Nghiên cứu mới: Chủng virus corona mới giống virus gây SARS tới 79,5%, ta có thể ứng dụng những phương pháp chữa bệnh cũ
Li Shi, tác giả chính của một trong hai bài nghiên cứu mới đã quan sát tổng cộng 7 mẫu virus, và thấy rằng cả SARS và chủng virus corona mới có thể bám vào các thụ quan ACE2 nằm sâu trong phổi của con người. Đó có thể là lý do khiến người mắc 2019-nCoV đều có triệu chứng giống viêm phổi.
Virus chủng corona đang lây lan sang nhiều tỉnh thành Trung Quốc và nhiều nước trên khắp thế giới có những điểm tương đồng đáng chú ý với virus SARS-CoV (cũng thuộc chủng corona) đã từng gây đại dịch trước đây: mã gen của chúng giống nhau tới 80% và chúng đều có nguồn gốc từ dơi.
Khoa học khẳng định được hai điều trên là nhờ kết quả của hai nghiên cứu mới vừa được đăng tải trên tạp chí Nature; đây là nỗ lực phân tích bộ gen của 2019-nCoV để tìm ra phương cách chống trả hữu hiệu nhất, khi mà nó đã lây lan tới 20.000 người và đã hơn 300 người tử vong trước con virus quái ác.
“Về cơ bản, chúng là một phiên bản SARS dễ lây lan hơn nhưng gây ra ít tổn thương hơn”, Ian Janes, nhà virus học đang công tác tại Đại học Reading tại Anh, người không trực tiếp tham gia nghiên cứu, nói trong thông cáo báo chí liên quan tới hai nghiên cứu trên. Những điểm tương đồng giữa hai con virus sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu bàn đạp để phát triển phương thức chữa bệnh.
“Điều này cho thấy các phương pháp chữa trị và vaccine đặc hiệu dành cho SARS có thể hữu dụng trong chữa trị người nhiễm virus Vũ Hán”, nhà virus học Ian Janes nói thêm.
Điểm đáng chú ý: Đây chỉ là một phiên bản khác của SARS
Nhiều chủng virus corona có nguồn gốc từ động vật. Trong trường hợp của SARS, dơi là vật chủ mang bệnh rồi mới truyền sang nhiều loài động vật khác thông qua phân hay dãi dơi, rồi từ đó mới lây sang người.
“2019-nCoV là virus từ dơi, và SARS-CoV, thứ đã từng gây đại dịch hồi năm 2002 và 2003, là họ hàng gần nhất với chủng virus mới được phát hiện trên người”, nhà nghiên cứu Jones nói. Từ giữa tháng Mười một năm 2002 cho tới tháng Bảy năm 2003, SARS đã giết chết 774 người, lây lan sang 8.098 người trên 29 nước.
Để xác định được nguồn gốc của chủng virus corona mới, các nhà khoa học phân tích mã gien hoàn chỉnh của chúng, có được từ mẫu virus lấy trên người bệnh trong giai đoạn đầu lây nhiễm - khi virus bắt đầu lây lan từ Vũ Hán sang các tỉnh lân cận.
Trong nghiên cứu đầu tiên, nhóm các nhà khoa học tới từ Viện Virus học Vũ Hán quan sát mẫu virus lấy từ 7 bệnh nhân mắc chứng suy hô hấp cấp. Trong số đó, 6 người bệnh từng làm việc tại một khu chợ thủy hải sản và thú rừng ở Vũ Hán - nơi được cho là điểm xuất phát dịch. Khoảng 70% mầm bệnh lấy trên các bệnh nhân đều giống nhau, và mã gen của virus chủng corona mới giống SARS tới 79,5%.
Khi đem 2019-nCoV ra so sánh với các chủng virus corona khác có trên dơi Trung Quốc, họ thấy rằng mã gien của chúng giống nhau tới 96%.
Trong nghiên cứu thứ hai được thực hiện bởi các nhà khoa học tới từ Đại học Phục Đán, Thượng Hải và Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Trung Hoa, nhóm chuyên gia phân tích thể trạng và virus có trên người một bệnh nhân 41 tuổi cũng đã làm việc tại khu chợ thủy hải sản nói trên. Ngày 26/12, người đàn ông này nhập viện tại Vũ Hán với triệu chứng sốt và suy hô hấp. Phân tích mầm bệnh cho thấy virus có trên người ông này giống 89% với nhóm virus giống SARS có tên betacoronaviruses - một chủng virus đã có mặt trên dơi Trung Quốc.
Làm cách nào mà virus chủng corona lây lan sang người?
Theo nhà virus học Vincent Munster tới từ Phòng thí nghiệm Núi Rocky, thì chỉ betacoronaviruses có khả năng lây sang người, chúng “làm tổ” trong khí quản của ta. Ông Munster khẳng định như thế bởi lẽ không phải chủng virus corona nào cũng có hình dáng giống nhau, những hạt virus (các virion) tủa ra để giúp chúng bám vào tế bào vật chủ dễ hơn, và nếu các hạt virus mà không khớp thì chúng sẽ chẳng bám được vào đâu cả.
Tuy nhiên, khi virus corona đột biến, hình dáng các hạt virus thay đổi, cho phép virus bám được trên những vật chủ mới.
Zhen-Li Shi, tác giả chính của một trong hai bài nghiên cứu mới đã quan sát tổng cộng 7 mẫu virus, và thấy rằng cả SARS và chủng virus corona mới có thể bám vào các thụ quan ACE2 nằm sâu trong phổi của con người. Đó có thể là lý do khiến người mắc 2019-nCoV đều có triệu chứng giống viêm phổi.
Bởi lẽ SARS-CoV và 2019-nCoV đều bám lên tế bào của người theo cùng một cách, các tác giả của nghiên cứu mới nói rằng phương pháp chữa trị SARS có thể được áp dụng lên người bệnh nhiễm chủng virus corona mới.
Dù khoa học chưa có cách chữa đặc hiệu hay vaccine ngừa cả SARS lẫn chủng virus mới, nhưng các nhà nghiên cứu đã từng cất công nghiên cứu thuốc chữa SARS và các vaccine liên quan rồi, nên ta có thể tận dụng được những gì đã đạt được. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nói rằng khả năng sử dụng kháng thể SARS để chữa lành người bệnh nhiễm 2019-nCoV vẫn là giả thuyết cần được chứng minh.
Nghiên cứu mới cũng chỉ ra 2 phương pháp nữa để chữa trị chủng virus corona mới.
Cơ thể những người bệnh đã đang nhiễm 2019-nCoV sản sinh ra kháng thể - các protein, vũ khí chính của hệ miễn dịch để chống lại vi khuẩn và virus - “có tiềm năng vô hiệu hóa virus”.
Các tác giả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một kháng thể virus corona khác do ngựa sản sinh ra cũng có khả năng vô hiệu hóa được 2019-nCoV. Chính những kháng thể trên ngựa này từng được dùng trong chữa trị người bệnh nhiễm SARS.
SARS-CoV.
Nguy cơ từ dơi vẫn lẩn khuất đâu đó
Không phải chủng virus corona nào cũng gây tử vong, ta vẫn hay phớt lờ những chủng chỉ có thể gây bệnh cảm lạnh trên người vì chúng chẳng đáng bận tâm. Những chủng corona có thể khiến người nhiễm tử vong đều đến từ động vật.
“Bởi lẽ những con virus này chưa từng xuất hiện trên người, nên cơ thể con người chưa biết cách đối phó với chúng”, Bart Haagmans, một nhà virus học tới từ Trung tâm Y tế Erasmus, Hà Lan nói.
Con dơi chính là vật chủ đầu tiên của bệnh Ebola, SARS, MERS và nhiều bệnh khác nữa. Tác giả nghiên cứu nhận định rằng đợt bùng phát dịch này cho thấy khả năng lây nhiễm của dịch bệnh trên động vật sang người nhanh và nguy hiểm cỡ nào.
Vẫn còn một loài trung gian bí ẩn
Các chuyên gia vẫn chưa xác nhận được con vật trung gian lây truyền 2019-nCoV từ dơi sang người, có những nghiên cứu chỉ ra rằng đó là rắn, nhưng đó mới chỉ là nhận định ban đầu. Nghiên cứu mới từ giáo sư Shi và cộng sự có thể cho khoa học vài manh mối.
Mã gien của chủng virus corona mới cho thấy chúng bám được vào thụ quan ACE2 có trên người và cũng tồn tại trên dơi, lợn và cầy hương. Với thông tin này, cộng thêm những điểm tương đồng giữa 2019-nCoV với virus corona có trên dơi, cho thấy ba loài vừa nêu có khả năng là trung gian truyền nhiễm.
Tuy nhiên, ta không thể loại bỏ khả năng bệnh lây trực tiếp từ dơi sang người.
Chỉ có một cách duy nhất để biết chắc chắn: đó là lấy mẫu ADN từ những loài động vật có mặt tại khu chợ được cho là điểm bùng phát dịch. Hiện khu chợ đã đóng cửa, không rõ các mặt hàng trong chợ đã lưu lạc phương nào, cho nên phương pháp này không khả thi.
Với hai nghiên cứu mới tới từ các nhà khoa học Trung Quốc, bí ẩn của 2019-nCoV cũng được hé lộ phần nào, thậm chí còn mở ra khả năng sử dụng những phương thuốc cũ, những nghiên cứu cũ đã được thực hiện trong dịch SARS năm xưa để đối phó với đại dịch mới. Trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế này, nhân loại phải đặt niềm tin vào khoa học.