Nhà nước chuẩn bị rút khỏi bia Sài Gòn và bia Hà Nội, bia ngoại sắp tràn ngập thị trường?
Việc cổ phần hoá Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Hà Nội (Habeco) lâu nay khiến nhiều nhà đầu tư sốt ruột, dòm ngó nay đã chính thức có câu trả lời.
Tại cuộc họp báo cuối tháng 8 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, lộ trình thoái vốn tại Habeco và Sabeco được xây dựng dựa trên quy mô vốn của mỗi doanh nghiệp. Với Habeco, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 82% vốn ngay trong năm 2016, tương đương bán 9.000 tỷ đồng.
Còn đối với Sabeco, quy mô lớn hơn nên sẽ chia làm 2 đợt. Trong đó, đợt 1 ngay trong năm nay, thoái 53,59% vốn, giá trị 24.500 tỷ đồng và đợt 2 bán nốt 36% còn lại, giá trị 16.000 tỷ đồng trong năm 2017, sau khi Sabeco đã lên sàn chứng khoán.
Thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư vui mừng bởi các nhà đầu tư đã chờ đợi điều này từ rất lâu. Sabeco đã được nhiều đại gia cả trong nước và nước ngoài nhòm ngó từ lâu, như Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Ánh Dương, Công ty Tập đoàn Đức Bình, Asahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan), SAB Miller (Mỹ).
Trong đó, ThaiBev hồi cuối năm 2014 đã từng ngỏ ý mua 53% cổ phần Sabeco với giá khoảng 2 tỷ USD. Lúc bấy giờ, Sabeco đang chiếm 46% thị phần bia trong nước, với 2 thương hiệu nổi tiếng 333 và Bia Sài Gòn.
Sau đó vài tháng, hãng bia Thái Lan này một lần nữa lên tiếng muốn mua 40% cổ phần Sabeco, với giá trị khoảng 1 tỷ USD, nhưng thương vụ không thành công do Sabeco cho rằng mức giá này còn thấp.
Bên cạnh ThaiBev, hãng bia Singha, thành viên Tập đoàn Boon Rawd Brewery của Thái Lan cũng từng đề nghị mua cổ phần của Sabeco nhưng cũng không được Sabeco chấp thuận. Điều này khiến Singha chuyển hướng sang các công ty con của Masan qua thương vụ trị giá 1,1 tỷ USD.
Không lớn mạnh như Sabeco, nhưng Bia Hà Nội (Habeco) cũng đang được săn đón. Hãng bia Carlsberg mới đây đã bán nhà máy bia tại Vũng Tàu cho Heineken, với mục đích "phát triển thị trường đã có nền móng cơ bản", tức phát triển dựa trên phần vốn đang sở hữu tại Habeco.
Theo CEO Carlsberg, ông Cee's Hart, suốt 8 năm qua, Carlsberg vẫn trung thành với mong muốn nâng cổ phần nắm giữ tại Habeco từ 17,34% lên 30%, nhất là vào thời điểm này, khi Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo bán vốn nhà nước.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital đánh giá, "Thị trường bia ở Việt Nam có sức hút rất lớn đối với những thương hiệu bia đến từ Nhật Bản hay Thái Lan".
Theo thống kê, lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam năm 2015 so với năm 2010 đã tăng 40%, đạt 3,88 tỷ lít bia và dự kiến tăng tiếp lên 4,04 tỷ lít trong năm nay.
Số liệu từ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, Sabeco là đơn vị dẫn đầu về sản lượng năm 2015, với 1,38 tỷ lít. Xếp sau là Heineken 729 triệu lít, Habeco 667,8 triệu lít và Carlsberg 229 triệu lít.
Tổng thị phần của 4 ông lớn nói trên chiếm 88,4% thị phần ngành bia. Chính vì vậy, việc sở hữu vốn tại Sabeco và Habeco chính là cách nhanh nhất gia tăng thị phần bia tại Việt Nam.