Tiết lộ về lợi nhuận khủng khiếp của cựu tiếp viên
Bị thách thức bởi các tay buôn nguyên kiện kết nối săn hàng với người Việt ở Mỹ, đội "cửu vạn trên không" tập trung buôn hàng trôi nổi ở các nước châu Âu, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Hàng hóa xách tay từ Nhật đang được ưa chuộng nhất, bởi đây là quốc gia có chế độ đánh giá rất chuẩn về dinh dưỡng, thực phẩm - mỹ phẩm trước khi cho phép lưu thông. "Hàng về bao nhiêu cũng hết", một tay buôn ở chợ Tôn Thất Đạm hả hê cho biết khi block thuốc kháng viêm của một công ty dược Nhật mà chúng tôi đặt mua bị tăng giá 20.000 đồng/vỉ, do chợ khan hàng.
Một góc phố kinh doanh hàng xách tay thuộc dạng đắt đỏ nhất TP.HCM: Phố Tôn Thất Đạm, quận 1 với trên 60 ki ốt chuyên thu gom hàng xách tay của các tiếp viên, đầu nậu. |
Theo nhận định của một nam tiếp viên hàng không, sở dĩ cánh tiếp viên bất chấp nguy hiểm vẫn quyết mang bằng được hàng không rõ nguồn gốc về Việt Nam tiêu thụ vì lợi nhuận khủng hơn hẳn các nhóm hàng thông thường.
Đây cũng là một chương mới trong hành trình khuân vác, vận chuyển hàng lậu vào thị trường trong nước của các tiếp viên. Họ chấp nhận cuộc chơi, rủi ro khi thu mua hàng không rõ nguồn gốc tại nước bạn vì giá trị lợi nhuận cao.
Trong khi giá thu mua một thỏi son môi Nhật (được dân ăn cắp bán lại) tại Nhật chỉ dao động từ 200.000 đến 350.000 đồng (1000-1300 yen) về đến Việt Nam lập tức có mức giá trên 1,5 triệu đồng/thỏi.
Hàng Nhật hút khách là động cơ khiến nhiều tiếp viên lao vào tuồn hàng về nước. |
Uy tín của nhóm sản phẩm dinh dưỡng, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng chất lượng ở thị trường Nhật cũng luôn hấp dẫn đầu nậu. Do vậy tiếp viên thường nhận nhiều đơn hàng khủng để lao vào thu gom, bất chấp luật pháp, thủ đoạn.
Đơn cử một cái khăn tắm (có khả năng che nắng, chuyển nhiệt, giãn nỡ khi ngâm nước) tại Nhật có mức giá 300-600 yen (tương đương 60.000 - 120.000 đồng), khi về đến Việt Nam, giá lên đến 250.000 đồng. Nhưng nếu mua hàng trôi nổi, trộm cắp, giá gom tại Nhật chỉ dừng ở mức 10.000 đồng. Đắt đỏ nhất chính là các dòng mỹ phẩm như son môi, phấn nền,...
Các dòng ống kính máy ảnh cao cấp của hãng điện tử Sony, khi về Việt Nam giá tăng gần gấp ba, thu hút giới tiếp viên hàng không lao vào đường buôn. Khi nguồn hàng thiếu, họ không ngần ngại đặt người Việt đang sống tại Nhật đi thu mua dùm, gặt luôn cả hàng ăn cắp cũng do chính người châu Á tại Nhật (có cả nhóm người Việt) để thu lợi nhuận cao nhất có thể.
Đến cả khăn lạnh giãn nở cũng được tha về bán lại. |
Các sản phẩm khăn lạnh, mặt nạ toả nhiệt hút mụn cám, miếng dán chống viêm, giảm đau cơ, kem chống nắng,... nếu thu mua theo đường hàng ăn cắp cũng rẻ đến bất ngờ nên lợi nhuận mà thương lái chi lại cho người vận chuyển cũng cao ngất ngưởng, góp phần cổ xuý cho những tiếp viên tha hoá, biến chất bất chấp hệ luỵ lao vào thu gom hàng.
Chiêu ngụy trang giấu hàng và lọt cửa an ninh
Trao đổi với báo chí, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng cục hàng không Việt Nam cho biết, sự việc tiếp viên hàng không Việt Nam cùng tổ bay bị bắt, di lý sang Nhật điều tra vì vận chuyển hàng ăn cắp "chỉ mang tính cá nhân".
Thế nhưng, nếu chiếu theo quy trình kiểm tra gắt gao tại ga đến của sân bay, việc tiếp viên buôn lậu, tuồn hàng ăn cắp về Việt Nam tiêu thụ một cách có hệ thống có dừng lại ở trách nhiệm cá nhân? Nó không còn là một sự cố, khi những hành vi tuồn hàng trái phép đã đang diễn ra công khai, từ lâu, góp phần làm hoen ố hình ảnh của quốc gia.
Một nữ tiếp viên chuyên mặt hàng mỹ phẩm trị mụn (ảnh) cho hay, thu gom sản phẩm không khó vì đa số đã được người Việt Nam "ở bển kết nối". Sau khi gom đủ, hàng sẽ được tập kết tại khách sạn nơi đoàn bay đóng quân. Hàng sẽ được tiếp viên ngụy trang sao để qua được trạm kiểm soát an ninh, lên máy bay trót lọt.
Vì tiếp viên chỉ giới hạn khối lượng vali, trong khi trọng lượng không bị kiểm tra nên những tiếp viên có tay nghề cao thường chẻ hàng rất xuất sắc để đạt được số lượng hàng vác về nước được nhiều nhất. Các mặt hàng son môi, mỹ phẩm dưỡng da, chất tẩy trang điểm được chẻ nhỏ, nhét khéo vào vài bộ hàng hiệu đã được cuốn tròn tinh tế.
Hàng về đến sân bay Việt Nam, tuy đoàn bay có lối ra riêng và theo quy trình họ vẫn phải đi qua máy soi chiếu. Thế nhưng đối với giới tiếp viên chuyên đánh hàng lậu như TC, MT, HV,... thì đó là chuyện nhỏ. Bởi đơn giản đây là một hoạt động có hệ thống, lại quả hẳn hoi, các cô nàng tiếp viên xinh đẹp vừa vội quấn áo dài vừa thoăn thoắt đẩy hàng ra như ở chốn không người.
Trao đổi với chúng tôi, chị A, một người có kinh nghiệm về máy soi chiếu hải quan cho hay: "Gặp sự cố, họ thường nói không biết valy chứa hàng lậu, hàng không phép, hàng vượt mức cho phép,... Nhưng sự thật trong thâm tâm, chúng tôi biết rõ. Thậm chí chỉ ngồi sau máy chiếu, chúng tôi còn định được cả số lượng mỗi nhóm hàng mà dân buôn mượn tay tiếp viên tuồn về". Chính sự lại quả, ơn nghĩa cùng các mối quan hệ lằng nhằng như thế, đã góp phần đẩy các tiếp viên, phi hành đoàn bất chấp, tuồn hàng ngày một bạo tay. Mà đỉnh điểm là nhóm hàng ăn cắp, họ cũng thu gom miễn là mang lại lợi nhuận cao.
Phát biểu của ông Cục trưởng liệu đã đủ và đúng để thuyết phục, khi mà bất chấp quy trình kiểm tra chặt chẽ như công bố, nhưng vẫn xảy ra kẽ hở kinh ngạc như thế? Nếu không có kẽ hở này, liệu giới tiếp viên có dám làm càn, bất chấp dư luận, coi thường hình ảnh cơ quan chủ quản để chăm chỉ tuồn hàng về Việt Nam?
>> Chiêu cạnh tranh khốc liệt trên đường bay "cửu vạn" quốc tế