[Chuyện nghề] Nghề diễn giả: Ít người ở Việt Nam làm được sứ mệnh của mình

04/12/2014 09:51 AM | Nghề nghiệp

Ở Việt Nam, hễ nhắc đến "diễn giả", người ta lại liên tưởng đến ngay những từ khóa như "học làm giàu", "quản lý tài chính", còn những người diễn giả là những tay "bốc phét đại tài".

Chúng tôi xin gửi đến quý độc giả series "Chuyện nghề". Series là chùm các bài phỏng vấn những người trong cuộc về công việc mà họ đang làm. Đối tượng phỏng vấn thuộc rất nhiều tầng lớp trong xã hội, đang mưu sinh bằng một nghề nào đó, hoặc có thể làm một công việc vì yêu thích.

Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh nghề nghiệp của xã hội. Bởi vậy chúng tôi rất mong có thể nhận được các câu chuyện đóng góp từ quý vị độc giả để làm phong phú thêm nội dung series này.

Chủ đề của tuần này sẽ nói về Nghề diễn giả. Nhân vật trò chuyện với chúng tôi là anh Nguyễn Hải Long (Hà Nội), một diễn giả trẻ tuổi và tâm huyết. Anh Long đang là chuyên viên làm việc tại Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex, nguyên phó giám đốc đào tạo của trung tâm Espeed, từng là chuyên viên đào tạo của Ngân hàng Techcombank và là Á quân cuộc thi Speaker Got Talent 2013 do 123TV tổ chức.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bài cùng seri Chuyện nghề:

Nghề giáo viên

Nghề vẽ tranh 3D

Khi gặp khó khăn, tinh thần sa sút, suy nghĩ vướng mắc, mất phương hướng và không biết "lên dây cót" cho mình từ đâu, đó là lúc bạn cần đến một người diễn giả để lên lửa cho mình. Sứ mệnh của một nhà diễn giả chân chính đối với xã hội là truyền động lực, chia sẻ kinh nghiệm hay giúp người nghe nhận thức được một vấn đề nào đó để giúp họ thay đổi theo hướng tốt lên.

'Tôi vốn khép kín và phát âm không tốt'

Tôi thuộc nhóm diễn giả truyền động lực, vào nghề từ năm 2007, thính giả chủ yếu là sinh viên. Trước đó tôi vốn là một con người khá khép kín, việc đứng trên bục diễn thuyết đối với tôi là cả một áp lực. Nhớ mãi lần tham gia hùng biện hồi thi học sinh thanh lịch thời cấp ba, dù đã luyện tập rất nhiều nhưng ngày lên sân khấu, đứng trước hàng trăm thầy cô, bạn bè, tôi vẫn run rẩy đến nỗi chỉ nói được đúng hai câu: "Em kính chào các thầy cô giáo. Em xin hết!" rồi chạy thẳng. Cả trường cười ồ lên còn tôi chẳng biết giấu mặt vào đâu. Sau đó, tôi khắc phục điều này bằng cách vượt qua "vùng thoải mái" của mình một cách từ từ.

Tôi luyện nói trước gương và nhờ bạn bè làm "chuột bạch" mỗi khi nghĩ ra chủ đề nói mới. Tôi còn có vấn đề về phát âm, nói không được rõ ràng cho lắm và cách giải quyết là thu âm rồi tự nghe và sửa dần dần.

Nghề diễn giả đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới, thời Hy Lạp cổ đại đã có nhà triết học - nhà hùng biện Aristotle rất nổi tiếng, nhưng lại tương đối mới mẻ ở Việt Nam, chưa được tôn trọng và hay bị hiểu lầm. Thời nay việc tự gán cho mình cái danh "diễn giả" dễ dãi quá! Nhiều người mở các hội thảo để diễn thuyết rốt cuộc cũng chỉ là để... bán hàng. Thế nên hễ nhắc đến "diễn giả", người ta lại liên tưởng đến ngay những từ khóa như "học làm giàu", "quản lý tài chính", còn diễn giả là những tay "bốc phét đại tài". Việt Nam chúng ta quả thật đang thiếu những diễn giả có tâm, những người truyền được kỹ năng, động lực sống cho mọi người khác.

Thật ra thị trường và cơ hội cho nghề diễn giả ở Việt Nam vô cùng rộng lớn nhưng lại chưa được khai thác hết. Đối tượng hiện nay chủ yếu vẫn là sinh viên, người mới đi làm... còn những nhóm như các em học sinh cấp một, cấp hai, người già, phái yếu... thì chưa mấy ai quan tâm.

Bạn đừng vội nghĩ trẻ em thì làm gì có vấn đề gì trăn trở, đâu phải đau đầu với những "cơm áo gạo tiền" thì lấy gì mà "diễn với chả thuyết"! Diễn giả đâu cứ phải nói những vấn đề gì quá hoành tráng, cao siêu? Đối với các cháu nhỏ, việc gấp chăn màn, rửa bát, rửa tay trước khi ăn... cũng đã là "vấn đề" rồi, và các cháu cần có người truyền động lực, tạo thói quen để làm các việc đó một cách thật thoải mái. Do đó, bố mẹ cũng chính là những diễn giả, giúp con mình đi vào kỷ luật mà các cháu không thấy nặng nề, ngược lại còn vui vẻ, hào hứng. Nhưng khi bản thân các phụ huynh không có kỹ năng để nói, thì đây là lúc diễn giả chúng tôi "ra tay". Ở Việt Nam đã có chương trình "Làm bạn cùng con" của trung tâm đào tạo ABA tương đối thành công đấy.

Vì bản thân nghề này trong xã hội chưa ổn định nên thu nhập của nó cũng bấp bênh. Nếu bạn là một diễn giả kiệt xuất, một buổi nói chuyện mang tới cho bạn hàng chục triệu cũng có. Người ta còn bảo nhau đây là nghề "nói 90 phút, bỏ túi 30 triệu" cơ mà! Nhưng một tháng, một năm sẽ có bao nhiêu lần như thế? Duy trì được phong độ, chất lượng nói lẫn cái tâm nghề nghiệp để thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc hết vào bạn.

Lời gửi ai muốn vào nghề

Trước hết bạn phải có ước mơ và mục đích rõ ràng, phải xác định được mình sẽ trở thành diễn giả thuộc nhóm nào (truyền động lực, giúp người khác khai phá tiềm năng, truyền đạt kỹ năng sống hay thuyết phục người nghe nhận thức một vấn đề nào đó).

Thứ hai, xác định tư tưởng thật vững vàng vì đây là một nghề rất nhiều khó khăn, dễ chán nản. Nghề diễn giả là nghề "làm dâu trăm họ", nếu có bị khán giả "chê" thì cũng đừng bao giờ nản. Đây cũng là một nghề dễ bị lạc lối, cám dỗ nhiều. Liệu bạn có còn là một diễn giả chân chính, giữ được sứ mệnh của mình khi nghe những câu "bùi tai" như "nghề này chỉ nói cũng ra tiền?"

Và cuối cùng, quan trọng nhất là phải có tâm, hãy luôn đặt cái tâm ấy vào người nghe! Vì nghề diễn giả là một nghề cao quý!

Thùy An (ghi)

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM