Chủ nhân Nobel Hòa Bình Malala Yousafzai: Quá phi thường khi còn quá trẻ
Cái tên Malala mang lại sức mạnh kỳ diệu gắn kết mọi người, đặt biệt là phụ nữ, trên toàn thế giới, không phân biệt màu da, thứ bậc, độ tuổi.
Một buổi chiều cuối hạ, người ta gọi một cô bé 17 tuổi ra khỏi lớp học khi cô đang chăm chú nghe giảng môn Hóa học và thông báo với cô rằng : Vài ngày nữa, cô sẽ chính thức trở thành người trẻ tuổi nhất trong lịch sử từng được nhận giải thưởng Nobel hòa bình cho những nỗ lực bảo vệ quyền trẻ em của mình. Cô gái nhỏ kỳ diệu ấy mang tên Malala Yousafzai, một người Pakistan từng bị phiến quân Taliban bắn hai phát vào đầu 2 năm về trước.
Câu chuyện của Malala
Malala Yousafzai sinh ra và lớn lên ở huyện Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan, là con của một gia đình người Pastun theo đạo Sunni. Cô bé đã tham gia hoạt động xã hội bảo vệ quyền trẻ em từ khi còn rất nhỏ. Năm 11 tuổi, cô gái nhỏ đã trở thành nhân vật chính trong một bộ phim tài liệu khi cô đọc một bài diễn văn đanh thép lên án việc quân đội Taliban đóng cửa trưởng học dành cho nữ sinh ở thung lũng Swat.
Cùng thời gian đó, Malala còn tham gia viết blog cho đài BBC, tranh luận về chủ đề phụ nữ cũng có quyền được tới trường học, về những hành động phi lý và tàn bạo của quân Taliban khi đội quân này chiếm đóng thung lũng Swat, và những cảm xúc của cô bé về thời cuộc. Trong một thời gian dài, những bài viết sắc bén của blogger mang bút danh “Gul Makai – Hoa bắp” (BBC đặt bút danh cho Malala để bảo vệ danh tính của em) khiến cho người ta phải chú ý.
Vì những hoạt động sôi nổi và mạnh mẽ bât chấp tình hình chính trị xung quanh còn nhiều bất ổn, Malala đã trở thành cái gai trong mắt quân Taliban. Hai năm trước, cô bé bị bắn bởi một tay súng Taliban khi đang ngồi trên xe bus cùng các bạn tới trường. Hai phát đạn găm vào đầu cô, nhưng cô bé vẫn sống sót. Cuộc thanh trừng trắng trợn này đã làm dấy lên một làn sóng phản ứng dữ dội của hàng ngàn người Pakistan và trên toàn thế giới.
Nằm trên giường bệnh ở thành phố Birmingham nước Anh, Malala vẫn không đầu hàng số phận khắc nghiệt mà em phải chịu đựng khi lựa chọn một con đường chẳng mấy ai đi. Không những đã chiến thắng vết thương, em còn cùng với một người bạn mang tên Shiza Shahid thành lập nên một quỹ phi lợi nhuận mang tên của chính cô, với tôn chỉ hoạt động là mọi cô gái trên thế giới đều được tiếp cận với giáo dục. Tới tháng 1/2014, quỹ Malala đã được ủng hộ lên tới 400,000 USD.
Quá phi thường khi còn quá trẻ
Cái tên Malala mang lại sức mạnh kỳ diệu gắn kết mọi người, đặt biệt là phụ nữ, trên toàn thế giới, không phân biệt màu da, thứ bậc, độ tuổi. Người ta tìm đọc về Malala và cổ vũ cho em bằng cách này hay cách khác, tạo lên một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ trong và ngoài nước, gây sửng sốt cho không ít người.
Lý giải về điều này, có lẽ phải nhìn nhận ở em hai yếu tố quan trọng nhất: Quá phi thường khi còn quá trẻ. Con người bất kể sống trong xã hội bằng thủ đoạn gì đều có tâm lý khâm phục, tôn trọng đối với những nhân cách ngay thẳng, kiên định, đấu tranh dữ dội cho quyền được đến trường học hành của trẻ em, thay vì tối tăm mặt mũi trong những công xưởng chuyên bóc lột sức lao động.
Tuy nhiên, cái tên Malala Yousafzai còn gây ấn tượng với người ta hơn nữa do tuổi đời của cô còn quá trẻ. 11 tuổi, cô bé đã cất tiếng nói về những vấn đề nóng bỏng toàn cầu, trong khi vô số đứa trẻ khác còn đang mải mê chơi bời đàn đúm. Điều đó càng tô đậm sự khác biệt của Malala, ghi dấm đậm nét vào tâm trí mọi người và truyền cho họ nguồn cảm hứng bất tận để dũng cảm nói lên quan điểm của mình.
Điểm tựa gia đình
Nói đến cuộc hành trình đầy cảm hứng của Malala đến với giải Nobel, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của gia đình đối với quá trình hình thành suy nghĩ của cô gải trẻ này. Cha em là một nhà hoạt động giáo dục, do đó ông thường xuyên truyền đạt cho Malala những quan điểm tiên tiến về giáo dục, về quyền được học hành của trẻ em. Gia đình cũng là những người đã ở bên ủng hộ hoạt động của em, mặc dù không ít người xung quanh cho rằng những việc làm của Malala là vô ích, thậm chí tiềm ẩn nguy hiểm cho cộng đồng.
Malala, trong giờ phút nhận giải Nobel hòa bình, đã nói “Giải Nobel này không dành cho một mình tôi, mà dành cho tất cả những em bé không có cơ hội nói lên tiếng nói của mình trên thế giới”. Bản lĩnh, lòng can đảm, trái tim nhân ái và niềm đam mê bất tận với sự nghiệp giải phóng con người của Malala hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng danh giá mà em vừa được trao tặng.
>> Sundar Pichai thành 'ông vua không ngai' tại Google như thế nào?
Hải Hà