Nghệ thuật của sự phàn nàn, cách thức để kêu ca nhưng vẫn lọt tai

29/12/2016 09:10 AM | Sống

Khi những người biết phàn nàn đúng cách tập hợp lại, thường thì họ có đủ sức mạnh làm thay đổi thế giới.

Tắc đường, phục vụ kém, những cuộc họp vô bổ, con cái thì khó bảo – cuộc sống hiện đại luôn chứa đầy những nhân tố làm nổ ra những lời phàn nàn và than phiền. Nhưng liệu trong số chúng ta, có mấy người làm việc đó một cách xuất sắc?

Các nhà nghiên cứu đã nhận diện được hai hình thức phàn nàn cơ bản.

Loại thứ nhất là “phàn nàn xúc cảm”, tức đưa ra lời phàn nàn để xả stress, như một hình thức giải tỏa cảm xúc. Tuy nhiên đưa ra quá nhiều lời phàn nàn kiểu này có thể tạo nên nhiều cảm xúc tiêu cực.

Loại thứ hai có tính xây dựng hơn là “phàn nàn công cụ”. Những lời phàn nàn này thường nhằm mục đích giải quyết một vấn đề nào đó, VD như nói với bố/mẹ mình: “Con mệt quá. Phơi quần áo hộ con một tí được không?”.

Robin Kowalski, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Clemson, qua nghiên cứu năm 2014 của mình đã nhận thấy: những người có lòng tự trọng thường hay có kiểu phàn nàn thứ 2, có lẽ bởi họ tự tin hơn khi cho rằng khi họ đưa ra lời phàn nàn, tình hình sẽ được cải thiện.

Theo tiến sĩ Winch, đồng tác giả của nghiên cứu nêu trên, thì thành công trong việc lên tiếng hoặc đưa ra lời phàn nàn sẽ có tác dụng tâm lý cực lớn, chẳng hạn như cải thiện các mối quan hệ. Và khi những người biết phàn nàn đúng cách tập hợp lại, Winch nói, thường thì họ có đủ sức mạnh làm thay đổi thế giới.

Dưới đây là một số gợi ý để những lời phàn nàn mà bạn đưa ra có thêm hiệu quả:

Có mục đích rõ ràng. Những lời phàn nàn hiệu quả thường ngắn gọn, có bằng chứng rõ rệt, và hướng đến đúng người vào đúng thời điểm và tập trung vào một mục tiêu cụ thể nào đó. Nếu bạn cảm thấy bực mình với chất lượng phục vụ ở một khách sạn, hãy nêu rõ cho họ biết những gì bạn muốn: phòng nghỉ yên tĩnh hơn, chăn ga sạch sẽ, có điều hòa và TV, v.v. Biết được chính xác những gì mình muốn sẽ giúp bạn đưa được lời phàn nàn đến đúng người có khả năng giải quyết vấn đề mà bạn gặp phải.

Viết ra cụ thể trên giấy. Thay vì to tiếng (và có thể làm vấn đề trầm trọng hơn) hãy thử viết suy nghĩ của bạn ra giấy trước. Điều này có thể giải tỏa được cảm xúc và giúp bạn trình bày vấn đề của mình một cách rõ ràng hơn.

Luôn giữ tâm lý tích cực. Tiến sĩ Winch khuyên nên bắt đầu với điều gì đó tích cực: “Tôi đã rất mong mỏi về buổi hẹn với em”. Sau đó đưa ra lời phàn nàn, nhưng không tập trung vào điều đã diễn ra mà vào vấn đề đang gặp phải, chẳng hạn: “Tối qua, khi thấy em đến rạp chiếu phim muộn 15 phút, tôi đã lo là sẽ không được vào rạp nữa. Vì thế tôi khó lòng bình tĩnh và thoải mái mà xem phim được”.

Hãy kết thúc bằng một lời nhắc nhở tích cực để khiến người tiếp nhận lời phàn nàn cảm thấy có động lực để giải quyết vấn đề: “Lần sau, nếu em cố gắng đến đúng giờ hơn thì tốt quá. Lúc đấy sẽ không ai phải lo lắng và chúng ta sẽ có một cuộc hẹn vui vẻ”.

Cố tỏ ra hài hước nếu có thể. Sự hài hước, đặc biệt là tự hạ thấp mình, rất có tác dụng khi đưa ra lời phàn nàn. VD: Một nhân viên phục vụ nhiêu khả năng sẽ giúp bạn khi bạn nói đùa về sự thiếu kiên nhẫn của mình, thay vì đập bàn ghế và hét lên. Chỉ cần tỏ ra không mỉa mai châm biếm là được.

Cố gắng hiểu được những dấu hiệu. Tiến sĩ Kowalski khuyên rằng bạn nên dè chừng với những người liên tục không chịu tiếp thu lời khuyên hoặc sự giúp đỡ thiện chí. Để kiềm chế bản thân, hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của người đối diện: Tay họ có khoanh lại trước ngực không? Họ có nhìn đi chỗ khác không? Nếu họ làm vậy, tốt nhất bạn nên ngừng lời phàn nàn và chịu khó lắng nghe.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM