10 nhân vật tiêu biểu của năm 2011

27/12/2011 10:36 AM |

Năm 2011 thế giới có nhiều biến động, suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với sự nổi lên của các sự kiện gắn liền với nhiều nhân vật đình đám. Dưới đây là 10 nhân vật tiêu biểu nhất.

1. Người biểu tình

d
 

Là nhân vật của năm 2011 do Tạp chí Time của Mỹ bình chọn. Mặc dù không phải là một con người cụ thể nào, nhưng Time cho rằng, năm 2011, trên toàn cầu đã diễn ra làn sóng biểu tình chưa từng có, từ phong trào nổi dậy ở Trung Đông, Bắc Phi đến các cuộc biểu tình “Chiếm phố Wall” ở Mỹ, biểu tình ở Châu Âu. Làn sóng biểu tình này đã khẳng định tiếng nói của con người trên thế giới và định hình lại nền chính trị toàn cầu. “Họ đã hiện thực hoá suy nghĩ rằng hành động cá nhân có thể tạo ra thay đổi lớn” - Tổng Biên tập Time Rick Stengel nói.

2. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas

d
 

Nhà lãnh đạo Palestine năm qua đã kiên quyết thúc đẩy việc thành lập Nhà nước Palestine, sau nhiều năm đàm phán không thành với Israel. Tháng 9.2009, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), ông chính thức yêu cầu LHQ công nhận Nhà nước Palestine độc lập. Mặc dù ông được nhiều nước và tổ chức quốc tế ủng hộ, nhưng việc Mỹ phản đối khiến nỗ lực của ông thất bại. Song, khát vọng độc lập của người Palestine là điều không gì có thể dập tắt.

3. Thủ tướng Đức Angela Merkel

d
 

Bà được Tạp chí Forbes của Mỹ bầu chọn là người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh năm 2011. Trong những năm qua, nhiều tổ chức khác nhau đã chọn bà Merkel vào danh sách tương tự của họ. Nổi tiếng là người khôn ngoan, trong năm qua bà Merkel nổi bật với việc nỗ lực cứu đồng euro khỏi cuộc khủng hoảng nợ công và quyết tâm duy trì đoàn kết trong khối.

4. Người sáng lập Hãng Apple Steve Jobs

d
 

Tin Steve Jobs qua đời ngày 5.10 sau thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư làm buồn biết bao người hâm mộ các sản phẩm công nghệ cao mang logo trái táo cắn dở. Với triết lý “Một người thợ mộc giỏi sẽ không dùng gỗ xấu làm lưng tủ, cho dù sẽ không ai nhìn thấy”, các sản phẩm của Apple luôn đạt đến sự hoàn mỹ từ ngoài vào đến tận bên trong. Ông là nhà lãnh đạo tài ba của Apple với tầm nhìn chiến lược trời phú, một người đầy nhiệt huyết và đam mê sáng tạo.

5. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

d
 

Việc em gái xinh đẹp của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra lên nắm quyền đã gây nhiều tranh cãi sau thời gian dài khủng hoảng chính trị ở Thái Lan. Nguy cơ trở lại chính trường của ông Thaksin, năng lực điều hành của bà Yingluck khiến chính trường Thái vẫn chưa hết sóng gió. Tuy nhiên, những lời kêu gọi đoàn kết của bà Yingluck cũng như việc bà dẫn dắt Thái Lan qua vụ lũ lụt dường như đã đem lại kết quả nhất định, khi bà có được sự ủng hộ của quân đội.

6. Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi

d
 

Số phận của nhà lãnh đạo này đã kết thúc cực kỳ bi thảm sau 42 năm cầm quyền trên thực tế ở Lybia. Là người có phong cách quái dị, luôn đối đầu với phương Tây, những cố gắng vài năm qua của ông Gaddafi về cải thiện quan hệ với phương Tây đã không đem lại kết quả gì. Cuộc cách mạng ở Libya xuất phát từ sự phẫn nộ của người dân trong nước, nhưng cũng là lý do để phương Tây can thiệp và dẫn tới cái chết bi thảm của ông Gaddafi ngày 20.10.2011.

7. Trùm khủng bố Osama bin Laden

d
 

Cả nước Mỹ ăn mừng khi trùm khủng bố - kẻ được cho là thủ phạm các vụ tấn công 11.9.2011 vào nước Mỹ - bị tiêu diệt ngày 30.4.2011. Sau 10 năm săn lùng Bin Laden, một chiến dịch kéo dài chỉ 40 phút đã dập tắt nỗi ám ảnh suốt một thập kỷ qua của nước Mỹ. Nhưng người ta không chắc chắn liệu Mỹ và thế giới có an toàn hơn sau khi Bin Laden bị tiêu diệt.

8. Cựu Bộ trưởng Tái thiết Nhật Bản Ryu Matsumoto

d
 

“Nổi tiếng” là quan chức nắm quyền ngắn nhất, chỉ sau một tuần được bổ nhiệm vào việc phụ trách tái thiết Nhật Bản sau động đất và sóng thần, ngày 4.7, ông Matsumoto phải từ chức vì có những phát ngôn vô tâm, bất cẩn. Ông đe doạ rút lại viện trợ cho 2 tỉnh bị tàn phá, từ chối bắt tay chủ tịch tỉnh, mắng các quan chức địa phương. Đạo đức công vụ luôn luôn là điều mà công chúng trông chờ ở các quan chức.

9. Đại tướng Kim Jong-un

d
 

Nhân vật đang được cho là kế nhiệm quyền lãnh đạo ở Triều Tiên sau khi cha ông là Kim Jong-il qua đời. Rất ít thông tin về Đại tướng trẻ Kim Jong-un được hé lộ, trong đó thông tin đáng kể nhất có lẽ là việc ông đã học nhiều năm ở Thụy Sĩ. Sự bí hiểm xung quanh Kim Jong-un khiến các nước láng giềng của Triều Tiên và phương Tây băn khoăn về chính sách của Triều Tiên trong thời đại mới.

10. Cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Dominique Strauss-Kahn

d

Bê bối tình dục của ông làm báo chí tốn giấy mực suốt nhiều tháng. Sau cáo buộc ầm ĩ về việc ông tấn công cô hầu phòng người gốc Phi ở Mỹ, hàng loạt phụ nữ khác cũng lên tiếng tố cáo ông. Sau đó, công tố Mỹ thừa nhận họ không đủ bằng chứng, làm dấy lên câu hỏi âm mưu chính trị nào khiến quan chức tài chính quyền lực nhất thế giới mất ghế, mất luôn cả tham vọng tranh cử tổng thống Pháp. Dù sao, vấn đề đạo đức của ông Kahn vẫn còn nhiều dấu hỏi.

Theo Lao động

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM