Nghiên cứu mới cho thấy: Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây chứng mất ngủ của dân thành thị
Độ sâu của giấc ngủ có thể giảm nếu con người hít những chất gây ô nhiễm trong không khí bẩn.
Mọi người thường xuyên cố gắng để có giấc ngủ sâu vào ban đêm. Chúng ta có thể mất ngủ vì lo nghĩ về công việc, hay chỉ đơn giản là không thể bắt não nghỉ ngơi.
Nhưng không nhiều người trong chúng ta biết rằng, ô nhiễm không khí có thể gây mất ngủ.
Giờ đây, một nhóm chuyên gia của Đại học Washington (Mỹ) tin rằng mức độ phơi nhiễm các hạt độc hại trong không khí mà chúng ta hít thở có thể là thủ phạm khiến chúng ta khó ngủ.
Nhóm chuyên gia phân tích dữ liệu ô nhiễm không khí từ 6 thành phố ở Mỹ trong 5 năm, với sự tham gia của 1.863 người tình nguyện. Họ tính toán mức ô nhiễm không khí thông qua những thiết bị mà người tình nguyện đeo trên cổ tay một tuần, đồng thời theo dõi tình nguyện viên khi họ ngủ.
Kết quả cho thấy mức độ tiếp xúc với nitơ oxit và các hạt bụi mịn có đường kính dưới 2,5 micromet (bụi PM2.5) càng lớn, nguy cơ trải qua giấc ngủ tồi tệ càng cao.
"Các chất ô nhiễm có thể kích ứng mũi, hai hốc xoang và phần sau của họng, một tình trạng gây rối loạn giấc ngủ cũng như các chứng về hô hấp", Martha Billings, giáo sư y khoa của Đại học Washington và cũng là trưởng nhóm nghiên cứu, nói với Guardian.
Nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh ô nhiễm không khí tác động xấu tới sức khỏe tim, tác động tới hoạt động hô hấp và các chức năng của phổi, nhưng rất ít nhà khoa học biết ô nhiễm không khí tác động tới giấc ngủ hay không.
"Chúng tôi nghĩ rằng rất có thể không khí bẩn kích ứng phần trên của hệ thống hô hấp (gồm mũi, hầu, thanh quản), gây sưng và tắc nghẽn. Nó cũng có thể tác động tới hệ thần kinh trung ương và những vùng não điều khiển hô hấp và ngủ", nữ giáo sư nhận định.
Giáo sư Billings và các cộng sự công bố nghiên cứu trong Hội nghị Quốc tế thường niên của Hiệp hội Thoracic - một tổ chức y tế phi lợi nhuận ở Mỹ và hôm 22/5 vừa qua.
"Phát hiện mới cho thấy một nguy cơ: Mức độ tiếp xúc không khí bẩn chẳng những ảnh hưởng tới tim và phổi, mà còn làm giảm chất lượng giấc ngủ. Cải thiện chất lượng không khí có thể là một cách để tăng chất lượng giấc ngủ và giảm những vấn đề sức khỏe", nhóm nghiên cứu kết luận.