Nguyên tắc sống từ hàng nghìn năm trước có thể giúp chúng ta hạnh phúc hơn

06/01/2017 08:04 AM | Sống

Được viết ở Trung Quốc khoảng năm 600 trước Công nguyên, Đạo Đức Kinh là một cuốn sách đưa ra nhiều ý niệm về vô tri cũng như những tri thức của con người cổ.

Vào đầu năm mới, rất nhiều người đặt ra các mục tiêu cho bản thân mình. Có người muốn giảm cân, có người muốn tìm được một nửa hoặc thành công trong sự nghiệp, v.v. Nhưng có một mục tiêu mà có lẽ bạn nên đặt ra cho mình, đó là học cách “không làm gì cả”. Và chính khái niệm “vô vi” của triết học Trung Hoa cổ đại sẽ giúp bạn làm điều đó.

Dưới đây là bài viết về đề tài này của tác giả Ephrat Livni – một cây bút đồng thời là luật sư. Bà đã từng làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, từng viết cho Jerusalem Report, ABC News, và FindLaw, từng dạy tiếng Anh ở Nhật Bản, làm việc cho tổ chức tình nguyện Peace Corps và Google.

Đạo Đức Kinh, được viết ở Trung Quốc khoảng năm 600 trước Công nguyên, là cuốn sách đầu tiên đưa ra những ý niệm về vô vi. “Vi vô vi, tắc vô bất trị” (Theo chính sách “vô vi” thì mọi việc đều thịnh trị). Có nghĩa là chúng ta không nên ép buộc hành động mà nên thoải mái hơn với việc “không làm gì”.

Đạo Đức Kinh khuyên người ta vô vi bằng cách quan sát thế giới tự nhiên. Bầu trời không phải lúc nào cũng có bão tố, chim không phải lúc nào cũng bay. Sự tĩnh tại bảo tồn và chuẩn bị cho hành động khi cần. Nhưng trong một xã hội trọng hành động, không làm gì nghe có vẻ ngớ ngẩn. Liệu có ai có thể kiếm được một đống tiền nhờ không làm gì?

Tôi đã từng có tư tưởng phản kháng với vô vi. Sự nhẫn nại, mặc dù là một đức tính tốt, lại không phải điểm mạnh của tôi.
Tôi đã từng có tư tưởng phản kháng với vô vi. Sự nhẫn nại, mặc dù là một đức tính tốt, lại không phải điểm mạnh của tôi.

Vào năm 2012, tôi đang là một luật sư rảnh rỗi ở Brooklyn, làm công việc tạm thời qua ngày và kiếm thêm nhờ vẽ tranh vào buổi tối. Tôi lo lắng về tương lai đến nỗi còn định đăng ký học thêm trường Y, nhưng lúc đó vẫn chưa trả xong món nợ ở trường Luật (ngoài ra tôi còn sợ nhìn thấy máu nữa).

Tôi đã đọc Đạo Đức Kinh từ năm 16 tuổi, nhưng phải đến 40 tuổi mới ngấm được ý nghĩa của cuốn sách. Nó nhắc nhở tôi rằng “không làm gì” có thể là một động thái mạnh mẽ khi có sự cân nhắc cẩn thận. Vô vi đòi hỏi sự dũng cảm và tin tưởng rằng sẽ có một nơi cho bạn trong vũ trụ rộng lớn và hỗn mang này. Vì thế tôi tập trung sức lực của mình và biết rằng mọi việc sẽ biến chuyển. Và khi điều đó diễn ra, nó diễn ra rất nhanh.

Hai vợ chồng tôi đều nhận được công việc tạm thời kéo dài 12 tuần trong đoàn kiểm duyệt tài liệu pháp lý của Google ở California vào tháng 7/2013. Chỉ trong 10 ngày, chúng tôi thu xếp đồ đạc và đến California.

Google là một môi trường làm việc tuyệt vời. Nhưng làm việc ở đó khiến tôi nghĩ ngợi nhiều về lằn ranh mỏng giữa những điều không tưởng và những điều thực sự tệ hại có thể xảy đến. Và điều đó thôi thúc tôi trở lại với nghề viết, một việc mà tôi đã làm trước đây. Nhưng tôi không biết quay lại bằng cách nào.

Vì thế, một lần nữa, tôi thử không cố gắng nữa. Tất nhiên tôi đã cố đạt được điều mình muốn, tôi viết điên cuồng. Nhưng nỗ lực này không kéo dài được lâu. Chẳng hạn, tháng 1 năm ngoái tôi thấy có một vị trí ở Quartz, nhưng tôi không ứng tuyển vì còn mối quan tâm khác. 6 tháng sau, lại có một vị trí khác. Lần này tôi ứng tuyển, và sau đó là biết bao nhiêu biến động.

Sự thật là tôi không được nhận vào để làm đúng công việc mà tôi ứng tuyển. Nhưng đúng là tôi đang viết cho Quartz. Có một chỗ dành cho tôi ở đó, và nó đang lớn dần.
Sự thật là tôi không được nhận vào để làm đúng công việc mà tôi ứng tuyển. Nhưng đúng là tôi đang viết cho Quartz. Có một chỗ dành cho tôi ở đó, và nó đang lớn dần.

Vô vi cho thấy khi chúng ta ngừng khuấy động, học cách chờ đợi và quan sát, chúng ta sẽ thấy được những xung lực bên ngoài rõ rệt hơn và đưa ra được những quyết định sáng suốt hơn. Nếu vội vã, mỗi bước đi của bạn sẽ chứa đầy rủi ro thất bại, vì lúc đó là cảm xúc và cái tôi quyết định hướng đi chứ không phải là những lý lẽ khôn ngoan.

Bây giờ tôi biết rằng mình có nguồn năng lượng vô hạn. Nhờ không làm gì, chúng ta bảo toàn được năng lượng đó và có thể sử dụng nó đúng thời điểm. Vô vi không phải là từ bỏ hay lười biếng, mà là sự bảo toàn – một kỹ năng cực kỳ quan trọng trong mọi lĩnh vực.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM