Nhà đầu tư “đứng ngồi không yên” khi bỏ tiền vào đất ven đô
Nhiều nhà đầu tư không chuyên đã lao vào các cơn "sốt đất", nhưng lại “đứng ngồi không yên” khi thị trường hạ nhiệt, chót dùng đòn bẩy tài chính quá lớn.
Nhà đầu tư mắc kẹt tại đất ven đô
Giai đoạn 2020 - 2021, thị trường bất động sản khắp nơi liên tục xảy ra tình trạng "sốt nóng", giá đất biến động mạnh theo chiều hướng đi lên. Theo đó, không ít nhà đầu tư tay ngang cũng kiếm bội tiền từ địa ốc, thậm chí chỉ cần xuống tiền trong thời gian ngắn đã lãi vài trăm triệu đồng, người có vốn lớn có thể lãi đến tiền tỷ.
Mặc dù, cơn "sốt đất" đã kéo trong thời gian dài nhưng nhiều người vì sợ mất cơ hội vẫn tiếp tục ôm tiền lao vào "đu đỉnh". Đến nay, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại ở nhiều địa phương, đặc biệt là phân khúc đất nền. Không ít nhà đầu tư "tay ngang" đang lo lắng vào nhà đất tại ven đô, khi mua vào đúng vùng đỉnh giá đất.
Anh Trần Văn Thiện, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội, chia sẻ, đầu năm 2021 thấy thị trường bất động sản "nóng", anh đã không ngần ngại vay tiền để mua một lô đất tại Đông Anh (Hà Nội).
"Từ năm 2021, thấy bạn bè tôi kéo nhau về Đông Anh mua đất, nghe nói thời điểm đó thị trường không có hàng để bán, cứ có lô nào là hết ngay lô đấy. Chỉ trong vài ngày tôi đã chốt mua lô đất rộng 90m2 với giá 45 triệu đồng/m2, tổng là hơn 4 tỷ đồng, trong đó, khoảng 2 tỷ đồng là tôi đi vay", anh Thiện nói.
Đến đầu năm nay, thấy môi giới tại khu vực này tiếp tục đồn thổi "sốt đất", vì cũng đang cần tiền nên anh tranh thủ ăn theo bán lô đất đang nắm giữ. Anh Hà kể, anh rao bán suốt 4 tháng mà chỉ có 2 người thiện chí đến tận nơi xem đất, còn lại thì chỉ hỏi để biết giá mà không có nhu cầu mua thực. Những người mua cho nhu cầu thật thì lại chê giá cao.
"Trước khi rao bán, tôi có tham khảo người môi giới bán mảnh đất này, họ định giá mảnh đất của tôi phải được gần 50 triệu đồng/m2, còn nói thêm nên giữ lại vì sẽ tăng giá tiếp. Nhưng rao bán mãi không thấy ai mua mà tôi đang cần tiền nếu bán thì phải chấp nhận cắt lỗ vì ai cũng chê giá cao. Còn giữ lại, tôi lo khi thị trường vẫn trầm lắng thế này giá có thể tiếp tục đi xuống, thậm chí chôn vốn", anh Thiện than thở.
Tình cảnh tương tự cũng đến với anh Nguyễn Tiến Anh (Thanh Xuân, Hà Nội). Anh Tiến Anh cho biết, cuối năm 2021, anh xuống tiền mua 2 mảnh đất 82m2 tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với mức giá gần 1,6 tỷ đồng, tương đương 19 triệu đồng/m2 và Thanh Oai (Hà Nội) với giá 3 tỷ đồng, diện tích 95m2, tương đương 31,5 triệu đồng/m2. Tổng 2 mảnh đất là 4,6 tỷ đồng.
"Trước đó, bạn bè tôi đã kiếm được rất nhiều tiền từ đất phân lô tại những khu vực này. Trong nhà đang có sẵn 2,5 tỷ đồng, khi đó mở kinh doanh gì cũng khó nên tôi quyết định xuống tiền mua đất, hy vọng sẽ lướt sóng kiếm lời thành công nên số còn lại tôi đi vay. Nhưng đến nay, lãi chưa thấy đâu nhưng thị trường chững tôi rao bán mấy tháng rồi chưa được", anh Tiến Anh nói.
Nhà đầu tư tay ngang này cho biết, tại khu vực ven đô hiện nay đã xuất hiện tình trạng cắt lỗ nếu muốn thoát hàng, mức độ lỗ sẽ tùy thuộc vào vị trí mảnh đất.
Nhà đầu tư cũng run tay
Không ít nhà đầu tư tay ngang thời gian qua tham gia thị trường bất động sản với hy vọng "lướt sóng" kiếm lời. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản đột ngột "quay xe" hạ nhiệt, nhiều người không thoát kịp hàng đã mắc kẹt lại.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng không khó để lý giải về tình trạng trên, vì thực tế không chỉ riêng huyện Đông Anh mà một số huyện ngoại thành của Hà Nội được quy hoạch thành quận thời gian qua cũng chứng kiến tình trạng "sốt đất" khi có thông tin quy hoạch hạ tầng.
Theo ông Đính, những đợt "sốt nóng" đã đẩy giá đất ở lên cao hơn rất nhiều giá trị thực và mặt bằng chung, nên thời điểm hiện tại nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào nữa. Người dân có nhu cầu để ở cũng không đủ khả năng mua, nên thị trường không có giao dịch.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, cho rằng, hiện tượng bán cắt lỗ, thoát hàng để thu hồi tiền mặt chỉ diễn ra một cách âm thầm, cục bộ ở một số khu vực, một số nhà đầu tư, chứ không phải là làn sóng bán tháo.
"Trong lúc này, nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ để cơ cấu lại tài sản. Nếu người bán giảm đến 10-15% so với thị trường thì nên mua ngay. Cơ hội lúc này dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, đầu tư dài hạn", ông Quang phân tích.