Người Sài Gòn có thể an tâm ăn rau hữu cơ xịn chuẩn Nhật Bản được trồng bởi những người nông dân Bến Tre
"Thu nhập của gia đình tôi tăng gấp đôi gấp ba kể từ ngày trồng rau hữu cơ, nhưng cũng cực lắm vì quy trình nghiêm ngặt", ông Thống, người nông dân Bến Tre trong dự án phi lợi nhuận của Nhật cho biết.
Chúng tôi đến Bến Tre vào một ngày trời sầm sì nhưng may mắn không gặp cảnh mưa như trút như mấy ngày trước. Vài tuần nay, giá rau ở TP HCM tăng gấp 2-3 lần do mưa lớn và kéo dài.
Con đường vào nhà ông Thống, một hộ nông dân đang tham gia dự án rau hữu cơ thuộc dự án Seed to Table, ở xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre lầy lội sau mưa. Ông dẫn chúng tôi tới vườn hữu cơ mà gia đình ông là một trong 4 hộ đang trồng trong khuôn khổ Seed to Table. Đây là dự án phi lợi nhuận của Nhật Bản để phát triển nông nghiệp hữu cơ và hỗ trợ phát triển cộng đồng tại Việt Nam.
Khu vườn này trồng rau cải, rau muống, tía tô... theo phương pháp hữu với những quy định nghiêm ngặt của dự án. Trong bối cảnh niềm tin về thực phẩm sạch đang bị lung lay thì làm sao để người ta tin rằng, đó là rau sạch, rau hữu cơ và làm sao để nông dân có thể tham gia dự án. Chúng tôi đã mang băn khoăn đó hỏi ông Thống cùng các hộ nông dân khác và bà Chiến cán bộ xã Lộc Thuận khi tham dự một cuộc họp của nông dân vào ngày 1/11 ở Bến Tre.
Ông Thống tại vườn rau hữu cơ tại gia đình ở xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Làm thế nào để được công nhận là hộ trồng rau hữu cơ trong khuôn khổ dự án?
Theo chia sẻ của bà Chiến, để hộ nông dân được chấp nhận thuộc hệ thống dự án Seed to Table, họ phải trải qua 6 tháng chuyển đổi, kể từ ngày người của ban dự án kết hợp với Hội khuyến nông, đến kiểm tra điều kiện đất, nước, lao động... của hộ gia đình đó.
Trong 6 tháng chuyển đổi, nếu hộ gia đình, với sự kiểm tra chéo của bà Mayu Ino, trưởng ban dự án, hội khuyến nông và cả của các hộ nông dân khác mà đạt yêu cầu thì hộ nông dân đó mới được cấp chứng nhận. Việc kiểm tra hoàn toàn bất ngờ, không có sự báo trước nào cả.
Vì sao lại gọi là rau hữu cơ?
Theo chia sẻ của ông Thống và bà Loan, từ khâu chọn giống đến khi rau đến tay người tiêu dùng đều hoàn toàn sạch và không dùng phân hóa học.
- Giống có thể mua ở nguồn địa phương nhưng phải có hóa đơn và được ngâm, rửa nước nhiều lần.
- Phân phải là phân hữu cơ, được ủ từ rau, cỏ, phân bò và qua hai tháng mới sử dụng được.
Ông Thống dẫn chúng tôi tới nơi ủ phân và chia sẻ rằng loại phân này phải 2 tháng ủ mới có thể sử dụng được. Khi đó phân sẽ xốp, tơi.
- Việc kiểm tra hoàn toàn không được báo trước. Các thành viên của dự án, khách hàng, hội khuyến nông có thể kiểm ra bất kỳ khi nào. Nếu có dấu hiệu làm sai dự án thì rau sẽ không được phân phối trên hệ thống nữa. Nông dân phải ghi chép lịch trình cụ thể, ngày xuống giống, ngày thu hoạch. Rau trong hệ thống chậm phát triển hơn so với phương pháp khác. Ví dụ: rau muống phải 23 ngày mới cho thu hoạch. Cải bẹ xanh gieo từ ngày 3/11, dự kiến 26/11 mới có thể hái được.... Rau thường có màu xanh hơi ngả vàng, không phải xanh đậm.
Dự án hỗ trợ gì?
- Dự án hỗ trợ nông dân về kiến thức trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn mà dự án đề ra. Những kiến thức này, người của dự án đã kết hợp với Hội khuyến nông để đưa ra nội dung thống nhất.
- Hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm đạt chuẩn của hệ thống. Rau đạt chuẩn của dự án đã được bán trong phiên Chợ xanh tử tế tại TP HCM và bán tại các triển lãm. Sắp tới sản phẩm của nông dân được bán tại Hội chợ hàng Công nghiệp nông thôn tỉnh Bến Tre từ ngày 17/11 đến 23/11.
- Hỗ trợ lưới che nắng, che mưa, bể chứa nước cho nông dân.
Nông dân có phải đóng góp gì không và được gì từ dự án?
- Các hộ nông dân trong dự án ở Lộc Thuận cho hay, mỗi tháng họ đóng khoảng 40.000 đồng kinh phí họp, giấy tờ.... Kể từ ngày tham gia dự án, thu nhập của ông Thống, bà Bích, bà Loan đã tăng đáng kể.
"Thu nhập của gia đình tôi đã tăng gấp đôi, gấp ba kể từ ngày trồng rau hữu cơ, nhưng cũng cực lắm vì quy trình kiểm tra nghiêm ngặt. Hồi đầu hơn 10 hộ nhưng giờ chỉ còn 4 hộ tham gia. Nhiều gia đình nản vì quy trình kiểm tra nghiêm ngặt và thời gian đầu, đầu ra rất khó khăn. Bán rau ở chợ ít người mua vì rau xấu, giá cao hơn. Nản quá nên nhiều người bỏ. Giờ nhiều người xin trở lại nhưng không được", ông Thống cho biết.
Ông Thống (giữa) tại Phiên chợ xanh tử tế ở TP HCM. Ảnh: Seed to Table
"Rau của dự án như phụ nữ 35, trong khi rau ngoài chợ như gái 18, hỏi sao bán ở đó không ế", bà Chiến vừa cười vừa nói với tôi.
Trong buổi họp các hộ trồng rau hữu cơ tại Lộc Thuận, một thành viên trong hội cho biết đã bán được 32,5 kg rau, củ, quả trong tháng 10. Ba hộ còn lại bán được ít hơn.
Giá bán rau tại Phiên chợ xanh tử tế là 50.000 đồng/kg. Giá ở Bến Tre và các công ty thu mua rẻ hơn vì không mất công và thời gian vận chuyển. Do mưa kéo dài nên hiện cung không đủ cầu.