Người Mỹ nô nức đi tiệc tùng, lễ hội trở lại, 'ngại' đi làm vì tiền cứu trợ quá nhiều

09/06/2021 09:20 AM | Xã hội

Nhiều công ty Mỹ thưởng tiền cho người đến phỏng vấn xin việc mà chẳng ai thèm quan tâm.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo tờ The Guardian, người dân Mỹ đã được trở lại các hoạt động xã hội nơi đông người sau 15 tháng giãn cách chống đại dịch. Tốc độ tiêm chủng nhanh đã góp phần khiến người dân đang có nhiều tiền cứu trợ và mong muốn giải trí được thỏa mãn với nhiều lễ hội tổ chức.

Thống kê cho thấy 63% số người dân Mỹ đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và rất nhiều hoạt động đã trở lại bình thường, từ khách sạn, bảo tàng cho đến những bữa tiệc đông đúc.

Hiện tượng hồi phục nhanh chóng này được các chuyên gia ví như hồi thập niên 1920 khi dịch cúm Tây Ban Nha chấm dứt và mọi người bắt đầu đổ ra đường. Tuy nhiên việc hồi phục nhanh chóng này cũng đi kèm những hệ luỵ.

Hết phòng kín chỗ

Tại Tennessee, vé cho các buổi lễ hội âm nhạc như Bonnaroo, Electric Daisy hay Rolling Loud đã bán hết trong thời gian kỷ lục. Trong khi đó vé cho lễ hội Astroworld tại Houston cũng được tiêu thụ sạch sẽ chỉ trong 30 phút.

Người Mỹ nô nức đi tiệc tùng, lễ hội trở lại, ngại đi làm vì tiền cứu trợ quá nhiều - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

"Người dân đã trở lại và các lễ hội đang bán vé nhanh hơn bao giờ hết. Chúng tôi đang chứng kiến nhu cầu cao hơn bao giờ hết trong lịch sử", CEO Michael Rapino của hãng bán vé Live Nation thừa nhận.

Không riêng gì những lễ hội âm nhạc hay các sự kiện, kể cả những khu vực nghệ thuật như bảo tàng Metropolitan Museum of Art tại New York cũng có số du khách tăng 100% trong tuần qua. Ngay cả những buổi diễn hài kịch tại Comedy Cellar cũng phải tăng thêm 6 suất trình diễn nữa sau khi số vé của 5 buổi trước đó bị bán hết sạch.

Tình hình này đang diễn ra trên khắp nước Mỹ, ngay cả những khu vực cách xa thành thị như công viên giải trí Busch Gardens tại Virginia cũng cho biết họ bán nhiều vé hơn cả cùng kỳ năm trước dù nơi đây chưa dỡ bỏ lệnh giãn cách hoàn toàn. Người Mỹ cũng đổ dồn về vùng bờ biển Maine để vui chơi bất chấp giá cả nhiều mặt hàng tại đây tăng mạnh do cung không đủ cầu.

Tất nhiên, khách sạn là ngành không thể không nhắc tới. Số khách đặt phòng qua các trang AirBnB hay Vrbo đã tăng mạnh nhất trong 1 năm qua. Thậm chí trang Vrbo cho biết du khách năm nay đặt phòng dài kỳ hơn các năm trước và khiến nhiều người phải thất vọng vì không kịp lấy phòng. Tình hình cũng tương tự với những xe lữ hành và hãng cho thuê ô tô.

Thiếu lao động

Sự bùng nổ trở lại của thị trường tiêu dùng và du lịch cũng đem lại nhiều hệ luỵ. Đầu tiên là giá sản phẩm nhiều mặt hàng tăng chóng mặt do cung không đủ cầu. Từ những thứ như gỗ xây nhà, thịt gà cho đến nhiều vật dụng khác đều tăng giá, qua đó đẩy tỷ lệ lạm phát tăng cao.

Chỉ số tiêu dùng cá nhân tại Mỹ đã tăng 3,1% trong tháng 4/2021 so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của hãng tin CBS cho thấy nhu cầu thuê xe tăng cao đã khiến giá thuê đắt hơn 30% so với thông thường. Tại những khu vực có nhiều địa điểm du lịch đông người như Hawaii hay Florida, mức giá có khi tăng lên đến 50%.

Tương tự, giá vé hàng không cũng bật tăng mạnh trở lại sau khi nhu cầu đi lại của người Mỹ hồi phục.

Người Mỹ nô nức đi tiệc tùng, lễ hội trở lại, ngại đi làm vì tiền cứu trợ quá nhiều - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và nhà hàng cũng gặp phải tình cảnh thiếu lao động do người Mỹ chưa muốn vùi đầu vào công việc sau hơn 1 năm phải ngồi nhà. Trên các bản tin tuyển dụng, số lượng doanh nghiệp có nhu cầu tuyển người đã tăng mạnh, một điều hoàn toàn trái ngược với thời kỳ khủng hoảng 2008 lúc các công ty sa thải nhân viên hàng loạt.

Thậm chí một số công ty đã phải thực hiện nhiều chiêu trò để thu hút người lao động. Tháng trước, Uber đã tuyên bố trả 1.000 USD tiền thưởng cho những tài xế mới ký hợp đồng với hãng. Nguyên do là doanh nghiệp này đang thiếu tài xế trầm trọng trước nhu cầu tăng cao còn cung thì hạn chế.

Không riêng gì Uber, Amazon cũng đã tuyên bố thưởng 1.000 USD cho nhân viên mới ở một số bang với mục tiêu thuê thêm 75.000 lao động trong năm nay. Chuỗi đồ ăn nhanh McDonald’s tại một số nơi như Tampa, Florida cũng thưởng 50 USD cho bất kỳ ai chấp nhận đến phỏng vấn xin việc, thế nhưng kết quả lại chẳng như mong đợi vì không mấy ai hứng thú.

"Rất nhiều người tiêu dùng rảnh hiện nay với túi tiền cứu trợ rủng rỉnh sau nhiều tháng ngồi nhà. Giờ đây họ được ra ngoài và chỉ muốn mua sắm. Thế là những doanh nghiệp như chúng tôi phải khốn khổ kiếm người", giám đốc Blake Casper của Caspers Company, một trong những hãng sở hữu nhiều chi nhánh thuộc chuỗi McDonald’s nhất thế giới than phiền.

Báo cáo của Phòng thương mại Mỹ (USCC) với số liệu mới nhất vào tháng 3/2021 cho thấy nước này có tới 8,1 triệu tin tuyển dụng, mức cao kỷ lục trong lịch sử.

Các chuyên gia hiện đang khá lo lắng bởi thiếu hụt nguồn lao động có thể kìm hãm đà tăng trưởng. Khoảng hơn 83% số công ty tại Mỹ cho biết họ đang khó kiếm nhân lực hơn so với cách đây 5 năm.

Ngành du lịch và giải trí vốn chịu tổn thương nặng vì giãn cách mùa dịch Covid-19 hiện lại đang khó hồi phục nhất bởi thiếu lao động. Giám đốc chính sách Neal Bradley của USCC cho biết rất nhiều nhà hàng trên nước Mỹ đã phải ngừng cung cấp dịch vụ hoặc đóng cửa vài ngày do thiếu nhân viên bất chấp nhu cầu tăng cao.

Người Mỹ nô nức đi tiệc tùng, lễ hội trở lại, ngại đi làm vì tiền cứu trợ quá nhiều - Ảnh 3.

Nhiều chi nhánh McDonald's phải tung chiêu trò để tuyển nhân viên hậu dịch Covid-19

Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu lao động này ngoài việc người dân chưa muốn trở lại làm ngay sau chuỗi ngày dài ở nhà thì còn có nhiều lý do khác. Lượng lớn lao động nhập cư chưa được cấp visa do tình hình dịch bệnh, nhiều người không thể đi làm do vướng con cái khi trường học chưa mở trở lại đều góp phần tạo nên tình trạng trên. Đặc biệt, giám đốc Bradley cho rằng số tiền trợ cấp dồi dào từ chính phủ khiến người dân rủng rỉnh tiền và chưa cần phải đi làm lại ngay.

Ngoài ra, chuyên gia đứng đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Mỹ là bác sĩ Anthony Fauci cũng cảnh báo còn quá sớm để Mỹ tuyên bố chiến thắng. Với hơn 1/3 dân số chưa hề tiêm chủng, việc mở cửa tụ tập đông người trở lại là vô cùng nguy hiểm.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt mục tiêu tiêm chủng ít nhất 1 mũi cho 70% dân số vào trước ngày lễ quốc khánh 4/7/2021 nhằm mở cửa trở lại các hoạt động lễ hội, bắn pháo hoa và tiệc tùng.

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM