Ngòi bút của tân Tổng thống Donald Trump mạnh đến đâu?

06/02/2017 08:47 AM | Xã hội

Theo luật pháp Mỹ quy định, chỉ có Quốc hội được ban hành luật. Thuộc nhánh hành pháp, Tổng thống chỉ có trách nhiệm đốc thúc, chỉ đạo để luật lệ được thi hành, có hiệu lực. Nhưng phạm vi rộng giúp nhánh hành pháp có thể chọn làm rất nhiều thứ mà luật không miêu tả.

Ngay sau khi nhậm chức, Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không phí phạm thời gian và bắt tay ngay vào việc thực hiện những lời hứa trong suốt quá trình tranh cử. Chỉ trong tuần đầu tiên ở Nhà Trắng, ông đã ký nhiều văn bản hành pháp chỉ đạo nhiều vấn đề: ngừng tuyển thêm công chức liên bang, rút Mỹ khỏi TPP, cắt nguồn viện trợ cho các khu vực bảo vệ người nhập cư không có giấy tờ, phá hủy Obamacare, khôi phục đạo luật ngừng cấp tài chính cho các tổ chức phi chính phủ cung cấp thông tin về nạo phá thai, tái khởi động hai dự án đường ống dẫn dầu gây tranh cãi, xây tường ngăn biên giới phía Nam, cấm nhập cảnh đối với người tị nạn Syria và các công dân của 7 nước Hồi giáo, nới lỏng các luật lệ ràng buộc giới kinh doanh.

Những động thái này gây nên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ phía đảng Dân chủ trong khi nhận được sự im lặng có chủ ý từ hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa. Vậy thì các sắc lệnh hành pháp (excutive order) là gì và có phải chúng có quyền lực vô biên hay không?

Trước tiên cần hiểu về cơ cấu của chính quyền Mỹ. Chính quyền Mỹ được thành lập dựa trên Hiến pháp (Constitution) phân chia quyền lực thành ba ngành với các trách nhiệm khác nhau. Mỗi ngành có thể sử dụng quyền hạn của mình để kiểm tra quyền hạn của hai ngành còn lại nhằm duy trì quyền lực giữa ba ngành, và họ phải hợp tác với nhau để lãnh đạo đất nước.

Ba ngành đó là: ngành Lập pháp (Legislative Branch), ngành Hành pháp (Executive Branch) và ngành Tư pháp (Judicial Branch). Cơ quan lập pháp là Quốc hội gồm Thượng viện (Senate) và Hạ viện (House of Representatives). Ngành Hành pháp gồm Tổng Thống (President), Phó Tổng thống (Vice president), Nội các và các Bộ ngành (gồm 15 bộ). Còn lại, ngành Tư pháp là Tòa án tối cao.

Theo luật pháp Mỹ quy định, chỉ có Quốc hội được ban hành luật. Thuộc nhánh hành pháp, Tổng thống chỉ có trách nhiệm đốc thúc, chỉ đạo để luật lệ được thi hành, có hiệu lực. Điều II của Hiến pháp Mỹ quy định các Tổng thống “nên thận trọng rằng luật lệ được thi hành một cách trung thực, chính xác” và họ đã thề sẽ làm như vậy trong lời thề khi nhậm chức.

Nhưng như John Locke đã chỉ ra trong cuốn “Second Treatise of Government” (tạm dịch: Hai luận thuyết của Chính phủ”, những khoảng cách và sự mập mờ chính là những đặc tính của hệ thống luật thành văn (written law). Ông viết rằng phạm vi rộng giúp nhánh hành pháp có thể chọn làm rất nhiều thứ mà luật không miêu tả.

Ví dụ, ngày 25/1, khi chỉ thị dựng lên một bức tường ngăn cách biên giới Mỹ - Mexico, ông Trump tuyên bố mình đang hành động theo đạo luật Di trú và Quốc tịch (Immigration and Nationality Act) cùng với 2 đạo luật khác, bởi đây là động thái được thiết kế để bảo vệ “sự an toàn và tính toàn vẹn lãnh thổ” của nước Mỹ đồng thời để “đảm bảo rằng luật di trú của Mỹ được thi hành một cách trung thực, chính xác”.

Khi sắc lệnh của Tổng thống vượt qua phạm vi hoạch định chính sách và vi phạm luật, các vụ kiện sẽ nổ ra. Ví dụ, quyết định bảo vệ bố mẹ của các công dân Mỹ khỏi việc bị trục xuất của cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2014 đã bị thẩm phán của bang Texas (tức thuộc cơ quan tư pháp) chặn lại trước khi có hiệu lực.

Các quan chức của cơ quan lập pháp cũng có thể phản đối mệnh lệnh của Tổng thống. Để bày tỏ thái độ phản đối trước tin đồn ông Trump có thể ra lệnh khôi phục việc sử dụng các biện pháp tra tấn như một kỹ thuật thẩm vấn những kẻ bị tình nghi là khủng bố, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain nói rằng ông Trump “có thể ký bất kỳ sắc lệnh nào ông ấy muốn. Nhưng luật là luật. Chúng ta sẽ không đem các biện pháp tra tấn quay trở lại nước Mỹ”.

Các nhà lập pháp khác cũng sẽ để mắt tới ngòi bút của tân Tổng thống. Trong phiên chất vấn Jeff Sessions, người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Tư pháp, Ben Sasse – một thượng nghị sĩ Cộng hòa đến từ Nebraska – đã bày tỏ thái độ khinh miệt đối với việc lạm dụng đặc quyền của ông Obama. Ông cảnh báo rằng mình cũng sẽ không chấp nhận nếu Trump là một vị Tổng thống hống hách: Tổng thống thứ 44 “đã thổi bùng lên … phân cực chính trị”, “bằng cách nói rằng theo luật ông ấy không có thẩm quyền làm một số thứ và sau đó lại tự tiện làm”. “Đó là một cuộc khủng hoảng, khi những đứa trẻ không hiểu được sự khác nhau giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp”, ông tiếp tục nói với ông Sessions.

Trong lịch sử, một số Tổng thống Mỹ đã lưỡng lự không muốn sử dụng ngay lập tức quyền hành pháp của mình. Ông Obama ký ít sắc lệnh nhất, trung bình chỉ 35 sắc lệnh mỗi năm so với con số 307 của Franklin Delano Roosevelt hay 36 và 46 lần lượt của George W.Bush và Bill Clinton.

Tuy nhiên ông cũng ban hành 17 sắc lệnh trong tháng đầu tiên làm Tổng thống. Và không phải tất cả đều hiệu quả: Obama quyết định đóng cửa nhà tù Guantanamo ngay khi vừa nhậm chức năm 2009 nhưng cho đến khi ông rời Nhà Trắng ở đây vẫn còn 41 tù nhân.

Các mệnh lệnh hành pháp của ông Trump có thể rơi vào cảnh tương tự, và sắc lệnh nhập cư đã bị tòa án bác bỏ. Bên cạnh đó sắc lệnh liên quan đến các khu vực bảo vệ người nhập cư có thể vi phạm Tu chính án thứ 10 đối với Hiến pháp Hoa Kỳ (về giới hạn quyền lực của chính phủ liên bang) và sắc lệnh liên quan đến nạo phá thai có thể vi phạm Tu chính án thứ nhất (về bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do họp hội và kiến nghị của công dân Mỹ).

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM