Người đầu tiên nhiễm cúm và COVID cùng lúc: Liệu 2 virus này có khắc chế nhau?

05/01/2022 16:00 PM | Xã hội

Mùa đông năm nay, khi tâm lý phòng ngừa dịch bệnh được nới lỏng nhờ vắc-xin COVID-19, dịch cúm mùa lại đang gia tăng trở lại.

Một phụ nữ mang thai ở Israel mới đây đã được xác nhận là người đầu tiên trên thế giới nhiễm cả virus COVID-19 và virus cúm. Ca bệnh được gọi là "flurona", ghép từ "flu" (bệnh cúm) và "corona" (virus SARS-CoV-2).

Mùa đông năm ngoái, nhiều quốc gia có cúm mùa đã chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ khi virus SARS-CoV-2 gia tăng nhưng số ca mắc cúm mùa lại xuống mức thấp nhất lịch sử. Nguyên nhân là do các biện pháp phòng ngừa COVID-19 như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay vô tình cũng có tác dụng với virus cúm.

Nhưng sang tới mùa đông năm nay, khi tâm lý phòng ngừa dịch bệnh được nới lỏng nhờ vắc-xin COVID-19, dịch cúm mùa lại gia tăng trở lại. Các chuyên gia dịch tễ vì vậy đã cảnh báo về sự xuất hiện của các bệnh nhân flurona, những người nhiễm cả cúm và COVID-19 cùng lúc.

 Người đầu tiên nhiễm cúm và COVID cùng lúc: Liệu 2 virus này có khắc chế nhau?  - Ảnh 1.

"Tôi rất lo về nguy cơ đó, bởi năm ngoái dường như chúng ta đã không có mùa cúm. Năm nay thì bệnh cúm đang lưu hành trở lại", bác sĩ Thomas Russo, một giáo sư đồng thời là trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Buffalo cho biết.

Và điều gì đến cũng phải đến, mới đây một ca bệnh flurona đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Beilinson thuộc thành phố Petah Tikva, Israel xác nhận. Đó là một sản phụ chưa được tiêm phòng có khả năng đã nhiễm biến thể Omicron cùng lúc với bệnh cúm.

Sẽ ra sao nếu bạn nhiễm cả virus cúm và SARS-CoV-2 cùng lúc?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), cả cúm mùa và COVID-19 đều lây lan phổ biến qua các giọt bắn nhỏ thoát ra từ đường hô hấp của người mang bệnh. Ai cũng có nguy cơ mắc cả hai bệnh này một lúc khi họ tiếp xúc với những người phát tán ra virus.

Bác sĩ Russo cho biết bạn có thể gặp một người bị cúm, lây bệnh từ họ rồi lại gặp một người mắc COVID và tiếp tục bị lây nhiễm hoặc ngược lại. Không có chuyện bạn đã nhiễm một virus rồi thì không mắc virus tiếp theo nữa, bởi hai chủng virus này không hề cạnh tranh nhau.

"Chúng sử dụng những thụ thể khác nhau để lây nhiễm vào cơ thể bạn [virus cúm nhiễm vào tế bào qua thụ thể glycolipid còn SARS-CoV-2 sử dụng thụ thể ACE2]. Do đó, bạn có thể mắc cả cúm và COVID-19 cùng lúc – khi đó thì bạn sẽ bị flurona", bác sĩ Russo giải thích.

"Hai virus này, virus nào cũng có thể gây chết người. Vì vậy khi chúng kết hợp với nhau sẽ khá tệ". Ông cho biết đa số các triệu chứng cúm và COVID thường trùng lặp với nhau, nên người bị flurona không nhất thiết phải phát sinh các triệu chứng mới.

 Người đầu tiên nhiễm cúm và COVID cùng lúc: Liệu 2 virus này có khắc chế nhau?  - Ảnh 2.

Virus cúm và SARS-CoV-2 sử dụng các thụ thể khác nhau để lây nhiễm tế bào.

Theo CDC, đây là các triệu chứng phổ biến của những người mắc COVID-19 khi nhiễm biến thể Omicron:

- Sốt hoặc ớn lạnh

- Ho Khó thở

- Mệt mỏi

- Đau nhức cơ hoặc toàn cơ thể

- Đau đầu

- Mất vị giác hoặc khứu giác

- Viêm họng

- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi

- Buồn nôn hoặc nôn mửa

- Tiêu chảy

Đối với phần bệnh cúm của flurona, CDC cho biết bạn có thể có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

- Sốt hoặc cảm thấy phát sốt

- Ho

- Viêm họng

- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi

- Đau nhức cơ hoặc toàn cơ thể

- Nhức đầu

- Mệt mỏi

- Nôn mửa và tiêu chảy (phổ biến hơn ở trẻ em)

 Người đầu tiên nhiễm cúm và COVID cùng lúc: Liệu 2 virus này có khắc chế nhau?  - Ảnh 3.

Cúm và COVID chia sẻ nhiều triệu chứng giống nhau, chỉ có xét nghiệm mới phân biệt được bạn đang nhiễm virus nào hoặc cả hai.

Trong trường hợp sản phụ Israel nhiễm flurona, triệu chứng nặng nhất mà cô thấy là khó thở, tất cả các triệu chứng còn lại thì khá nhẹ. Tuy nhiên, đây là một trường hợp mới, các chuyên gia vẫn đang nỗ lực để xác định xem liệu sự kết hợp của cả 2 loại virus có thể gây ra một loại bệnh nghiêm trọng hơn hay không.

Cảnh giác với dịch bệnh kép

Giáo sư Arnon Vizhnitser đến từ Bệnh viện Beilinson - nơi người phụ nữ Israel nhập viện cho biết trường hợp flurona này chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm virus cúm.

"Năm ngoái, chúng tôi không chứng kiến các trường hợp nhiễm cúm ở phụ nữ mang thai hoặc sinh con. Nhưng năm nay chúng tôi bắt đầu thấy những ca nhiễm cả virus corona và cúm lộ diện", giáo sư Vizhnitser nói.

"Bản thân bệnh cúm chắc chắn đã là một thách thức lớn đối với một phụ nữ bị sốt khi sinh con. Đặc biệt là khi bạn không biết đó là virus corona hay virus cúm".

Chỉ mới tuần trước, một sản phụ 31 tuổi ở Israel đã tử vong sau khi mắc cúm. Người phụ nữ này đang mang thai ở tháng thứ 9 và bị ốm cách đó 2 tuần. Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt thai cho cô ấy. Đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, nhưng sau ca phẫu thuật, sản phụ đã qua đời vì biến chứng hô hấp dù đã được đặt máy thở.

Bệnh cúm cũng tấn công trẻ em, tháng trước, một bé trai 6 tuổi ở Israel cũng đã chết trong khi ngủ vì bị sốt. Các chuyên gia y tế cho rằng cậu bé này đã bị viêm cơ tim, một biến chứng thường thấy mà virus cúm gây ra.

 Người đầu tiên nhiễm cúm và COVID cùng lúc: Liệu 2 virus này có khắc chế nhau?  - Ảnh 4.

Đối với những người nhiễm flurona, hiện không có bất kể một phương pháp điều trị đặc hiệu nào dành cho nó. Tiến sĩ Russo cho biết phác đồ là trị từng bệnh riêng lẻ. Bạn sẽ được uống oseltamivir (Tamiflu) trong vòng 48 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng cúm.

Và sau đó đến thuốc kháng virus COVID-19 của Pfizer hoặc molnupiravir của Merck nếu bạn đủ điều kiện dùng chúng. Nhưng các bác sĩ cũng có thể quyết định cho bệnh nhân flurona sử dụng phương pháp điều trị COVID khác ví dụ như kháng thể đơn dòng hoặc remdesivir, tùy tình trạng bệnh và điều kiện của cơ sở y tế.

Các chuyên gia y tế cho biết phương pháp phòng ngừa flurona tốt nhất vẫn là tiêm vắc-xin COVID-19 và vắc-xin cúm, đặc biệt là ở những vùng khí hậu lạnh hơn, nơi sự lây lan của bệnh cúm diễn ra mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc và khi tiếp xúc giữ khoảng cách xã hội với người khác vẫn sẽ có tác dụng phòng ngừa với cả COVID-19 lẫn virus cúm mùa.

Theo Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM