Ô nhiễm môi trường đang khiến đàn ông ngày càng kém thông minh hơn phụ nữ?

06/06/2017 09:32 AM | Sống

Khả năng tư duy logic, ngôn ngữ của con người có thể giảm do không khí bẩn và thực trạng này diễn ra nhanh hơn ở nam giới.

Có lẽ nhiều người nghĩ không khí bẩn chỉ có thể xâm nhập vào hệ thống hô hấp. Song một nghiên cứu do Đại học Lancaster (Anh) thực hiện vào năm 2016 cho thấy những hạt bụi siêu nhỏ có từ tính trong không khí bẩn có thể xâm nhập vào não người.

Nhóm nghiên cứu phân tích mô não của 37 người trong độ tuổi 3 - 92 sống tại thành phố Mexico City (Mexico) và Manchester (Anh). Họ thấy rất nhiều hạt mang từ tính có kích cỡ nano trong các mô, The Guardian đưa tin. Theo họ, sự hiện diện của chúng có thể dẫn tới tình trạng hàng loạt tế bào thần kinh chết, gây nên chứng mất trí nhớ và một số bệnh khác.

Sau khi Đại học Lancaster có bằng chứng về hiện tượng các hạt siêu nhỏ trong không khí bẩn xâm nhập vào não, các nhà khoa học của Đại học Yale (Mỹ) và Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu tác động của không khí bẩn đối với khả năng tư duy. Họ phân tích năng lực tư duy của 25.485 người tại Trung Quốc trong các kỳ thi toán và ngôn ngữ trong năm 2010 và 2014. Sau đó họ đối chiếu kết quả của các kỳ thi tại từng khu vực với mức độ ô nhiễm không khí tại nơi đó.

Kết quả tổng thể cho thấy không khí bẩn làm giảm điểm thi của cả nam giới và nữ giới - tức là năng lực tư duy giảm. Với những người trong độ tuổi dưới 30, mức độ giảm năng lực tư duy diễn ra với tốc độ tương đương. Nhưng sau độ tuổi 30, không khí ô nhiễm khiến khả năng tư duy của nam giới giảm nhanh hơn so với nữ giới.

Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) đo 3 loại chất ô nhiễm và có thang điểm từ 0 tới 500. Nhóm nghiên cứu nhận thấy, nếu chỉ số ô nhiễm tăng thêm 10 điểm, khả năng tư duy của đàn ông giảm trung bình 2,1% so với phụ nữ cùng tuổi sống ở cùng khu vực.

Trong báo cáo nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành EconStor, nhóm nghiên cứu viết: "Phơi nhiễm không khí bẩn liên tục trong thời gian dài làm giảm mạnh năng lực tư duy toán học và ngôn ngữ của nam giới. Nhìn chung, với cùng mức phơi nhiễm không khí bẩn, nam giới luôn đạt điểm thấp hơn phụ nữ".

Sự suy giảm khả năng tư duy vì không khí ô nhiễm thể hiện rõ nhất ở nam giới lớn tuổi và có học vấn thấp. Điểm thi toán và ngôn ngữ trung bình của họ trong năm 2014 thấp hơn tới 20% so với điểm thi trong năm 2010.

Nhóm nghiên cứu nhận định không khí bẩn làm giảm lượng chất trắng trong não người. Do sự khác biệt về cấu trúc não, quá trình mất chất trắng vì khí bẩn ở nam giới diễn ra nhanh hơn so với nữ giới.

"Đây là nghiên cứu đầu tiên giải thích sự khác biệt theo giới tính về tác động của không khí ô nhiễm đối với khả năng tư duy", Xi Chen, giáo sư bộ môn y tế cộng đồng của Đại học Yale và là trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.

Não gồm các mấu (node) thần kinh liên kết với nhau. Các mấu thần kinh là chất xám, còn chất trắng kết nối các mấu thần kinh. Mật độ chất xám trong não là yếu tố bẩm sinh. Ngược lại, lượng chất trắng sẽ liên tục tăng do quá trình giáo dục và môi trường. Vì thế, chất xám tượng trưng cho trí tuệ bẩm sinh, còn chất trắng là thước đo khả năng tư duy nhờ môi trường. Chất trắng tác động tới khả năng tiếp thu kiến thức và các chức năng não, đảm nhân vài trò liên lạc giữa các vùng trong não.

Một số người tỏ ra hoài nghi về kết quả nghiên cứu.

Giáo sư Barbara Maher, một nhà nghiên cứu của Đại học Lancaster (Anh), nói với The Times: "Nghiên cứu này cho thấy không khí bẩn tác động tới chất xám, chất trắng và khả năng tư duy của nam giới giảm nhanh hơn nữ giới, song cách đánh giá mức độ phơi nhiễm khí bẩn lại không cụ thể”.

Trước ý kiến trái chiều của đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu của Đại học Yale và Đại học Bắc Kinh nhấn mạnh rằng họ sẽ nghiên cứu thêm để củng cố kết quả.

"Giả thuyết của chúng tôi là sự khác biệt trong cấu trúc não có thể là nguyên nhân khiến nam giới nhạy cảm hơn với những tác động tiêu cực của không khí ô nhiễm. Nhưng kiểm tra cơ chế này không phải là mục tiêu của nghiên cứu. Chúng tôi sẽ thực hiện nó trong một nghiên cứu tương lai”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Theo Times, nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh các hạt bụi siêu nhỏ và khí carbon monoxide (CO) trong không khí bẩn làm giảm khả năng học tập của trẻ em.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 9/2016 cho thấy ô nhiễm không khí ngoài trời khiến khoảng 3 triệu người tử vong mỗi năm và số người chết vì ô nhiễm không khí trong nhà cũng xấp xỉ số đó. Trong năm 2012, khoảng 6,5 triệu người chết vì ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà.

Gần 90% trường hợp tử vong vì ô nhiễm không khí xảy ra tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Cứ 3 người tử vong vì ô nhiễm không khí thì 2 người sống ở Đông Nam Á và khu vực phía tây Thái Bình Dương.

92% dân số thế giới sống ở những vùng có chỉ số không khí ô nhiễm vượt ngưỡng an toàn của WHO. 94% trường hợp tử vong do các bệnh không truyền nhiễm - như đau tim, đột quỵ, ung thư phổi.

Yên Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM