Nghiên cứu 18 năm: Người gặp tình trạng này mỗi đêm có nguy cơ đột quỵ cao hơn
Một nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa mất ngủ và nguy cơ đột quỵ cao hơn, bao gồm cả ở những người trẻ tuổi.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Thần kinh học cho thấy có thể có mối tương quan giữa mất ngủ mạn tính và đột quỵ. Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ 31.126 người tham gia trong suốt 18 năm và phát hiện ra rằng những người có triệu chứng mất ngủ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người có càng nhiều triệu chứng mất ngủ thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Cụ thể, những người có 5 - 8 triệu chứng mất ngủ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 51% so với những người không có dấu hiệu mất ngủ.
Những người tham gia nghiên cứu đã báo cáo các triệu chứng mất ngủ mà họ gặp phải bao gồm thức dậy quá sớm, mệt mỏi sau khi thức dậy và khó ngủ. Các tình nguyện viên không có tiền sử đột quỵ khi bắt đầu tham gia nghiên cứu.
“Đã có rất nhiều dữ liệu nghiên cứu chứng minh mối quan hệ giữa giấc ngủ và nguy cơ đột quỵ - bao gồm cả ngủ không đủ giấc hoặc ngủ quá nhiều. Cả hai đều có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch và đột quỵ trong tương lai”, tiến sĩ Hardik Amin, chuyên gia nghiên cứu về đột quỵ tại Yale Medicine, người không tham gia nghiên cứu, đưa ra nhận định.
Chuyên gia Amin cho biết thêm, thiếu ngủ và mất ngủ có liên quan đến nguy cơ mắc các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ, bao gồm tăng huyết áp, tiểu đường và béo phì.
“Những người bị mất ngủ sẽ có nhịp sinh học bị gián đoạn, có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp khi ngủ. Thông thường, những người có giấc ngủ bình thường, khỏe mạnh thì huyết áp sẽ giảm xuống khi ngủ”, chuyên gia bổ sung.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người dưới 50 tuổi bị mất ngủ có nguy cơ đột quỵ cao hơn những người trên 50 tuổi. Điều này cho thấy rằng mất ngủ có thể tăng nguy cơ mắc đột quỵ ở tất cả các đối tượng, không liên quan đến tuổi tác.
Chuyên gia Amin cho biết: “Một trong những phát hiện thú vị mà các nhà nghiên cứu tìm thấy là mối liên hệ giữa chứng mất ngủ và nguy cơ đột quỵ ở nhóm bệnh nhân dưới 50 tuổi. Nghiên cứu giúp chúng ta có thêm nhận thức về đột quỵ ở những người trẻ tuổi”.
Tiến sĩ Amin nói: “Thông thường những bệnh nhân trẻ tuổi hiếm khi bị đột quỵ và nếu có thì họ có xu hướng bị đột quỵ vì những lý do ít phổ biến như gặp vấn đề về đông máu hoặc chấn thương,... Tuy nhiên, nghiên cứu này thực sự giúp mở rộng hiểu biết của chúng tôi”.
Chuyên gia Amin nhấn mạnh rằng chứng mất ngủ ở những bệnh nhân trẻ tuổi cũng có thể cảnh báo rằng họ đang gặp những vấn đề sức khỏe khác, có thể là do chứng mất ngủ gây ra. Những rủi ro sức khỏe này có thể tăng nguy cơ đột quỵ trong tương lai.
“Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng những người bị mất ngủ, cũng có nguy cơ cao gặp vấn đề về huyết áp, tiểu đường, trầm cảm, béo phì và bệnh tim mạch. Tất cả đều làm tăng nguy cơ đột quỵ”, tiến sĩ Amin nói.
Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể. Tình trạng rối loạn giấc ngủ có thể có tác động đáng kể đến năng lượng, chức năng nhận thức, tâm trạng của người bệnh. Do đó, nếu bạn gặp tình trạng khó ngủ hoặc ngủ không đủ giấc thường xuyên, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.