Con trai tỷ phú giàu nhất Trung Quốc tiết lộ bí mật động trời về hệ thống giáo dục nước này

01/09/2015 09:31 AM |

Wang Sicong - con trai tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin cho rằng với những người trong thế hệ của anh, việc cố thoát khỏi hệ thống ngặt nghèo của nước nhà chẳng khác nào tự sát.

Để phục vụ cho bộ phim tài liệu gồm 3 phần về giới trẻ Trung Quốc, mới đây tờ BBC có cuộc phỏng vấn với Wang Sicong – con trai của tỷ phú giàu có nhất Trung Quốc Wang Jianlin - người được xem là đại diện cho thế hệ "thiếu gia" giàu có tại quốc gia này.

Bố của Wang là Wang Jianlin – nhà sáng lập của tập đoàn bán lẻ và bất động sản hàng đầu Wanda. Ông hiện nắm giữ khối tài sản trị giá 31,5 tỷ USD và là người đàn ông giàu nhất Trung Quốc.

Trước đó, tờ BBC có tìm hiểu về chương trình “thiết quân luật” kéo dài 9 tháng rất đặc biệt tại Trung Quốc. Theo đó, những đứa trẻ ngang ngạnh, bướng bỉnh sẽ được bố mẹ gửi tham gia chương trình này để "cải tạo". Chính vì vậy, phóng viên của tờ BBC muốn gặp trực tiếp Wang Sicong với mong muốn anh sẽ có những chia sẻ thẳng thắn về hệ thống giáo dục tại Trung Quốc và về hiện tượng nghiện game của trẻ em nước này.

Sicong cho rằng với những người trong thế hệ của anh, việc cố thoát khỏi hệ thống ngặt nghèo của nước nhà chẳng khác nào tự sát. “Bố mẹ sẽ giết bạn. Không có con đường nào để thành công bên ngoài hệ thống này”.

Vì là con trai của tỷ phú, Wang Sicong đã tiêu tốn khá nhiều tiền bạc vào những sở thích cá nhân và thậm chí anh còn sở hữu một đội game chuyên nghiệp của riêng mình. Trong buổi phỏng vấn, anh đã giải thích tại sao chơi game là sở thích rất phổ biến tại Trung Quốc. Lý do đơn giản, bởi đó là cách giúp bạn thoát khỏi thực tại.

Với những người Trung Quốc trẻ tuổi, sống trong hệ thống quản lý hiện tại không chỉ cho thấy bạn trung thành với quốc gia. Quan trọng hơn, nó còn có nghĩa là bạn phải tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành vị trí vào những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc và trên thế giới. Những thanh niên trẻ tuổi Trung Quốc phải học tập dưới một áp lực vô cùng lớn.

“Người ta chọn ra đâu là xu hướng chính và bạn phải tuân theo nó”, Sicong nói. “Mọi ý tưởng khác đều bị cho là sai trái”.

“Dĩ nhiên, ai cũng đều có ý tưởng của riêng mình, vì vậy những gì họ làm đều được che đậy dưới một chiếc mặt nạ và họ sống cùng chiếc mặt nạ đó. Còn tại sao các trò chơi trực tuyến lại phổ biến tại Trung Quốc ư? Bởi vì chỉ khi online, bạn mới có thể cởi bỏ lớp mặt nạ đó và thoải mái nói ra suy nghĩ của chính mình”.

Giọng điệu của Sicong có phần bực tức. Đó là sự cam chịu. “Tôi nghĩ trên một vài phương diện, họ chấp nhận việc đó vô điều kiện” và điều này lý giải tại sao có rất ít cuộc biểu tình tại Trung Quốc.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM