Trung Quốc tiến nhanh trong xếp hạng sáng tạo
Việt Nam đứng ở vị trí 59 của xếp hạng về năng lực sáng tạo toàn cầu, sau Thái Lan 7 bậc...
Các nền kinh tế châu Âu tiếp tục thống lĩnh danh sách những quốc gia có độ sáng tạo cao nhất thế giới, nhưng Trung Quốc đang có những bước tiến nhanh chóng trong xếp hạng này.
Hãng tin CNBC dẫn một nghiên cứu do Đại học Cornell của Mỹ phối hợp với trường kinh doanh Insead và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) thực hiện cho biết Thụy Sỹ giữ vững vị trí là nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới.
Hai vị trí tiếp theo trong xếp hạng thường niên mang tên Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Index - GII) này thuộc về Thụy Điển và Anh.
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng ở vị trí thứ 4, trước Phần Lan ở vị trí thứ 5 và Singapore ở vị trí thứ 6.
Trung Quốc trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình đầu tiên lọt vào top 25 của GII, một xếp hạng vốn được thống trị bởi các nền kinh tế phát triển.
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản xếp thứ 16, thấp hơn 5 bậc so với Hàn Quốc và 2 bậc so với Hồng Kông.
GII đánh giá mức độ sáng tạo của các nền kinh tế dựa trên những yếu tố như cơ sở hạ tầng, thị trường, mức độ phát triển kinh doanh, sản lượng sáng tạo, và nghiên cứu. Trong top 10 của xếp hạng, Singapore là đại diện duy nhất của châu Á.
Việt Nam đứng ở vị trí 59 của xếp hạng, sau Thái Lan 7 bậc. Malaysia xếp thứ 35. Philippines đứng ở vị trí thứ 74, Indonesia đứng thứ 88, Campuchia xếp 95.
Theo báo cáo, thúc đẩy sáng tạo là một vấn đề lớn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và năng suất lao động chững lại. Thực tế hiện nay đồng nghĩa với việc các quốc gia cần ưu tiên tìm ra những động lực tăng trưởng mới.
“Đầu tư vào sáng tạo giữ vai trò sống còn trong việc nâng mức tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”, ông Francis Gurry, Tổng giám đốc WIPO, phát biểu. “Trong môi trường kinh tế hiện nay, việc tìm ra những nguồn lực tăng trưởng mới và thúc đẩy những cơ hội thông qua sáng tạo toàn cầu cần là ưu tiên của tất cả mọi quốc gia”.
Báo cáo chỉ ra rằng sự sáng tạo toàn cầu đang tăng lên nhờ dòng chảy mạnh hơn của tri thức và nhân tài giữa các quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch lớn về năng lực sáng tạo giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Báo cáo cho biết, trước năm 2009, chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tăng với tốc độ khoảng 7% mỗi năm. Nhưng đến năm 2014, chi R&D toàn cầu chỉ tăng 4% mỗi năm do các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc, giảm tốc đầu tư, trong khi các nước thu nhập cao thắt chặt chi tiêu.
Báo cáo GII xếp hạng 128 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm 92,8% dân số và 97,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.