5 tỷ phú thế giới 'không biết' tiêu tiền
Họ không mua những biệt thư đắt tiền, không sắm những phi cơ hạng sang, không chi hàng triệu USD cho một bữa tiệc sinh nhật… dù nắm trong tay khối tài sản trị giá hàng chục tỷ USD.
Warren Buffett vẫn sống trong ngôi nhà 3 phòng ngủ mua từ 50 năm trước, không thuê vệ sĩ, tự lái xe riêng, và chẳng dùng cả máy tính.Carlos Slim vẫn thích dùng bút và giấy chứ không dùng máy tính. Ngôi nhà của ông chỉ có 6 phòng ngủ và một bể bơi nhỏ.Ingvar Kamprad, cha đẻ IKEA, chỉ dùng ô tô Volvo xoàng xĩnh, mua vé máy bay phổ thông giá rẻ, thậm chí khi về quê ông vẫn vào tiệm cắt tóc làng với giá 5 Euro.Chuck Feeney, người đồng sáng lập ra chuỗi Cửa hàng mua sắm miễn thuế lớn nhất thế giới (DFS), vẫn đeo đồng hồ giá 15 USD, đi máy bay vé hạng bét, cũng chẳng có nhà hay xe hơi riêng.Frederik Meijer, người sáng lập chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn nhất vùng Trung Tây nước Mỹ, tài sản hơn 5 tỷ đô la, vẫn đi 1 chiếc xe hơi bình thường và luôn thuê những nhà nghỉ giá rẻ với dịch vụ đơn giản… khi đi công tác.
1. Warren Buffett
Theo ước tính năm 2013, tổng tài sản của “ông trùm chứng khoán”- nhà lãnh đạo tài ba của tập đoàn Berkshire Hathaway hiện nay khoảng 53,5 tỷ đô la. Luôn nằm trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới suốt 20 năm qua, nhưng nhà đầu tư cổ phiếu vĩ đại nhất thời đại vẫn sống trong ngôi nhà 3 phòng ngủ ở giữa thị trấn Omaha trị giá 31.500 USD mà ông đã mua sau khi lập gia đình 50 năm trước.
Ông nói rằng, mọi thứ ông cần là ở trong ngôi nhà đó, và cơ ngơi này thậm chí còn không có tường hay hàng rào. "Đừng mua quá những gì bạn thực sự cần và khuyến khích con cái bạn hành động và suy nghĩ tương tự"- Buffett chia sẻ.
Ít ai có thể tưởng tượng rằng đây là căn phòng làm việc của “huyền thoại chứng khoán” Warren Buffett – một trong những tỷ phú hàng đầu thế giới.
Warren tự lái xe và không thuê vệ sĩ. Ông chưa bao giờ đi bằng máy bay riêng, mặc dù ông sở hữu một hãng máy bay tư nhân lớn nhất thế giới. Buffett không mang theo điện thoại di động, cũng không có máy vi tính trên bàn. Ông luôn nhấn mạnh: "Những người hạnh phúc nhất không cần thiết phải có những thứ tốt nhất. Họ chỉ đơn giản thưởng thức những thứ họ có".
2. Carlos Slim
Trong suốt 10 năm qua, Carlos Slim đã nhiều lần vượt qua “vua phần mềm” Bill Gates để dẫn đầu danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, điều mà người ta đánh giá cao ở tỷ phú người Mexico gốc Châu Á này không chỉ bởi số tài sản khổng lồ ông đang sở hữu mà còn bởi lối sống hết sức giản dị, khiêm tốn.
C. Slim không bao giờ hãnh tiến hay khoe khoang sự giàu có của mình. Ông không có những chiếc ô tô đắt tiền hay đồ trang sức quý hiếm, ăn vận rất khiêm nhường và không bao giờ tốn tiền với những đồ hàng hiệu.
Trong khi làm việc, C. Slim mang những chiếc đồng hồ rẻ tiền có gắn thêm máy tính. C. Slim sống giản dị quá mức bình thường. Phòng làm việc của ông được bố trí giống như bất cứ một nhân viên bình thường nào. Một ngày ông làm việc tới 14 tiếng, nhiều khi quên cả ăn. C. Slim vẫn giữ những cuốn sổ mà trong đó cha ông đã bắt ông ghi lại cách chi tiêu số tiền 5 peso mỗi tuần khi xưa.
Ông vẫn thích dùng bút và giấy chứ không dùng máy tính. Ngôi nhà của ông ở Mexico City chỉ có 6 phòng ngủ và một bể bơi nhỏ, treo các tác phẩm nghệ thuật của một số họa sĩ, nhà điêu khắc trứ danh mà ông ưa thích như: Renoir, Van Gogh, Rivera và Rodin.
Tỷ phú số 1 thế giới – Caros Slim Helu bên bức tranh mà ông tâm đắc
Nhà tỷ phú vĩ đại luôn tôn thờ nguyên tắc: "Hãy loại bỏ những sự dư thừa ngay cả trong những lúc dễ dàng nhất của cuộc đời mình, vì điều này sẽ giúp ta ổn định trong những giai đoạn gặp nhiều khó khăn lớn nhất".
3. Ingvar Kamprad
Có lẽ ít người biết rằng, cha đẻ của thương hiệu nổi tiếng Thụy Điển IKEA- tỷ phú đồ gỗ Ingvar Kamprad còn được mệnh danh là “tỷ phú tiết kiệm”. Tuy liên tục được ghi tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới, nhưng tỷ phú người Thụy Điển vẫn chọn cho mình lối sống giản dị, bình dân.
