Người Việt đặt online 10 sản phẩm nhưng thực mua chỉ 1, cả nhà bán lẻ và ship hàng đều méo mặt!

29/11/2016 11:04 AM | Kinh doanh

Hơn 96% đơn hàng mua sắm online chọn giải pháp thanh toán COD – thanh toán khi nhận hàng. Phương thức này đang khiến cả nhà bán lẻ và nhà chuyển phát méo mặt khi có khách hàng đặt mua online 10 sản phẩm, nhưng chỉ nhận và thanh toán 1.

Đặt một bình giữ nhiệt Elmich trên Lazada, nhưng sau đó 2 ngày, chị Bảo tìm thấy một sản phẩm tương tự với mức giá tốt hơn trên một trang thương mại điện tử khác.

Ngay lập tức, chị hủy đơn hàng trên Lazada, dù đơn hàng đã được Lazada chuyển sang bộ phận vận chuyển.

Với giao dịch bị hủy trên, chị Bảo rõ ràng không mất bất cứ một chi phí gì. Nhưng về phía Lazada, đơn vị này đã mất 2 lần phí, nếu tính riêng hoạt động vận chuyển, là phí chuyển đi và phí chuyển hoàn.

Đây là một trong những vấn đề cực thiệt của các đơn vị tham gia sân chơi thương mại điện tử khi phương thức thanh toán khi mua sắm online tại Việt Nam lại là COD – Cash on Delivery (Thanh toán khi nhận hàng), chứ không phải thanh toán trực tuyến.

“Một thị trường thương mại điện tử phát triển thì tỷ lệ thanh toán online phải cao”, ông Lê Đức Anh – Trưởng Phòng Phát triển dịch vụ trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công thương cho biết.

Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán online tại sự kiện Online Friday 2015 – Ngày mua sắm trực tuyến – chỉ có 4%. Trong đó có tới 96% đơn hàng chọn giải pháp thanh toán COD. Tỷ lệ này trong ngày thường thậm chí còn thấp hơn.

Ông Đức Anh cho biết, tỷ lệ này đang đặt ra nhiều vấn đề với cả phía nhà bán lẻ lẫn nhà chuyển phát.

Với nhà bán lẻ, phương thức thanh toán COD khiến họ càng bán càng lỗ.

“Có khách hàng đặt 10 sản phẩm nhưng trả lại tới 9, chỉ lấy 1. Nhưng chi phí chuyển phát của cả 9 sản phẩm bị trả lại thì doanh nghiệp bán hàng phải chịu cho cả phí chuyển đi lẫn phí chuyển hoàn”, ông Đức Anh nói.

Về phía doanh nghiệp chuyển phát, họ cũng không hề thích phương thức COD. Với việc thanh toán online, khách hàng đã thanh toán, người chuyển phát sẽ giao hàng rất nhanh, thậm chí có thể gửi hàng qua hàng xóm, đồng nghiệp khi khách hàng không có mặt tại điểm nhận hàng (nếu khách hàng đồng thuận).

Nhưng với COD, người chuyển phát phải hẹn đi, hẹn lại, thậm chí vòng đi, vòng lại, cho đến khi gặp được khách hàng để nhận được tiền thanh toán cho sản phẩm thì thôi.

Một tín hiệu vui, theo Bộ Công thương, năm nay có 15/18 ngân hàng đăng ký tham gia sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm – Online Friday.

Khi các ngân hàng vào cuộc, với nguồn lực rất lớn, họ có khả năng thúc đẩy thị trường thanh toán trực tuyến lên, qua đó thúc đẩy thị trường thương mại điện tử phát triển, Bộ Công thương nhìn nhận.

Online Friday được tổ chức lần đầu vào năm 2014, năm nay sẽ rơi vào ngày Thứ Sáu, 2/12, tới đây. 2 điểm nổi bật của Online Friday năm nay là loại bỏ được các khuyến mãi ảo và cung cấp các sản phẩm giảm giá thực sự tốt – một vấn đề dẫn đến câu chuyện chưa thành công lắm của Online Friday 2 mùa trước.

Ban tổ chức cho biết, tính đến thời điểm này, Online Friday đã loại bỏ 60.000 khuyến mãi ảo bằng các công cụ Websosanh, Topgia, Icheck. Bên cạnh đó, với sự tham gia của 4 bên: Doanh nghiệp bán lẻ - Doanh nghiệp chuyển phát – Ngân hàng – Nhà sản xuất, các sản phẩm được đưa ra năm nay sẽ có những deal thực sự shock.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM