Chân dung ông chủ PeaceSoft: Xây sự nghiệp từ con số 0

12/11/2012 09:26 AM | Nhân vật

Năm 19 tuổi, anh mở công ty khi không có một đồng vốn, không văn phòng và cũng không có nấy một nhân viên...

Sinh ra trong một gia đình cơ bản: bố làm bộ đội, mẹ là giáo viên ở Hà Đông, Hà Tây (nay là Hà Nội), anh Nguyễn Hòa Bình (sinh năm 1981), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Phần mềm Hòa Bình (PeaceSoft) với những giải pháp và dịch vụnhư ChợĐiệnTử.vn, eBay Việt Nam, Adnet, NgânLượng.vn, 1Tốp.vn,... 

Ngày từ thời sinh viên, anh Bình gần như tham dự cuộc thi nào ở Việt Nam anh đều có giải. Cảm thấy quỹ thời gian vẫn còn nhiều, ngay khi học năm thứ 2 đại học, anh đã quyết định mở công ty khi trong tay không có nấy một đồng vốn, không văn phòng và cũng không có một nhân viên nào. 

Hãy cùng CafeBiz lắng nghe những chia sẻ đầy tâm huyết của người tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) ở VN này:

- Cơ duyên nào đưa anh đến lĩnh vực kinh doanh TMĐT?

- Tiếp xúc với máy tính từ năm lớp 10, tôi đã mày mò tự lập trình và tìm thấy đam mê. Năm 1999, tôi tốt nghiệp Trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Tây (nay là Hà Nội) với 3 giải quốc gia môn toán. Tôi chọn khoa Công nghệ (nay là Đại học Công nghệ) – Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời gian là sinh viên, tôi đi thi và giành nhiều giải thưởng về công nghệ trong và ngoài nước. 

Năm thứ 2 đại học, tôi lập ra công ty giải pháp phần mềm, tiếp tục tham dự các cuộc thi và làm phần mềm cho khách hàng. Năm 2005, do nhiều cơ duyên tôi có làm việc với Quỹ Đầu tư Mạo hiểm IDG (Mỹ), trở thành công ty đầu tiên ở Việt Nam được IDG đầu tư. 

Lúc đó tôi đưa ra một dự án về TMĐT: làm sàn giao dịch TMĐT theo mô hình eBay vì trước đây tôi cũng đi nước ngoài nhiều, tôi thấy TMĐT sẽ rất phát triển ở VN. Đặc biệt, VN có nền thương mại truyền thống chậm phát triển do hậu quả từ thời bao cấp. Chính vì thương mại truyền thống khó khăn (không biết mua sắm ở đâu, rồi tình trạng tắc đường, gửi xe) khiến người ta càng có động cơ lên mạng mua sắm. 

Trong quá trình đi tiên phong trong lĩnh vực TMĐT như thế, tôi gặp rất nhiều khó khăn và trước mỗi khó khăn tôi đều phải xây dựng thêm một sản phẩm để giải quyết những khó khăn đó.

 Về sau, tôi đưa ra một lý thuyết xây dựng "hệ sinh thái" những sản phẩm TMĐT. Đây chính là hạ tầng cho ngành TMĐT từ mua bán, quảng cáo, thanh toán, vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu… Chúng tôi phát triển dần lên theo quá trình như vậy.

- Anh tâm đắc với sản phẩm nào nhất?

- Thực ra sản phẩm nào tôi cũng tâm đắc cả, bởi chúng đều giải quyết vấn đề thiết yếu của xã hội. Sản phẩm nào tôi cũng coi là một trong những người đi đầu từ mạng quảng cáo đến sàn giao dịch, xuất nhập khẩu, mua bán lẻ xuyên biên giới, thanh toán trực tuyến, vận chuyển hàng hóa,… 

Sản phẩm nào cũng phải có sự tâm huyết, trải nghiệm thất bại mới nghĩ ra được những giải pháp để vượt qua khó khăn. 

Đặc biệt, triết lý của tôi khi xây dựng công ty là xây dựng chuỗi sản phẩm. Mỗi sản phẩm có một chức năng để hỗ trợ cho toàn bộ hệ thống đó. Chính vì thế, sản phẩm nào cũng quan trọng và được đối xử bình đẳng với nhau giống như coi trọng nhân viên, đối tác của mình. Triết lý của tôi là ai cũng có giá trị cả. 

- Được biết, nhân sự công ty chủ yếu là đội ngũ nhân viên đang ở tuổi đời còn rất trẻ. Anh có biện pháp nào để giữ chân nhân tài?

- Ở PeaceSoft có một nét văn hóa mà tôi đúc kết được trong 8 chữ vàng: Nhóm Mê Học - Khách Đổi – Chủ Sáng Trung.  Đây được xem như một khẩu hiệu, tấm gương để răn dạy nhân viên. “Nhóm” là phải đoàn kết; “Mê”: đam mê; “Học”: liên tục học hỏi vì TMĐT là một ngành mới, mình lại là người đi đầu; “Khách”: khách hàng là trên hết; “Đổi”: sẵn sàng thay đổi với mọi biến động bởi mình là người đi đầu, không ai chỉ cho mình phải làm gì; “Chủ”: chủ động; “Sáng”: trong sáng, minh bạch và sáng tạo; “Trung”: kiên trì với những việc mình làm. Thấm nhuần được ngọn cờ thêu 8 chữ vàng đó, mỗi người sẽ hiểu được công việc của mình. 

Thứ nữa, PeaceSoft cũng là môi trường văn hóa mà theo khảo sát phỏng vấn nặc danh, hầu hết nhân viên đã từng ra đi đều đánh giá môi trường làm việc đều đáng nhớ và họ ra đi không phải môi trường làm việc. 

Thứ 3, đối với nhân tài việc quan trọng là trao quyền cho họ để tự chứng minh bản thân và tự tâm đắc với thành quả đạt được và khi ra đi họ tiếc nuối với những gì đã làm. 

Chúng tôi gắn bó nhân tài bằng chính sản phẩm họ làm ra, bên cạnh lương thưởng và các chế độ khác. Đó là những biện pháp chúng tôi áp dụng triệt để. 

- Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Xin anh cho biết "sức khỏe" của công ty anh trong bối cảnh chung như thế nào?

- Bình thường nền kinh tế truyền thống bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đối với ngành TMĐT không nặng nề như các ngành khác, thậm chí còn khởi sắc.

- Anh có thể nói gì về kết quả kinh doanh trong năm nay?

- Năm 2012 cũng sẽ là một năm tốt, tiếp tục tăng trưởng và nở rộ. 

(còn nữa)
Tân Hoa

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM