Nhân loại không chỉ bị đe doạ bởi Covid: Vì đâu nước giàu buộc phải góp tối thiểu 100 tỷ USD/năm cho nước nghèo trong 4 năm sắp tới để cứu mạng tất cả chúng ta?

12/08/2021 16:51 PM | Xã hội

Khoảng 80% số tiền đóng góp của các nước giàu cho GCF là dưới dạng tín dụng thay vì quyên tặng như đã cam kết.

Mới đây, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng khủng hoảng toàn cầu khi trái đất nóng lên nhanh hơn dự tính và nhân loại chỉ còn 4 năm để cứu nguy hàng tỷ người có nguy cơ chịu ảnh hưởng vì thay đổi khí hậu.

Một trong những giải pháp được các chuyên gia khuyến cáo là các nước giàu phải thực hiện cam kết huy động ít nhất 100 tỷ USD/năm cho Quỹ khí hậu xanh (GCF) nhằm hỗ trợ các nước nghèo.

Giải mã Quỹ khí hậu xanh: Tại sao nước giàu phải góp ít nhất 100 tỷ USD/năm, hỗ trợ nước nghèo để cứu hàng tỷ người trong 4 năm nữa? - Ảnh 1.

Theo ước tính của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), con số này năm 2018 mới chỉ đạt 78,9 tỷ USD và không đủ chỉ tiêu đã cam kết để GCF tài trợ cho các chương trình phát triển xanh để bảo vệ môi trường ở những nước nghèo.

Tại sao nước giàu phải chi tiền?

Hiện nay, phần lớn các chuyên gia đều đồng ý rằng những nước giàu chịu trách nhiệm chính cho lượng khí thải nhà kính bị thải ra môi trường hiện nay. Hệ thống giao thông, đồ gia dụng hay nhiều công nghệ hiện đại được sử dụng rộng rãi ở nước giàu, những nhà máy công nghiệp hay lượng điện lớn tiêu thụ tại các quốc gia này được cho là nguyên nhân chính khiến khí hậu biến đổi.

Một số nghiên cứu của các tổ chức xã hội cho thấy Mỹ và Châu Âu chiếm ít nhất 54% trách nhiệm gây ra biến đổi khí hậu ở Nam Bán Cầu.

Hệ quả là nhiều nhà hoạt động xã hội đã kêu gọi các nước giàu phải có trách nhiệm bằng việc chi trả tiền cho những nước kém phát triển, giúp xây dựng một nền kinh tế xanh thân thiện môi trường cũng như giúp những người nghèo tránh được các tác động từ biến đổi khí hậu.

Lấy ví dụ tại Bangladesh, các nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu sẽ khiến 1 triệu người tại đây phải di cư, từ bỏ nhà cửa vào năm 2030 bất kể các hiệp định xanh về bảo vệ môi trường có được thực hiện ra sao.

Số liệu cho thấy lượng khí thải nhà kính bình quân đầu người của Bangladesh chỉ bằng 1/10 so với Anh và 1/30 so với Mỹ, Canada hay Australia.

Trước thực trạng trên, Hội nghị về chống biến đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức vào năm 2009 tại Copenhagen-Đan Mạch đã thành lập nên Quỹ khí hậu xanh với mục tiêu xây dựng, hỗ trợ các dự án thân thiện với môi trường ở các nước nghèo.

Kể từ khi được thành lập đến nay, GFC đã hợp tác với 84 tổ chức tài chính bao gồm cả ngân hàng thương mại lẫn tổ chức trực thuộc chính phủ để phát triển các dự án kinh tế, nghiên cứu nhằm bảo vệ môi trường.

Giải mã Quỹ khí hậu xanh: Tại sao nước giàu phải góp ít nhất 100 tỷ USD/năm, hỗ trợ nước nghèo để cứu hàng tỷ người trong 4 năm nữa? - Ảnh 2.

Quay trở lại câu chuyện của Bangladesh, GCF có thể đầu tư cho các dự án gìn giữ tài nguyên đất, nâng cao năng suất nông nghiệp, chống ngập lụt, hạn hán. Thậm chí GCF còn có thể tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, đào tạo nhân lực, cung cấp lương thực, nơi ở để trợ giúp người nghèo.

Dù đạt được nhiều thành tựu trong việc đầu tư kinh tế xanh cho các nước nghèo nhưng GCF cũng bị chỉ trích khi có cơ chế giám sát lỏng lẻo, dẫn đến việc đánh giá nhiều dự án không hiệu quả so với thực tế. Thậm chí một số trường hợp GCF còn bị dính vào các vụ lừa đảo, dự án ma để bòn rút tiền.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nước giàu từ chối đóng góp đủ số tiền mà họ đã cam kết cho GCF.

Thiếu hụt tài chính

Vốn được thành lập để "thu" tiền của nước giàu tài trợ cho các nước nghèo nhằm chống biến đổi khí hậu nhưng GCF không có tính ràng buộc mạnh, tất cả phụ thuộc vào sự cam kết của những nước phát triển.

Do đó, những nước giàu có sự thay đổi nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo như Mỹ thường có bất đồng quan điểm về GCF, kéo theo tình trạng đóng góp thiếu hụt so với cam kết.

Trong thời kỳ Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhà lãnh đạo này ủng hộ GCF và đã cam kết đóng góp 3 tỷ USD trong nhiệm kỳ của mình. Thế nhưng phải mãi đến 3 ngày cuối cùng tại nhiệm, ông Obama mới ký sắc lệnh chuyển 500 triệu USD đợt 2, qua đó đóng góp 1 tỷ USD cho GCF và vẫn thiếu 2 tỷ USD so với cam kết.

Người kế nhiệm là Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thì lại có quan điểm chống GCF, coi đây là trò lừa đảo để nước giàu trả tiền cho quốc gia kém phát triển. Thậm chí Mỹ đã rút khỏi hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu thời gian này.

Giải mã Quỹ khí hậu xanh: Tại sao nước giàu phải góp ít nhất 100 tỷ USD/năm, hỗ trợ nước nghèo để cứu hàng tỷ người trong 4 năm nữa? - Ảnh 3.

Cho đến thời điểm hiện tại, khoảng 80% số tiền đóng góp của các nước giàu cho GCF là dưới dạng tín dụng thay vì quyên tặng như đã cam kết. Chính điều này đã khiến các lãnh đạo của GCF hối thúc các nước giàu cần nghiêm túc hơn trong việc đóng góp chống biến đổi khí hậu khi tình hình hiện nay đã quá nguy cấp.

Trớ trêu thay, các nước giàu không đề ra một lộ trình đóng góp cụ thể mà thường kêu gọi cùng nhau hợp tác để trốn tránh trách nhiệm. Thậm chí các khái niệm về thế nào là nước giàu và chống biến đổi khí hậu ra sao cũng bị đưa ra soi mói, làm cái cớ để từ chối thực hiện cam kết.

"Chúng tôi có thừa dự án nhưng chẳng đủ tiền", Giám đốc điều hành Yannick Glemarec của GCF ngán ngẩm nói trong cuộc họp gần đây nhất.

Con số 100 tỷ nghe có vẻ nhiều nhưng theo IPCC, thế giới sẽ cần 1,6-3,8 nghìn tỷ để thay đổi nguồn năng lượng truyền thống sang loại thân thiện với môi trường hơn trong khoảng 2016-2030. Ủy ban thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu (GCA) thì cho biết thế giới sẽ phải tốn 180 tỷ USD/năm để thay đổi lối sống cho phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, tổ chức Climate Analytics thì ước tính toàn cầu sẽ mất khoảng 300 tỷ USD thiệt hại vì biến đổi khí hậu tính riêng ở Nam Bán Cầu vào năm 2030.

Bên cạnh đó, xin được nhắc là hàng năm những quốc gia giàu có bòn rút khoảng 40 tỷ USD từ những nước nghèo tại Châu Phi dưới dạng khai thác tài nguyên, thanh toán lãi vay. Đổi lại, những nước kém phát triển này chỉ nhận được các khoản tín dụng và phải vất vả trả nợ hàng năm.

Phải chăng các nước giàu đang nhầm lẫn về sự ưu tiên khi thiệt hại do biến đổi khí hậu lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền mà họ có thể đóng góp?

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM