Nhà sáng lập Samsung: Hành trình đi sau - về trước

23/11/2016 19:36 PM | Xã hội

Samsung, LG, Huyndai là những cái tên quen thuộc, gắn liền với đời sống thường nhật của không chỉ người dân Hàn Quốc hay châu Á, mà cả với người tiêu dùng toàn thế giới. Những chaebol Hàn Quốc này đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề và mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu. Và họ đang tiếp tục lớn mạnh.

Trong thế giới kinh doanh, sẽ không thể có những tập đoàn kinh tế hùng mạnh nếu thiếu những người khởi xướng, và quan trọng hơn, nếu họ không phải là những "bậc thầy kinh doanh". Với 3 tập đoàn kinh tế là niềm tự hào của người Hàn Quốc kể trên, họ là Chung Ju-yung - người sáng lập Tập đoàn Huyndai, Lee Byung-chul - người sáng lập Tập đoàn Samsung, Koo In-hwoi - người sáng lập Tập đoàn LG.

Không ai sinh ra đã mang sẵn định mệnh là một "bậc thầy kinh doanh". Để đạt được danh hiệu đỉnh cao của người làm kinh doanh ấy, như tất cả mọi người, họ cũng trải qua những chặng đường dài không chỉ gồ ghề mà còn đầy những chướng ngại vật "không thể vượt qua" theo cách nhìn nhận của đại đa số. Điều khác biệt là họ tìm được những bệ phóng mang tên "cơ hội". Cuốn sách Bộ ba xuất chúng Hàn Quốc (của tác giả Jung Hyuk June) là một cuộc khám phá bản chất của những cơ hội ấy, từ đó tìm ra câu trả lời cho câu hỏi về cách họ - những nhà sáng lập của Samsung, LG và Huyndai - đã nắm bắt và tạo ra cơ hội để vươn tới đỉnh cao.

Cuộc đời và sự nghiệp của ba nhân vật xuất chúng kể trên chứng minh một điều xuất thân hay số vốn khởi nghiệp không phải điều kiện cần để kinh doanh thành công. Chung Ju-yung là con trai một gia đình bần nông. Koo In-hwoi được sinh ra trong một gia đình nho gia thất thế. Còn Lee Byung-chul được cha cho một khoản tiền để kinh doanh nhưng số vốn quá ít ỏi để gây dựng cơ nghiệp ở chốn thị thành như Seoul và Busan.

Giáo sư Ahn Cheol-soo (Đại học Seoul) nói: "Trong lịch sử nhân loại luôn có những cơ hội lập nghiệp mới xuất hiện, người làm ăn đích thực là người có thể tìm thấy các cơ hội mà người khác không thấy để tạo ra những giá trị mới". Những bậc thầy kinh doanh đã nắm bắt được những cơ hội mà người khác không thấy để bền bỉ đương đầu đạt đến thành quả cuối cùng.

Khám phá hành trình nắm bắt cơ hội để trở thành một “bậc thầy kinh doanh” của doanh nhân Lee Byung-chul - người sáng lập Tập đoàn Samsung qua Bộ ba xuất chúng Hàn Quốc - Chân dung những nhà sáng lập Tập đoàn Samsung, LG và Hyundai do Alphabooks phát hành:

Lee Byung-chul là con út muộn trong một gia đình có hai con trai và hai con gái. Ông sinh năm 1910 tại thôn Junggyo, xã Jeonggok, huyện Yiryeong, tỉnh Gyeongnam. Gia đình ông thuộc hàng khá giả, trong nhiều đời, nhưng họ luôn giữ khoảng cách với chuyện chính sự, chỉ sống bình lặng tại quê nhà.

Thuở thiếu thời của Lee Byung-chul có thể được tóm gọn trong hai chữ “bỏ học”. Ông làm gì cũng bỏ cuộc giữa chừng.

Mùa thu năm 1937, sau khi mất sạch số tài sản kiếm được từ đầu cơ đất, Lee Byung-chul đi du lịch một chuyến dài hai tháng. Bắt đầu từ Busan, ông qua Seoul, đến Bình Nhưỡng, băng qua Sinuiju, Wonsan, Heungnam, đến Trường Xuân, Thẩm Dương ở Mãn Châu rồi sang tận Bắc Kinh, Thanh Đảo, Thượng Hải. Thời đó, giao thông không phát triển như bây giờ nên ông đi lại bằng tàu lửa là chính.

Chuyến du lịch này của ông vừa nhằm xoa dịu tinh thần, vừa để điều tra thị trường để bắt đầu một ngành kinh doanh mới. Trong thời gian này, Lee Byung-chul tập trung tìm hiểu giá cả hàng hóa và quá trình lưu thông phân phối. Ông nhận thấy ở Mãn Châu rất hiếm táo và đồ khô, hầu như không có tiệm nào chuyên nhập hàng của Hàn Quốc đem về Trung Quốc bán. Do đó, giá của táo và đồ khô ở đây đắt hơn rất nhiều so với ở Hàn Quốc.

Với những trải nghiệm có được qua hai tháng đi du lịch, Lee Byung-chul chuyển sang hoạt động trong ngành thương mại. Trở về nước, ông lập tức bắt tay vào điều tra cặn kẽ mặt hàng trái cây và hải sản khô để chuyển sang Trung Quốc bán. Ông tính đến cả rủi ro khi giá cả tăng đột biến do mất mùa và khả năng cung cấp đủ hàng đúng hẹn.

Điều Lee Byung-chul xem trọng nhất chính là mạng lưới giao thông. Mặc dù ở Trung Quốc có rất nhiều địa phương trồng táo nhưng người Mãn Châu hầu như không có cơ hội tiếp cận với mặt hàng này. Nguyên nhân chính là do mạng lưới đường sắt của Trung Quốc chưa thể hỗ trợ vận chuyển. Câu hỏi đặt ra là để chở táo và đồ khô bằng tàu hỏa đến Mãn Châu thì xuất phát từ đâu là tốt nhất? Đó chính là Deagu. Đây là điểm dừng lớn của tuyến Gyeongbu và cũng là một đầu mối giao thông quan trọng, nơi tập trung đặc sản của vùng Gyeongbuk.

Ngành thương mại là ngành đã tạo cơ hội cho Lee Byung-chul tích lũy vốn để bước vào sản xuất. Ngành này cũng góp phần quyết định vào việc bồi dưỡng ông thành một doanh nhân tiêu biểu của Đại Hàn Dân Quốc vào những năm 50, 60.

Ngày 1/3/1938, tấm biển “Samsung Thương hội” được treo trước tòa nhà gỗ bốn tầng với hai tầng hầm nằm ở số 61-1 phường Inguo, gần chợ Seomun, thành phố Deagu. Tổng số vốn của tiệm buôn là 30.000 won. Tập đoàn Samsung ngày nay có nguồn gốc từ Samsung Thương hội, có nghĩa là “Tam Tinh”. “Tam” là lớn, nhiều, mạnh - là con số yêu thích nhất của người Hàn Quốc. “Tinh” chỉ những vì sao sáng, cao và lấp lánh muôn đời.

Samsung Thương hội gom rau quả tươi ở gần Deagu và hải sản khô ở Pohang, sau đó đem đến Mãn Châu bán. Trong quá trình ấy, Lee Byung-chul lại thêm vào một mặt hàng mới là mì. Ông mua máy xay bột và máy ép mì để tự sản xuất. Đây chính là xuất phát điểm của Tập đoàn toàn cầu Samsung.

Lee Byung-chul tiến hành đồng thời hai lĩnh vực thương mại và chế biến mì sợi nhằm chia sẻ rủi ro. Ông đang làm theo phương pháp của James Tobin - người từng đoạt giải Nobel Kinh tế, rằng “không nên bỏ tất cả trứng vào một rổ”.

Sau những tháng ngày vất vả, cuối cùng, sau chưa đầy hai năm, số nợ 10.000 won vay để mua tòa nhà làm Samsung Thương hội cũng được trả hết. Sau khi gom góp được ít tiền từ kinh doanh tiệm buôn, Lee Byung-chul tiến vào ngành rượu, vì lúc này chính quyền đô hộ Nhật đang theo đuổi cuộc chiến tranh với Trung Quốc nên tăng cường nguồn thu thuế với các mặt hàng nhu yếu phẩm chính, chỉ có một mặt hàng không bị kiểm soát là rượu được sản xuất ở những cơ sở có giấy phép. Nhưng khi công việc kinh doanh vừa vào guống thì Lee Byung-chul lạc lối.

Lee Byung-chul sa vào con đường ăn chơi. Đêm nào ông cũng cùng các chủ cơ sở sản xuất rượu khác đến các tửu lầu đến sáng mới về. Không thể làm chủ được tiền bạc và thời gian. Rồi năm 1941 mẹ ông qua đời ở tuổi 70. Cú sốc khiến người con trai út như ông càng dựa vào rượu để giải khuây.

Hàn Quốc được giải phóng (ngày 15/8/1945) đã mang lại cho ông cơ hội nhìn lại bản thân cũng như cung cách làm ăn thiếu mục đích và sứ mệnh của mình.

Ông tự nhủ: “Ta có thể làm gì để cống hiến cho đất nước đã được giải phóng? Đúng vậy. Con đường phụng sự tổ quốc của ta chính là hiến thân cho kinh doanh”.

Lee Byung-chul trong mắt nhân viên là một người nghiêm khắc, một doanh nhân cầu toàn
Lee Byung-chul trong mắt nhân viên là một người nghiêm khắc, một doanh nhân cầu toàn

Công việc kinh doanh ở Deagu dần đi vào ổn định. Lee Byung-chul bắt đầu trăn trở không biết nên tiếp tục duy trì công việc ở Deagu hay nên mở rộng địa bàn lên Seoul. Nếu bỏ hết những thành tựu dày công gây dựng ở Deagu để đến Seoul làm lại từ đầu thì quá mạo hiểm. Tuy vậy, Lee Byung-chul lại nghĩ, nếu chỉ có được chút thành công đã thỏa mãn, không tiếp tục phấn đấu thì sau này làm sao làm được việc lớn. Thế là ông dẫn gia đình lên Seoul.

Ở Seoul, ông cũng không bắt tay vào kinh doanh ngay mà xem xét cặn kẽ tình hình trong và ngoài nước trước.

Tháng 11/1948, một năm sau khi đến Seoul, Lee Byung-chul thuê miếng đất rộng khoảng 330 mét vuông để dựng lên Công ty Samsung C&T (Construction & Trading) chuyên nhập khẩu đường, dược phẩm, phân bón và xuất khẩu mực, thạch rau câu, cặn dầu hạt bông sang Hồng Kông, Macao.

Khi mới mở công ty Samsung C&T, Lee Byung-chul cùng làm với một người đồng hương là Cho Hong-je. Ban đầu, ông giữ 75% cổ phần, còn lại 25% thuộc về 5 người trong đó có giám đốc điều hành Cho Hong-je và phó giám đốc kinh doanh Kim Seng-gi. Sau đó, ông tạo điều kiện để mọi nhân viên trong công ty đều có thể trở thành cổ đông. Lợi nhuận được chia theo tỷ lệ cổ phần. Đây chính là chế độ khuyến khích nhân viên công ty trở thành cổ đông, mục đích để gieo vào tư tưởng của nhân viên nhận thức của người làm chủ. Khi lợi nhuận được chia cho mình nhiều hơn, các nhân viên sẽ càng hăng hái hơn, càng vui vẻ làm việc giúp công ty phát triển hơn.

Tháng 3/1950, chỉ hơn một năm sau, Samsung C&T đã lãi đến 130 triệu won. Công ty làm ăn thuận lợi được một thời gian thì chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Toàn bộ hàng hóa đều bị đốt phá. Vậy là tài sản lại tiêu tán một lần nữa. Toàn bộ số tiền kiếm được tan biến - như một giấc mơ.

Sau khi Nam Hàn giành được Seoul, Lee Byung-chul chuyển xuống Daegu với hai bàn tay trắng. Khi gặp nhau, Lee Chang-eop, người chịu trách nhiệm công việc kinh doanh ở Daegu của Lee Byung-chul đã đưa cho ông số tiền 300 triệu won là khoản lợi nhuận kiếm được ở Deagu trong thời gian qua. Lee Byung-chul gây dựng lại sự nghiệp từ số tiền mà người đồng sự trung thành đã giữ cho ông.

Lee Byung-chul đến vùng tị nạn Busan, thành lập lại Công ty Samsung C&T, tiếp tục nhập đường và phân bón từ Hồng Kông về. Lợi nhuận ròng sau 6 tháng là 1 tỷ won, sau một năm là 6 tỷ won.

Mặc dù đã kiếm được bộn tiền, nhưng Lee Byung-chul vẫn trăn trở: “Tại sao chúng ta không thể tự sản xuất những thứ chúng ta dùng?”.

Sau khi phân tích tình hình, Lee Byung-chul quyết định ngừng kinh doanh thương mại để chuyển sang sản xuất, bất chấp sự e ngại của các chuyên gia và lãnh đạo các ban ngành, sự phản đối của ban giám đốc công ty…

“Nhiều trường hợp sẽ không thể có được kết luận cuối cùng nếu chỉ dựa vào những con số điều tra. Khi đó, trực giác của nhà lãnh đạo vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trực giác ấy phải được đặt trên nền tảng của kế hoạch chi tiết và kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống, dựa trên kết quả điều tra cụ thể. Ngoài trực giác nhạy bén, một doanh nhân còn cần có sự quyết đoán để biến trực giác thành hành động thực tiễn”.

Với tư duy ấy, Lee Byung-chul đã lần lượt thành công trong việc sản xuất đường, dệt len, vải - những mặt hàng mang nhãn “Made in Korea”. Lee Byung-chul trở thành người giàu nhất Hàn Quốc vào thập niên 1960, đóng góp cho ngân sách nhà nước 4% tổng số thuế trên cả nước.

Quy mô của Samsung ngày càng lớn khiến Lee Byung-chul gặp khó khăn trong việc trực tiếp quản lý các công ty thành viên. Phòng thư ký Samsung, nơi được mệnh danh là “Nhà Xanh của giới tài chính” đã ra đời nhằm mục đích điều tiết hoạt động của tập đoàn. Chức năng của Phòng thư ký ban đầu chỉ là về nhân sự, sau đó mở rộng sang kế hoạch, tài vụ, kiểm tra, tín dụng, quản trị kinh doanh, quảng bá. Lee Byung-chul theo dõi và kiểm soát toàn bộ tổ chức của mình thông qua Phòng thư ký. Ông không trực tiếp kiểm tra nhà máy, mà chỉ cần yêu cầu Phòng thư ký phân tích, chẩn đoán và kiểm tra.

Do sự cầu toàn của Lee Byung-chul, Phòng thư ký luôn phải cố gắng hết sức và luôn trong trạng thái căng thẳng để không phạm phải bất kỳ lỗi nào dù nhỏ nhất. Lớn lên cùng người cha không mấy tình cảm, Lee Byung-chul cũng mang phong cách của một doanh nhân lạnh lùng. Hình ảnh ông trong mắt nhân viên là một người nghiêm khắc, một doanh nhân cầu toàn.

Không hài lòng với những gì mình có, chính sự nỗ lực ấy của Chủ tịch Lee đã trở thành nguồn động lực tạo nên một doanh nghiệp lớn như Samsung ngày nay. Không phải lúc nào thử thách cũng mang đến thành công. 90% thử thách mới sẽ mang lại thất bại. Nhiều người sợ thất bại nên không dám thử. Tuy nhiên an phận với hiện tại chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại.

Trong hơn 7 năm tiếp theo, Lee Byung-chul và công việc kinh doanh của Samsung C&T đã gặp nhiều khúc quanh, bao gồm cả việc ông về “ở ẩn” (được cho là để thoát khỏi sự chỉ trích của dư luận và ngầm xin chính quyền nương tay với người con trai thứ đang bị giam giữ). Những điều ông nói khi chứng kiến tang lễ của Tổng thống Park Chung-hee có để xem là đủ kể câu chuyện này:

“Người nằm trong quan tài kia là người đã khiến Samsung của chúng ta nhiều lần điêu đứng! Tuy nhiên, nghĩ ở một góc độ khác, chính ông lại là người đã nuôi lớn chúng ta. Không phải ông lúc nào cũng luôn để mắt, giám sát chúng ta, bắt bẻ mỗi khi chúng ta sơ suất dù chỉ là một chút đó sao? Cũng chính nhờ vậy mà chúng ta mới luôn nỗ lực để không phạm bất cứ sai lầm nào dù là nhỏ nhất. Từ khi Tổng thống Park nắm quyền, công việc kinh doanh của công ty chúng ta trở nên minh bạch và bền vững, có được điều này cũng là nhờ chúng ta lúc nào cũng phải cẩn thận để không bị nắm thóp. Ở một phương diện nào đó, có thể nói rằng chính Tổng thống Park là người đã hiện đại hóa công ty chúng ta, biến nó trở thành một doanh nghiệp tiên tiến”.

Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới 1968 với chủ đề “Tiến bộ là sản phẩm quan trọng nhất”, Lee Byung-chul đã bày tỏ ý định quay trở lại thương trường. Ông nói: “Giữa thương trường khốc liệt như hiện nay thì đứng yên và bảo thủ cũng đồng nghĩa với đình trệ và suy thoái. Tư tưởng tiến bộ là sản phẩm quan trọng nhất của Mỹ có thể áp dụng được vào thực trạng các doanh nghiệp của nước ta. Theo đó, Tập đoàn Samsung sẽ cải tổ lại hệ thống, tạo nền tảng nội bộ vững chắc, tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo để dốc toàn lực vào việc tìm kiếm phương pháp quản lý vốn, phát triển ngành công nghiệp mới, qua đó bảo đảm cho sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp”. Và lĩnh vực mà ông quan tâm lúc đó là ngành điện tử.

Lee Maeng-hee - con trai cả của Lee Byung-chul giải thích vì sao ông chọn ngành này mà không phải là ô tô: “Lý do cha tôi chọn ngành điện tử là vì giá trị thặng dư của sản phẩm được quyết định bởi kích cỡ, mà theo quan điểm của cha tôi thì 1 gam hàng điện tử sẽ có giá trị thặng dư là 17 won, trong khi 1 gam xe ô tô chỉ có giá trị thặng dư chưa đầy 3 won. Tôi tin rằng việc cha tôi khăng khăng bắt đầu làm ngành điện tử trước có liên quan đến mối quan hệ khăng khít của ông với các nhà doanh nghiệp Nhật Bản, những người từng qua lại với ông trước đây. Tất cả bạn bè, chiến hữu của cha tôi đều là những doanh nhân trong ngành công nghiệp điện tử”.

Việc bắt đầu ngành công nghiệp điện tử cũng gặp vô số khó khăn từ chính quyền cho đến các doanh nghiệp cùng ngành. Nhưng cuối cùng Lee Byung-chul đã tìm được cơ hội cho riêng mình.

Tháng 1/1969, Lee Byung-chul lập ra Công ty Công nghiệp Điện tử Samsung - tiền thân của Công ty Điện tử Samsung sau này. Ông đã sang Nhật gặp Iue Toshio - Chủ tịch Sanyo. Về nước sau chuyến tham quan nhà máy của Sanyo, Lee Byung-chul lập tức triệu tập ban giám đốc rồi chỉ thị cấp dưới tìm cho ra một khu đất xây dựng nhà máy rộng từ 410 nghìn pyeong (khoảng 120.000 mét vuông - bằng với nhà máy của Sanyo) trở lên. Quan điểm của Lee Byung-chul là: “Bây giờ khu đất 410 nghìn pyeong ấy có thể là quá rộng, nhưng không bao lâu nữa chúng ta sẽ còn cần nhiều hơn thế”.

Tháng 12/1969, Công ty Điện tử Samsung - Sanyo được thành lập với số vốn điều lệ 50 triệu đô la, trong đó Samsung đóng góp 50%, Sanyo 40%, phần còn lại của Sumitomo.

Năm 1972, khi nhà máy sản xuất tivi vừa hoàn thành, Lee Byung-chul đã quyết định chấm dứt mối quan hệ liên doanh với Sanyo.

Dù “sinh sau đẻ muộn” trong giới điện tử, nhưng đến năm 1974, Samsung đã bỏ xa các đối thủ cạnh tranh để trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong nước sản xuất được tivi màu. Bước vào những năm 1980, Samsung bị Goldstar soán ngôi và phải chấp nhận vị trí thứ hai suốt nhiều năm trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng điện tử gia dụng như máy giặt, tivi v.v…

Tháng 3/1982, Lee Byung-chul bay sang Mỹ nhận bằng tiến sĩ danh dự ngành Quản trị kinh doanh do Đại học Boston trao tặng. Trong chuyến đi này, ông đã đến hai nơi: trụ sở Hewlett-Packard (HP) ở San Francisco và nhà máy chất bán dẫn của IBM. Vừa trở về nước, Lee Byung-chul lập tức chỉ thị cho nhân viên lập kế hoạch kinh doanh chất bán dẫn.

Ngày 8/2/1983, sau một đêm thức trắng, Lee Byung-chul đã quyết định dấn thân vào ngành công nghiệp bán dẫn. Lý do khiến ông đưa ra quyết định này là bởi giống như ngành điện tử, chất bán dẫn có giá trị thặng dư cao hơn sản phẩm của những ngành công nghiệp khác.

Tháng 11/1983, Lee Byung-chul tiếp Steve Jobs tại văn phòng của mình. Jobs muốn đề nghị Lee Byung-chul hợp tác với mình thay vì với IBM. Jobs bị cuốn hút trước hệ thống đại lý của Samsung, bởi chỉ cần chiếc máy tính Mac của ông lọt được vào hệ thống phân phối trải dài trên cả nước này, chiếc PC của Apple rất dễ đến tay khách hàng Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Lee Byung-chul dường như không chấp nhận lời đề nghị của Jobs. Lúc này, toàn bộ mối bận tâm của ông dồn cho việc sản xuất chất bán dẫn, và ông cũng không lường trước được ngành PC lại lớn mạnh như vậy trong tương lai.

Sau đó, Jobs đã không trở thành nhân vật đối đầu với IBM mà lại đối đầu với Công ty Điện tử Samsung của Lee Byung-chul. Chắc hẳn Lee Byung-chul cũng không phiền lòng vì dự đoán sai lầm của mình, bởi nó chứng tỏ Samsung đã trở thành doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế, ngang hàng với Apple.

Một doanh nhân nhạy bén luôn biết điều mà thời đại cần nhất là gì. Có một thời Lee Byung-chul từng bị chỉ trích là chỉ sản xuất hàng tiêu dùng. Lee Byung-chul nhắm đến nhu cầu lớn nhất của mọi người lúc bấy giờ, trong bối cảnh ngành công nghiệp nặng và hóa chất dễ bị suy thoái trước các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khi nhu cầu đột ngột giảm mạnh. Một ngành khác cho thấy rõ sự nhạy bén của ông là ngành công nghiệp chất bán dẫn. Lúc bấy giờ, thị trường chất bán dẫn đang do Mỹ và Nhật chia nhau nắm giữ, Hàn Quốc tham gia sau nên cơ hội thành công rất mong manh. Dù vậy, Lee Byung-chul vẫn theo đuổi ngành này, đó là vì ông đã thu thập và nắm bắt rất kỹ về tình hình biến động của thế giới. Nhờ sự lựa chọn ấy mà Hàn Quốc đã gặt hái được thành công bước đầu trên con đường trở thành một cường quốc công nghệ thông tin.

Trước khi làm bất cứ việc gì, Lee Byung-chul đều bắt đầu từ việc thu thập tài liệu và thông tin. Từ đâu mà Lee Byung-chul có tố chất ấy? Lee Byung-chul luôn phải cố gắng hết sức để không phạm phải bất cứ sai lầm nào, dù là nhỏ nhất, với mong muốn được người cha lãnh đạm của mình công nhận. Muốn vậy, ông buộc phải làm việc với sự chuẩn bị chu đáo, không được phép vội vàng.

Trong tự truyện của mình, Lee Byung-chul viết: “Cha tôi không cho phép tôi vội vàng khi làm bất cứ việc gì. Ông nói không được xử lý mọi việc một cách quá sức”. Khi còn nhỏ Lee Byung-chul liên tục chuyển trường mà vẫn không thể thích nghi được với môi trường mới, nhưng khi trưởng thành và đủ chín chắn, ông lại làm theo những gì cha mình đã dạy - Trước khi kinh doanh bất cứ lĩnh vực gì, ông đều lập kế hoạch tỉ mỉ và điều tra cặn kẽ.

Lee Byung-chul là người cầu tiến, luôn cố gắng vươn lên vị trí dẫn đầu. Tuy sinh sau đẻ muộn so với LG, nhưng Công ty Điện từ Samsung đã vươn lên vị trí số 1. Samsung cũng đi sau Mỹ và Nhật trong ngành công nghệ bán dẫn nhưng cuối cùng đã giành được vị trí dẫn đầu trong giới.

Tháng 5/1986, Lee Byung-chul phải đến bệnh viện khám và được xác định bị ung thư phổi. 5 giờ chiều ngày 19/11/1987, Lee Byung-chul từ trần, hưởng thọ 87 tuổi. Nơi yên nghỉ cuối cùng của ông là một nông trại ở Yongin. Việc này đã được ông căn dặn trước khi mất: “Bên kia có vẻ được, phía trước có nước chảy, ngọn núi phía sau trông cũng ấm cúng. Chỗ này thì chắc mùa hè sẽ rất mát mẻ, còn mùa đông lại vô cùng ấm áp”.

Theo KIM NGỌC

Cùng chuyên mục
XEM