Trở thành ứng viên đáng mơ ước nhờ profile ở LinkedIn

04/06/2014 14:12 PM | Nghề nghiệp

Có thể nói LinkedIn là một công cụ cực kỳ hữu ích không chỉ cho người đi làm mà còn đối với người đang tìm việc hay với sinh viên.

Có thể nói LinkedIn là một công cụ cực kỳ hữu ích không chỉ cho người đi làm mà còn đối với người đang tìm việc hay với sinh viên. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra điều này, đặc biệt là ở Việt Nam khi số lượng người sử dụng LinkedIn vẫn còn khá nhỏ.

Trước hết, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem Linkedin là gì? LinkedIn là một mạng xã hội và người sử dụng chủ yếu là những thành viên chuyên nghiệp. 

Khác với MySpace và Facebook, LinkedIn chỉ tập trung vào đối tượng là các doanh nghiệp, hoặc các cá nhân chuyên nghiệp có nhu cầu kết nối tìm việc, tuyển dụng và tìm kiếm cơ hội. 

Nền tảng của LinkedIn cũng tương tự như Facebook: bạn đăng ký tài khoản và xây dựng hồ sơ các nhân bao gồm một bản tóm tắt ngắn gọn hay một đoạn tiểu sử, kinh nghiệm làm việc và bằng cấp học thuật. Tuy nhiên, nếu điều duy nhất bạn làm trên LinkedIn là cập nhật profile thường xuyên và chờ đợi các headhunter tìm đến bạn, có thể bạn đã nhầm.

LinkedIn là một kho dữ liệu khổng lồ với hàng “tá” thông tin quan trọng cho các kế hoạch tìm việc của bạn. Hãy thử tưởng tượng bạn vô tình biết đến một dự án đang phát triển trong thành phố và tự hỏi liệu họ có cần người như bạn hay không. 

Trước khi có LinkedIn, hẳn bạn sẽ phải gọi điện hay gửi email trực tiếp, hoặc tìm trong danh bạ của mình xem có ai có mối liên hệ với công ty đó không. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều tốn khá nhiều thời gian cũng như có hiệu quả không cao. 

Còn giờ đây, bạn chỉ việc đăng nhập vào LinkedIn và gõ tên công ty đó ra trong mục Search, tất cả những ai trong contact của bạn có liên hệ với công ty đó sẽ lần lượt hiện ra.


Dưới đây là 8 mẹo nhỏ giúp bạn sử dụng LinkedIn một cách hiệu quả hơn trong công việc:

1. Hãy chọn tiêu đề thật “chuẩn”

Tiêu đề LinkedIn (ngay phía dưới tên của bạn) cũng giống như một thương hiệu online vậy bởi tên và tiêu đề là 2 thứ duy nhất hiện lên mỗi khi người dùng LinkedIn search tên một ai đó. Tiêu đề, tên và ảnh profile là những yếu tố duy nhất khiến cho người tìm kiếm quyết định tiếp tục truy cập vào profile của bạn hay không. Vì thế, hãy chọn một tiêu đề để làm nổi bật con người bạn.

Ví dụ: Với tiêu đề “Marketer seeking nextopportunity”, sẽ có cả trăm người có chung tiêu đề đó nhưng “Consumer Products Marketer Looking for Small Brand to Make Big” lại là một câu chuyện khác. Các nhà tuyển dụng sẽ biết rõ họ nhận được những gì từ bạn.

2. Theo sát mục tiêu của bạn

Nếu bạn đã có một danh sách các công ty mà bạn muốn làm việc (nếu như bạn chưa có, hãy tạo ngay một cái từ bây giờ), thì còn chờ gì nữa mà không “follow” họ ngay trên LinkedIn. Tôi dám cá rằng hầu hết các công ty trong danh sách của bạn đều có mặt trên LinkedIn. 

Bằng cách này, bạn sẽ cập nhật thường xuyên hơn tin tức về công ty như một sản phẩm mới được tung ra hay một văn phòng mới mở ở đâu đó. 

Hiểu biết về công ty luôn là một lợi thế cho bất kỳ ứng viên nào khi tham gia tuyển dụng. Lý do cũng thật dễ hiểu, làm sao công ty tin bạn có thể đảm nhiệm tốt công việc khi mà bạn còn chưa nắm hết thông tin về công ty đó.

3. Mở rộng network

Có một sự thật rằng nếu như bạn có càng nhiều các kết nối cấp 1 (first degree), thì hệ thống network của bạn sẽ càng lớn. Hãy tận dụng tất cả các mối quan hệ mà bạn có như bạn học cũ, đồng nghiệp hay thậm chí là người quen ngoài đời thực. 

Hãy tưởng tượng bạn có khoảng 100 contact cấp 1, mỗi người này lại có khoảng 100 kết nối khác, như vậy tổng cộng network của bạn có thể mở rộng ra tới khoảng 10.000 người. Một mạng lưới càng rộng thì người dùng càng dễ dàng tiếp cận với các cơ hội việc làm hơn và chỉ cần 1 trong số chúng thành công cũng đã là quá đủ rồi phải không?

4. Tận dụng sự đề cử

Nếu bạn muốn liên hệ với một ai đó, chẳng hạn như “sếp” tương lai của bạn, và một trong các “connection” cấp 1 của bạn biết họ, bạn có thể nhờ những người này giới thiệu cho mình. Chỉ bằng cách truy cập vào LinkedIn profile, click vào mục “Send a message” rồi chọn “Get an introduction” nếu bạn và “mục tiêu” liên hệ của bạn có chung một người quen nào đó trên LinkedIn. Tuy nhiên, nếu bạn không hỏi thì sẽ chẳng bao giờ nhận được một lời giới thiệu nào cả. 

Vì vậy, hãy bỏ qua sự dè dặt và hỏi sự tiến cử từ người bạn biết hoặc đã cùng làm việc, họ sẽ chẳng nề hà gì một chuyện nhỏ như vậy đâu. 

Hãy tiến cử bản thân từ những lời tốt đẹp mà người khác nói về bạn. Và ngược lại, khi một ai đó nhờ bạn giới thiệu để quen một ai đó, đây cũng là cơ hội để bạn thắt chặt hơn mối quan hệ với người đó.

5. Tìm hiểu về các nhà tuyển dụng tương lai

Còn điều gì tốt hơn là biết về nhà tuyển dụng (nếu quen thì càng tốt hơn nữa) từ trước. Trước khi LinkedIn ra đời, việc này chẳng khác gì mò kim đáy bể cả. Còn ngày nay, hầu hết vị trí của họ đều được gọi bằng “Program Manager”, “Project Manager” hay “Director of Special Projects”.

Và để tìm ra vị sếp tương lai của mình, hãy sử dụng công cụ “Advanced People Search” sẵn có trong LinkedIn (bằng cách click vào “Advanced” ngay cạnh ô Search đầu trang) với công ty mà bạn muốn nhắm đến. 90% vị giám đốc tuyển dụng mà bạn muốn tìm sẽ nằm ở kết quả thứ hai.

Một khi bạn đã tìm được mục tiêu của mình, bạn sẽ cần nhiều hơn là đơn thuần “add” vị giám đốc tuyển dụng đó vào network của mình. Hãy tìm hiểu xem họ là ai, họ đang quan tâm đến điều gì, họ đang theo dõi những group nào và có những thảo luận gì. Nếu có thể hãy xem họ đang “follow” những influencer nào. Bạn càng biết nhiều hơn, hiểu hơn về mục tiêu của họ, cuộc phỏng vấn trong tương lai của bạn sẽ có thể suôn sẻ hơn rất nhiều.

Hãy thử tưởng tượng bạn là một khách hàng, bạn có cảm kích trước những công sức của người bán hàng hay không nếu như họ thực sự hiểu bạn là ai và bạn muốn gì. Và vị giám đốc tuyển dụng kia có lẽ cũng không phải là một ngoại lệ.

6. Học hỏi từ network của bạn

Hãy luôn nhớ rằng bạn có thể học hỏi từ mạng lưới contact của mình rất nhiều bởi phần lớn họ đều là những người chuyên nghiệp. Tìm kiếm cơ hội việc làm không đơn thuần là mở rộng mối quan hệ và thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. 

Bằng cách theo sát mọi người, bạn sẽ hiểu hơn về họ, hiểu họ đang làm gì và quan tâm tới điều gì. Nếu những việc họ đang làm thực sự gây cho bạn hứng thú, hãy trao đổi trực tiếp họ. Việc tìm hiểu này có thể sẽ lấy của bạn một chút thời gian nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ biết những cơ hội nào đang chờ bạn ở phía trước cả.

7. Thường xuyên cập nhật

Nếu profile của bạn chỉ đơn thuần là một danh sách nhàm chán những nơi bạn đã từng làm việc, bạn đã bỏ qua sức mạnh “thương hiệu cá nhân” của LinkedIn. Hãy thêm vào profile của mình một chút “gia vị” như file PowerPoint bài thuyết trình tốt nhất của bạn hay đơn giản là một video thể hiện bạn nói trước đám đông như thế nào. 

Hãy sử dụng tính năng “Status Update” để chia sẽ mọi thứ mà bạn viết, những sự kiện quan trọng bạn tham gia mà người khác có thể hứng thú, hay bất kỳ cái gì khác. Suy cho cùng, đó cũng là lý do mục tiêu khi tham gia vào một cộng đồng, đúng không bạn?

8. Đừng quá ỷ lại LinkedIn

LinkedIn có thể sẽ giúp bạn rất nhiều trong tìm việc, nhưng đừng bao giờ ỷ lại mạng xã hội này. Để có được công việc mơ ước, bạn sẽ cần phải bỏ ra nhiều hơn công sức, thời gian cho tìm kiếm, nghiên cứu và mở rộng network của mình. 

Hãy luôn nhớ rằng LinkedIn cũng vẫn chỉ là một công cụ trực tuyến mà thôi, sẽ chẳng bao giờ thay thế cho chính con người thực của bạn, trong khi đó lại là điều mà các nhà tuyển dụng cần. Bên cạnh việc sử dụng LinkedIn một cách thông minh, hãy trau dồi để phát triển con người thực của mình nhiều hơn nữa, rồi cơ hội sẽ đến với bạn trong một ngày không xa.

>> Để ai cũng dễ tìm thấy profile của bạn trên LinkedIn?

LK

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM