"Có người hỏi tôi sao không mang 10 tỉ đồng mời Richard Branson về Việt Nam đi làm từ thiện”

09/09/2015 08:50 AM |

“Thậm chí còn có người ngồi tính xem với số tiền đó có thể mua được bao nhiêu … thùng mì tôm. Nó cho thấy có những vấn đề trong tư duy những người trẻ tuổi”, Nguyễn Quốc Trung, CEO của M.O.V.E, đơn vị mời Richard Branson tới Việt Nam chia sẻ.

Sinh năm 1987, Nguyễn Quốc Trung còn rất trẻ. Mặc dù vậy, anh đã làm được một điều mà các không ít các đại gia tại Việt Nam muốn nhưng chưa thực hiện được: Mời tỉ phú hàng đầu thế giới tới Việt Nam tham gia một sự kiện công khai. Trung kỳ vọng, việc Richard Branson tới Việt Nam sẽ giúp thay đổi cách tư duy kinh doanh của người trẻ Việt.

Từng chia sẻ mời Richard Branson đến Việt Nam tiêu tốn của anh hơn 10 tỉ đồng, 3 năm trời thương thuyết và gần như chắc chắn sẽ lỗ, tại sao anh vẫn quyết tâm theo đuổi?

- Trước đây, tôi đã có từng thời gian theo học tại Singapore. Du học, tôi rất kỳ vọng sẽ học được những điều tuyệt vời, kiến thức mới, giáo trình mới. Tôi tin rằng nền giáo dục của Singapore sẽ là một chương trình đột phá. Tuy nhiên, khi sang Singapore, tôi phát hiện ra giáo trình của họ chẳng khác gì giáo trình được dùng tại ĐH Ngoại Thương cả.

Vậy tại sao tôi, cũng như rất nhiều người Việt khác lại bỏ ra cả tỉ đồng để đi du học?

Về sau tôi phát hiện ra, gần như 100% giáo viên dạy tôi tại Singapore đều là người đi làm trong lĩnh vực họ giảng dạy từ 10 năm trở lên. Đó chính là nguyên nhân giúp nền giáo dục Singapore phát triển rất tốt: Họ đi làm rồi mới đi dạy. Giáo trình là một chuyện, nhưng người dạy là ai cũng quan trọng không kém.

Tôi liền nghĩ: Nếu người dạy chúng ta là một tỉ phú, thì xác suất thành công chắc hẳn sẽ cao lên nhiều. Sao chúng ta không đi học? Đó là lúc ý tưởng mời những tỉ phú trên thế giới về Việt Nam bắt đầu nhen nhóm trong đầu tôi.

Khi về nước, tôi lần lượt mời những diễn giả nổi tiếng như Adam Khoo , Blair Singer, Allan Pease về Việt Nam. Mời Richard Branson là sự kiện quy mô nhất với chi phí lớn nhất. Đối với tôi, mời diễn giả không chỉ là công việc kinh doanh mà còn là đam mê của mình.

Những người trẻ tuổi hẳn sẽ là đối tượng cần Richard Branson truyền cảm hứng nhất?

Đúng vậy. Chúng tôi hướng tới những người thích kinh doanh và đầu tư độ tuổi từ 23 đến 35. Đây là nhóm khách hàng lớn nhất trong các sự kiện trước đây của M.O.V.E, chiếm khoảng 70%. Đây cũng là mục tiêu của M.O.V.E: kết nối và truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi.

Tuy nhiên, tôi cũng khá ngạc nhiên khi sự kiện này được quảng bá ra công chúng, có rất nhiều bạn trẻ đưa ra quan điểm như: Tại sao khoản tiền này không làm từ thiện? Tại sao lại phải bỏ tiền tốn kém như vậy để đi tham dự?, Bỏ 70 triệu đồng đi gặp Richard Branson có mà “điên”?, Thậm chí có người còn tính xem số tiền mua vé có thể mua được bao nhiêu … thùng mì tôm.

Sau những bình luận như vậy, tôi nhận ra rằng có một bộ phận những người trẻ tuổi Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng về tầm nhìn.


Nguyễn Quốc Trung, CEO của M.O.V.E

‘Tầm nhìn’ mà anh nói ở đây, cụ thể là gì?

Tôi không nghĩ những người sẵn sàng bỏ ra 70 triệu đồng để mua vé gặp trực tiếp Richard Branson bị “điên”. Họ chỉ nghĩ khác các bạn trẻ còn lại. Họ chỉ đơn giản là nghĩ dài hơn.

Hiện nay, chúng ta tán dương một bộ phận các bạn trẻ bỏ học để mở cửa hàng, quán cà phê rồi sau đó tự hào “khoe” doanh thu cả trăm triệu mỗi tháng. Ở nước ngoài không ai gọi những người đó là ông chủ, mà gọi là “self employed – tự làm thuê cho chính mình”.

Tôi không phản đối việc các bạn tự mở ra công việc kinh doanh, nhưng nếu làm, sao không nghĩ lớn hơn? Nếu mở quán cà phê, hãy đặt mục tiêu biến nó thành một chuỗi, nếu mở cửa hàng quần áo, hãy biến nó thành một thương hiệu thời trang.

Chúng ta đều biết Richard Branson mở ra tới 400 công ty trong hệ thống thương hiệu Virgin mà không quản lý thương hiệu nào. Ông ta đã làm như thế nào? Tôi không nghĩ rằng Richard Branson sẽ dạy chi tiết chúng ta điều này. Tuy nhiên, ông ta hoàn toàn có thể chia sẻ ý tưởng tại sao ông lại có thể sở hữu nhiều công ty như vậy.

Vậy gặp Richard Branson sẽ giúp tôi thành thay đổi tư duy và thành công nhanh chóng?

Nhiều khóa học làm giàu tại Việt Nam khi mở ra thường cam kết “giúp doanh số tăng 300% ngay sau khi học xong” hay “trở thành tỉ phú chỉ sau 1 năm”,… Nếu bạn gặp Richard Branson với tâm thế như vậy, bạn chắc chắn sẽ thất vọng ra về. Trong mắt tôi những mô hình này rất phản cảm khi đưa ra một cam kết chẳng lấy gì làm chắc chắn.

Như đã nói ở trên, quan điểm của tôi đó là học người càng giỏi thì khả năng thành công sẽ càng cao hơn. Khi mời diễn giả nổi tiếng về Việt Nam, bao gồm cả Richard Branson tôi đưa ra mục tiêu “kết nối” và “tăng xác suất thành công”.

Nói cách khác, Richard Branson có thể chỉ cho những người trẻ biết chỗ nào có cá. Điều đó mới là điều quan trọng.

“Con cá” thay vì “cần câu” như người Việt chúng ta vẫn hay nói với nhau?

Tại Việt Nam, chúng ta hay nói rằng để thế hệ đi trước tốt hơn thế hệ đi sau thì nên cho cần câu thay vì cho con cá. Tôi cho điều này đúng nhưng chưa đủ.

Khi tôi làm việc tại Singapore, sếp của tôi đã nói: “Ở Singapore chúng tôi dạy các bạn trẻ rằng: Tôi chỉ cho bạn chỗ có cá, bạn đưa tôi tiền môi giới”.

Chẳng hạn, tôi chỉ cho bạn biết đất ở đây đang lên giá. Quyết định mua hay không là việc của bạn. Nhưng chỉ 1 thông tin đấy có thể đủ để biến bạn thành tỉ phú rồi. Theo tôi, người Việt Nam cần thay đổi tư duy trong kinh doanh, đó là con cá cũng quan trọng không kém cần câu, và biết chỗ nào có cá lại càng quan trọng. Khi biết chỗ nào có cá, những thứ còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật và có thể giải quyết dễ dàng hơn.

Tuổi của tôi rất nhiều bạn trẻ ra trường nói về khởi nghiệp. Nhưng các bạn luôn đòi hỏi quá nhiều: xin bố mẹ cho tiền vốn, mong xã hội tạo điều kiện phát triển,… Theo tôi điều quan trọng nhất thực ra quan trọng là chỗ nào có cá. Nếu xác định được “hồ cá”, những việc còn lại chỉ là vấn đề về kỹ thuật mà thôi.

Anh chia sẻ mời diễn giả là đam mê, nhưng là một doanh nghiệp, M.O.V.E vẫn cần quan tâm tới doanh thu và lợi nhuận chứ?

­- Đúng là M.O.V.E xác định sẽ lỗ cho sự kiện sắp tới đây. Đến tháng 5 vừa rồi, Richard Branson mới nhận lời tới Việt Nam và chúng tôi chỉ có 4 tháng để chuẩn bị. Thời gian tổ chức rất gấp ảnh hưởng tới các hoạt động quảng bá cho sự kiện.

Mặc dù vậy, tôi sẵn sàng chấp nhận lỗ vì nếu tôi bỏ lỡ cơ hội này, không biết đến bao giờ mới có một cơ hội tương tự như vậy. Dù thua lỗ, tôi tin đây sẽ là sự kiện tốt quảng bá cho bản thân M.O.V.E và quan trọng hơn, tôi muốn cộng đồng thế giới có cái nhìn mới về doanh nhân trẻ Việt Nam: Chúng tôi năng động, sáng tạo và sẵn sàng chớp lấy thời cơ.

Trở thành công ty trung gian mời các diễn giả hàng đầu thế giới về Việt Nam là một hướng kinh doanh tiềm năng?

Đó là một trong những cơ hội mà tôi nhắc đến. Ngay sau khi M.O.V.E mời thành công Richard Branson, đã có đơn vị tìm đến chúng tôi để làm cầu nối mời các diễn giả nổi tiếng khác về Việt Nam. Đây sẽ là ngách kinh doanh tiềm năng của M.O.V.E trong tương lai.

Ngoài Richard Branson, anh tự tin có thể mời được tất cả những doanh nhân hay những người nổi tiếng khác về Việt Nam?

Khi doanh nghiệp đã chứng minh được năng lực của mình thông qua những diễn giả nổi tiếng họ đã mời thì vấn đề còn lại chỉ còn là vấn đề tài chính. Hiện tại, miễn là các doanh nghiệp trong nước “chịu chi”, chúng tôi tin rằng có thể kết nối với hầu hết các diễn giả lớn trên thế giới, như Donald Trump, Elon Musk hay Tony Blair,…

Xin cảm ơn anh!

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM