Nguyên Thứ trưởng Bộ xây Dựng Nguyễn Trần Nam: Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Tại hội thảo “Chiến lược gia tăng giá trị bất động sản” tổ chức sáng 12/12 tại Tp.HCM, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, bức tranh thị trường BĐS cả nước diễn biến ổn định, giá BĐS tại Hà Nội và Tp.HCM không tăng, giao dịch thành công đạt 12.720 sản phẩm. Người mua phần lớn từ nhu cầu ở thực, không có biểu hiện của thị trường ảo hay bong bóng BĐS.
Tuy vậy, hiện thị trường đang gặp một số khó khăn về nguồn vốn, thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến giao dịch chung của thị trường, cần được gỡ khó.
Khó khăn về nguồn vốn:
Theo ông Nam, tại Việt Nam các doanh nghiệp BĐS hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ người dân do thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển mạnh.
Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà ngân hàng nhà nước giao cho các ngân hàng chỉ là 14%, thấp hơn nhiều so với các năm trước là khoảng 17-18% và đến tháng 6/2018 nhiều ngân hàng đã dần chạm room tín dụng được cấp từ đầu năm.
Thông tư số 36 quy định giới hạn, tỉ lệ đảm bảo trong hoạt động của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã quy định tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại ngân hàng sẽ thực hiện giảm dần lộ trình, cụ thể từ 1/1/2019 tỉ lệ này giảm từ 45% xuống 40% đối với ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo Nguyên Thứ Trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam, trong ngắn hạn, thị trường BĐS cả nước còn một số khó khăn cần tháo gỡ
Ngoài ra, ngân hàng nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng và hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro như BĐS, chứng khoán, đồng thời nâng tỉ lệ rủi roc ho vay BĐS từ 150% lên 200%.
"Các động thái nêu trên khiến doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn để tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng", ông Nam khẳng định.
Theo ông Nam, để giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, khoảng 2 năm gần đây nhiều doanh nghiệp BĐS đã tìm đến các đối tác nước ngoài để cùng phát triển dự án. Trong đó, đối tác nước ngoài vừa góp vốn phát triển dự án, vừa cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi. Việc sang nhượng dự án cũng diễn ra nhiều hơn, là cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại.
Khó khăn về thủ tục hành chính
Ông Nam cho rằng, hiện nay Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tuy nhiên trong bối cảnh các cơ chế chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt là pháp luật liên quan đến BĐS như: đất đai, xây dựng, nhà ở…cùng với việc công tác thanh tra đang được triển khai gắt gao cũng giảm được nhiều hiện tượng vi phạm các quy định về quy hoạch, chiều cao, mật độ…. Nhưng về trung hạn sẽ làm giảm đáng kể số dự án và sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung.
Thực tế trong thời gian qua, theo ông Nam có nhiều dự án BĐS của các chủ đầu tư trong nước không được hoặc chậm phê duyệt, cấp phép do các cán bộ "vừa làm vừa ngeh ngóng" hoặc đùn đẩy lên cấp trên làm chậm thời gian triển khai ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Điều này dẫn đến việc các nhà phát triển dự án chạy về các tỉnh lẻ như Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Yên Bái…nơi có nhiều chính sách hấp dẫn nhà đầu tư hoặc nhiều chủ đầu tư "tay ngang" không đủ tiềm lực tài chính phải bán dự án.
Theo ông Nam, trong quý 4/2018, thị trường BĐS cả nước sẽ đón nhận nhiều lượng hàng hóa mới từ các dự án phát triển trên cả nước. Đặc biệt, lượng giao dịch dự báo sẽ tăng mạnh nhất năm, giá sản phẩm không biến động nhiều, dự báo tăng so với quý 3/2018 từ 0.5-1%.
"Nhìn chung, trong dài hạn, thị trường BĐS cả nước phát triển ổn định cả về nhu cầu thị trường, tâm lý mua nhà của người dân lẫn chính sách thanh toán của chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong ngắn hạn còn nhiều chính sách, cơ chế, thủ tục cần được tháo gỡ để thị trường phát triển thông thoáng hơn", Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.