Khi sắm ôtô, Ingvar Kamprad không chọn mua loại Ferarri, Porscher hay ít nhất cũng là chiếc Mercedes như các thương gia thành đạt khác. Ngược lại, người ta thấy ông vô cùng hài lòng với chiếc xe Volvo vào loại xoàng xĩnh. Ngoài ra, ông vẫn đi máy bay với loại vé phổ thông và thường mua hàng giảm giá. Thậm chí, Người dân làng Elmtary Agunnaryd, quê của Ingvar Kamprad vẫn luôn ấn tượng về việc mỗi lần ông về quê lại vào tiệm cắt tóc làng với giá 5 Euro như những người nông dân nghèo. Ông cho rằng như thế một mặt là tiết kiệm, mặt khác cũng tạo điều kiện để mình có dịp hòa chung với những người dân bình thường mà ông coi đó là thượng đế của mình.
Chiếc xe “xoàng xĩnh” của cha đẻ thương hiệu IKEA - Ingvar Kamprad
4. Chuck Feeney
Với phương châm “Sống để làm việc, chứ không phải để làm giàu”, “tỷ phú không tiền” của Mỹ- Chuck Feeney luôn là một trong những tấm gương sáng về lối sống giản dị và tiết kiệm. Sinh ra ở New Jersey trong một gia đình viên chức Ireland - Mỹ, Feeney là người đồng sáng lập ra chuỗi Cửa hàng mua sắm miễn thuế (DFS)- chuỗi cửa hàng bán lẻ miễn thuế lớn nhất thế giới.
Ông thích kiếm tiền nhưng lại không muốn sở hữu chúng, nên nhiều năm liền đã bí mật làm từ thiện phần lớn khối tài sản khổng lồ trị giá hàng tỷ USD. Trong khi đó, Chuck Feeney vẫn đeo đồng hồ giá 15 USD, đi máy bay vé hạng bét, cũng chẳng có nhà hay xe hơi riêng.
Tỷ phú “rỗng túi” Chuck Feeney
Trong suốt 30 năm qua, Feeney đã đi khắp thế giới để trao tặng số tài sản 7,5 tỉ USD. Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies do ông sáng lập đến nay đã rót 6,2 tỉ USD vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế, bảo vệ nhân quyền… tại Mỹ, Úc, Việt Nam, Nam Phi và Ireland. 1,3 tỉ USD còn lại sẽ được chi hết vào năm 2016 và Quỹ sẽ đóng cửa vào năm 2020.
Trong khi những đại gia lo tích góp tài sản thì ông lại cố gắng hết sức để cho mình… rỗng túi. Feeney bắt đầu sứ mệnh “làm rỗng túi” vào năm 1984 khi ông chuyển toàn bộ 38,75% cổ phần sở hữu trong Duty Free Shoppers cho Quỹ Atlantic Philanthropies. Quỹ này là nơi ông thực hiện ước mơ cả đời của mình: làm những điều có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống của người khác như mang lại hòa bình cho Bắc Ireland, hiện đại hóa hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam hay bơm 350 triệu USD để biến Roosevelt Island của New York trở thành một trung tâm công nghệ.
Một điều đặc biệt ở Feeney là ông cho đi một cách rất lặng lẽ. Trong 15 năm đầu tiên, Feeney luôn giấu tên. “Tôi đã phải thuyết phục ban ủy thác rằng tiền Feeney quyên tặng là trong sạch”, Frank Rhodes, nguyên Chủ tịch Đại học Cornell, nhớ lại.
Mãi cho đến năm 1997, những hoạt động từ thiện của Feeney mới bị “đưa ra ánh sáng” sau khi ông bán cổ phần trong Duty Free Shoppers cho hãng thời trang cao cấp của Pháp LVMH.
Hai người đàn ông giàu nhất thế giới, Bill Gates và Warren Buffett, đã gọi ông là nguồn cảm hứng cho cả Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation lẫn Quỹ Giving Pledge, nơi có tới hơn 90 người giàu nhất thế giới chịu tặng 50% tài sản của mình để làm từ thiện.
Để nói về những điều tâm huyết của mình, Feeney luôn tâm đắc câu tục ngữ của người Xentơ “Không có túi đựng tiền trong tấm vải liệm”.
5. Frederik Meijer
Người sáng lập chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn nhất vùng Trung Tây- Frederik Meijer mặc dù không sở hữu những khối tài sản khổng lồ như những vị tỷ phú ở trên nhưng ông vẫn được coi là tỷ phú bình dân và giản dị nhất thế giới.Với tổng tài sản ước tính khoảng hơn 5 tỷ đô la, Meijer vẫn đi 1 chiếc xe hơi bình thường cho đến khi nó không còn chạy được nữa. Khi đi du lịch hay đi công tác, ông luôn thuê những nhà nghỉ giá rẻ với dịch vụ đơn giản…
Và tỷ phú “bình dân” - Frederik Meijer
Với lối sống giản dị, bình dân, họ không chỉ là những người hùng trên thương trường mà còn là những “người hùng” trong cuộc sống. Họ đáng để cả thế giới khâm phục và ngưỡng mộ khi khẳng định chân lý “Chiếc áo không làm nên thầy tu”.