Bà chủ phòng tranh tư nhân đầu tiên tại VN: Vẽ để tìm tự do khi chồng chịu tù oan

09/12/2011 17:12 PM |

Chị Trần Thị Thu Hà đến với hội hoạ bằng con đường tự học. Chị bắt đầu vẽ khi muốn giải phóng nỗi cô đơn và sự quẫn trí, bởi lúc ấy chồng chị đang chịu cảnh tù đày oan trái.


Đến với hội hoạ bằng con đường tự học, Trần Thị Thu Hà ít khi nào nhận mình là hoạ sĩ, dù số lượng tác phẩm đã vẽ (khoảng 400 bức) và đã bán (khoảng 300 bức) là không hề ít. Chị nói mình bắt đầu vẽ khi muốn giải phóng nỗi cô đơn và sự quẫn trí, bởi lúc ấy chồng chị đang chịu cảnh tù đày oan trái.

Bà chủ phòng tranh tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, kể từ 1975, khai mạc triển lãm Hai mươi năm hội hoạ (1991 – 2011) với 65 tranh sơn dầu và sơn mài tại phòng tranh Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, TP.HCM) vào lúc 10 giờ ngày 10.12. Đây là số tác phẩm mà một phần do tác giả cố tình giữ lại, một phần “bị kẹt” trong kho, lười đem ra bán. Tác phẩm đầu tay có tên là Hoa (sơn dầu, 86 x 68cm, 1990) và vài tác phẩm mới vẽ trong tháng 12 này cùng xuất hiện ở đây.

Nhà sưu tập Marc Hurner (chủ nhân phòng tranh H&S tại Bỉ) đã mua và đưa nhiều tác phẩm của Trần Thị Thu Hà đi triển lãm các nơi. Ông nhận xét: “Tranh của bà phong phú về đề tài, màu sắc và tình cảm. Bà là một hoạ sĩ thật sống động, muốn diễn tả nhiều cảm xúc như những hoài niệm về Huế, nơi bà được sinh ra năm 1952, các chủ đề tôn giáo trong gam màu xanh đầy huyền diệu, những phong cảnh nơi mọi người có thể tìm lại sự xúc động của những kỷ niệm sáng lên từ ký ức, và thêm các đề tài trừu tượng, luôn luôn nhiều màu sắc với sự chuyển động đầy sức sống trên mặt bố. Thu Hà vẽ bằng tâm hồn và những ám ảnh cuộc đời”.

Tác phẩm Mùa xuân ở Huế, sơn dầu trên bố, 117 x 91cm, 1997.

Phòng tranh Tự Do ra đời từ ngày 24.6.1989, từ yêu cầu hết sức giản đơn, họ muốn chính thức triển lãm cá nhân cho hoạ sĩ Rừng, nên cần tư cách pháp nhân. Từ đó đến nay, Tự Do đã thực hiện khoảng 180 triển lãm trong và ngoài nước, giới thiệu gần 4.000 lượt tác phẩm, sưu tập hơn 1.000 tác phẩm và trở thành địa chỉ kết nối của hơn 100 hoạ sĩ.

Hoạ sĩ Rừng từng tâm sự: “Bà Trần Thị Thu Hà là một trong số những người bạn không học trường mỹ thuật mà vẽ tranh, tôi cho bà là một hoạ sĩ. Lần đầu tiên xem tranh tôi khá ngạc nhiên. Tôi thấy tranh bà có cái cần thiết, đó là phong cách riêng. Đối với người vẽ tranh, khó nhất là tạo ra phong cách. Nhìn tranh biết người, không cần phải ký tên”.

“Khi ngồi trước giá vẽ, tôi quên mọi ưu phiền, chỉ cảm thấy hạnh phúc và yêu đời. Là hoạ sĩ tự học, không bị trói buộc bởi các quy luật, tranh của tôi biểu hiện cảm xúc chân thành, tự do và hồn nhiên. Với nét vẽ ngây thơ và màu sắc phong phú, được nặn trực tiếp từ ống màu lên bố, nhảy múa theo những đường dao bay bổng…”, lời tự bạch của Trần Thị Thu Hà.

Triển lãm này với nhiều người yêu mỹ thuật có thể là bình thường, vì lâu nay họ đã quen với tranh của hoạ sĩ. Thế nhưng, trước tin Tự Do đang rao bán nhà và sẽ đóng cửa trong nay mai, biết đâu đây là triển lãm cuối cùng, thì tự nhiên cuộc trưng bày như là dịp để mọi người nhìn lại một địa chỉ kinh doanh mỹ thuật uy tín. Bởi thực tế cho thấy Tự Do hình thành ngay thời điểm tranh Việt bước mạnh ra thị trường thế giới, nhiều phòng tranh vì lợi nhuận trước mắt đã không giữ được sự chân thật của mình. Nay thì, khi Tự Do muốn chuyển sang Mỹ, đòn “hồi mã thương” của việc kinh doanh tranh giả đang quay lại ép giá tranh Việt xuống sát đáy. Đây là lúc mà mọi người tiếc nuối với nhau: giá mà Việt Nam có nhiều địa chỉ như Tự Do.

Theo Hiền Hoà

SGTT

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM