Người đàn ông bị rắn hổ mang cắn đang được lọc máu liên tục, chưa thể nói trước điều gì

24/08/2020 15:37 PM | Xã hội

Người đàn ông bị rắn hổ mang cắn đang được lọc máu liên tục, chưa thể nói trước điều gì

Báo Tuổi trẻ trưa nay thông tin, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Sang (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) cho biết, bệnh nhân P.V.T. (quê ở Tây Ninh) bị rắn hổ mang cắn được lọc máu chậm liên tục (CRRT), thở máy và duy trì an thần, tình trạng huyết độc ổn định, men tim đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, vết thương quanh vết cắn vẫn hoại tử nhiều.

Bác sĩ Sang nói trên Zing.vn: "Tình hình của bệnh nhân vẫn còn nặng và cần chờ thêm vài ngày tới để theo dõi diễn biến. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã chỉ đạo vận dụng hết mọi phương tiện tiên tiến nhất để cứu chữa cho bệnh nhân".

Theo TS.BS chuyên khoa II Phan Thị Xuân (Trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ với PV Tuổi trẻ, hôm nay bệnh nhân T. đã khá hơn, vẫn thở máy, nhưng trao đổi ô-xy ở phổi cải thiện, không cần sử dụng vận mạch, tình trạng nhiễm độc giảm.

Bác sĩ Xuân chia sẻ trên báo Dân trí, tại vị trí rắn cắn trên đùi bệnh nhân bị sưng nề và hoại tử mô không lan thêm, tổn thương thận cấp đang được lọc máu liên tục. Vị này cho hay chưa thể nói trước được điều gì trong việc điều trị cho anh T. trong thời gian tới.

Cũng theo ghi nhận của Dân trí, các bác sĩ nhận định, trọng lượng con rắn hổ mang cắn anh T. lên tới 4,5kg nên lượng nọc độc phóng thích vào cơ thể người bệnh rất lớn. Lúc mới nhập viện, anh P.V.T. đã bị liệt cơ hô hấp. Việc điều trị bằng huyết thanh đặc hiệu kháng nọc độc rắn hổ chúa bước đầu có đáp ứng, tuy nhiên không thể ngăn chặn, đẩy lùi hoàn toàn nọc độc trong cơ thể.

 Người đàn ông bị rắn hổ mang cắn đang được lọc máu liên tục, chưa thể nói trước điều gì - Ảnh 1.

Bệnh nhân T. đang được các bác sĩ tích cực điều trị. Ảnh: Người lao động

Chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (28 tuổi, ngụ tại Dương Minh Châu, Tây Ninh - vợ bệnh nhân T.) trước đó kể trên Tuổi trẻ, chồng chị liều bắt con rắn đó là để lấy tiền đóng học phí cho con. Cách đây không lâu, anh T. bị tông xe máy gãy chân, vết thương giờ chưa lành nên chưa đi làm lại được. Chồng chị cũng nóng ruột vì không đi làm.

Hai vợ chồng chị có 2 con, đứa lớn sắp vào lớp 4 mà chưa có tiền đóng học phí nên anh T. rất lo lắng.

"Bác sĩ nói cơ quan nội tạng của chồng tôi bị nhiễm độc hết rồi, thận, gan bị ảnh hưởng. Ảnh đang hôn mê, phải thở máy. Lúc chuyển ảnh đi, người ảnh đã sưng phù hết rồi. Tôi không biết chữ, phải chờ người nhà viết giấy cam kết, làm thủ tục để lọc máu", chị Tuổi chia sẻ với báo Tuổi trẻ hôm 21/8.

Theo ghi nhận của báo Pháp luật TP.HCM, khi được cho vào thăm chồng ít phút trưa 21/8, chị Tuổi cảm thấy mừng khi bác sĩ nói tình hình chân của chồng chị còn giữ lại được, đỡ hơn nhiều và chưa cần phải tháo.

Chị kể với nguồn trên, khi gặp vợ, anh T. hỏi han đủ thứ chuyện, rồi hỏi việc nhà, khi tình trạng bệnh chuyển biến xấu, anh cũng sợ sẽ không qua khỏi.

"Anh ấy nói là hôm qua tưởng chết rồi, cái chân nhức dữ lắm. Sau khi nghe tôi kể trường hợp của anh được nhiều người quan tâm, chia sẻ, anh rất cảm động và gửi lời cảm ơn rất nhiều", báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời chị Tuổi.

Theo Thanh niên online, tính đến ngày 23/8, cô gái Nguyễn Đỗ Trúc Phương (26 tuổi, TP.HCM) đã quyên góp được cho anh T. 184,424 triệu đồng. Phương trích 100 triệu đồng trong số đó đóng viện phí cho anh T. Số còn lại, Phương sẽ đến ngân hàng để sao kê chuyển khoản tất cả tiền cho vợ anh T và mở sổ tiết kiệm cho 2 con anh chị đi học sau này.

 Người đàn ông bị rắn hổ mang cắn đang được lọc máu liên tục, chưa thể nói trước điều gì - Ảnh 2.

Ảnh: báo Tây Ninh

Ông Mang Văn Thới, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh chia sẻ trên báo Tây Ninh, qua hình ảnh bước đầu của con rắn cắn anh T., có thể xác định đây là loài rắn hổ mang chúa. Đây là một trong những loài rắn hoang dã có nọc độc nguy hiểm bậc nhất trong các loài rắn, cũng là loài động vật đang được các cấp, các ngành tăng cường bảo vệ.

Theo ông Thới, UBND tỉnh Tây Ninh đã có Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 14/8/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

Theo đó, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã đã dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khoẻ con người,… cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm.

UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, đề nghị các ngành liên quan, chính quyền địa phương, Ban quản lý các khu rừng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân gần rừng không săn bắn, bẫy bắt, nuôi, nhốt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật rừng.

(Tổng hợp)

PV

Cùng chuyên mục
XEM