” - ông từng viết như thế.
Các đồng nghiệp đã thuyết phục Ủy ban Nobel rằng ông Nash có đủ sức khỏe để nhận giải thưởng cao quý này. Giải Nobel kinh tế cùng với bộ phim A beautiful mind đã giúp biến ông Nash trở thành người nổi tiếng bên ngoài thế giới toán học và kinh tế học, đồng thời giúp gia đình ông khôi phục nền tảng tài chính vững vàng hơn.
Sau này, tiến sĩ Nash tiếp tục làm việc, đi công tác, phát biểu tại các hội nghị khoa học và nỗ lực xây dựng một lý thuyết trò chơi mới. Bạn bè mô tả ông có phần lặng lẽ và ngượng ngịu, nhưng vẫn thể hiện được sự quyến rũ và cả nét kiêu ngạo của thời trẻ.
“Giờ đây, khó ai có thể tìm thấy một nhà toán học nào như thế, một người tay không tấn công các vấn đề hóc búa” - một đồng nghiệp của tiến sĩ Nash khẳng định.
Theo Nguyệt Phương