Thu nhập ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm: Người cười nụ, kẻ khóc thầm

04/09/2013 08:30 AM | Nghề nghiệp

Tính đến thời điểm này, báo cáo tài chính bán niên của tất cả 9 ngân hàng niêm yết trên TTCK đã được công bố. Bên cạnh kết quả kinh doanh của những đơn vị này trong 6 tháng qua, điều ít nhiều được dư luận quan tâm là mức thu nhập của các nhân viên trên hệ thống ngân hàng hiện ra sao, và biến động thế nào so với thời kì trước.

Dựa theo số liệu từ báo cáo tài chính, bức tranh thu nhập ngành ngân hàng trong nửa năm nay dường như ‘xám’ đi nhiều so với 6 tháng năm 2012.

Chú thích: Lợi ích của một nhân viên không chỉ phản ánh qua lương, thưởng hay phụ cấp mà còn được xác định bởi các khoản hỗ trợ bằng hiện vật (không ghi vào lương) như đào tạo chuyên môn, đi du lịch, khóa học giúp cân bằng công việc-cuộc sống (nấu ăn, chăm con, yoga, …) hay các hoạt động ‘team-building’ (karaoke, bóng đá, thi hát, diễn kịch, …). Số tiền bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế do ngân hàng chi trả (21% lương cứng) rút cục cũng sẽ do nhân viên hưởng thông qua các khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ thai sản hay lương hưu.

Vì thế, chúng tôi sử dụng khoản mục “chi phí cho nhân viên” trên BCTC thay vì “chi phí lương, thưởng, phụ cấp” để tính toán “mức chi bình quân” mà một nhân viên ngân hàng trung bình được hưởng. Chúng tôi cho rằng con số này sẽ phản ánh chính xác hơn lợi ích mà nhân viên thu được.

Ngoại trừ Techcombank công bố số lượng nhân viên bình quân trong kỳ, các ngân hàng khác đều công bố số lượng nhân viên vào ngày cuối cùng của kỳ báo cáo. Bởi vậy, để xác định số nhân viên bình quân trong kỳ của các đơn vị này, chúng tôi tính toán con số ước lượng trung bình tại 2 thời điểm 31/12/2012 và 30/6/2013.

Người cười nụ …

‘Chăm chút’ nhân viên nhất là Ngân hàng Quân đội (MB). Bình quân mỗi nhân viên được MB chi 20,11 triệu đồng/tháng, tăng gần 7% so với mức thu nhập 6 tháng năm ngoái. Trong 6 tháng đầu năm 2013, khoản chi cho nhân viên của toàn hệ thống MB đã tăng lên 700,6 tỷ đồng so với mức 597,9 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2012. Năm 2012, MB lãi trước thuế 3.090 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2011.

Hai vị trí tiếp theo thuộc về VPBank và Vietinbank, với lần lượt mức chi bình quân cho nhân viên là 20,08 triệu đồng và 19,35 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ gây ấn tượng với việc tăng tổng chi cho nhân viên trong 6 tháng đầu năm thêm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái, VPBank còn khiến thị trường 'tròn mắt' khi tăng nhân sự thêm hơn 22%.

VPBank mới thay CEO vào giữa năm ngoái và hiện đang tập trung cho mục tiêu “trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam”. Tân CEO Nguyễn Đức Vinh từng có 11 năm lãnh đạo Techcombank và được coi là người có công lớn trong việc xây dựng Techcombank được như ngày hôm nay. Từng có thông tin, thời ở Techcombank, ông Vinh nhận thù lao mỗi năm trên 20 tỷ. Tuy vậy, thông tin này không được bất kỳ bên có liên quan nào xác nhận.

Bình quân mỗi tháng trong nửa đầu năm nay, VPBank chi mỗi nhân viên 20,08 triệu đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ 6 tháng năm 2012, mức tăng ấn tượng nhất trong tất cả các ngân hàng được thống kê.

Tại Vietinbank, tính đến 30/6, tổng chi cho nhân viên của toàn hệ thống là 2.293 tỷ đồng. Số nhân sự bình quân trong kỳ là 19.746 người. Bình quân Vietinbank chi cho mỗi nhân viên khoảng 19,35 triệu đồng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 17%.


… Kẻ khóc thầm

Trên đây là ba đơn vị hiếm hoi tăng chi cho nhân viên, tổng hợp các báo cáo tài chính cho thấy, xu hướng hạ lương, thưởng và cắt giảm nhân viên đang diễn ra tại hầu hết các ngân hàng còn lại.

So với cùng kì năm ngoái, số ngân hàng có sự tăng trưởng về mức thu nhập bình quân của nhân viên không nhiều. Tổng số tiền chi cho nhân viên giảm hoặc tăng chậm hơn mức tăng nhân sự khiến lương bình quân nhân viên giảm đi trông thấy. Mức giảm mạnh nhất là ACB (37,7%), NVB (32,5%) và VIB (27,8%).

Tại ACB, lương và phụ cấp của nhân viên hệ thống ngân hàng này (gồm cả công ty con) trong 6 tháng qua đạt 11,47 triệu đồng/người/tháng, giảm 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là đơn vị giảm nhân sự kỷ lục với 568 nhân viên bị cắt giảm trong vòng 6 tháng qua.

2012 là ‘năm hạn’ của ACB khi Chủ tịch, Tổng giám đốc và hàng loạt TV.HĐQT bị khởi tố vì có liên quan đến vụ án cố ý làm trái của bầu Kiên. Lãi sau thuế năm 2012 của ngân hàng này chỉ bằng 1/4 năm 2011 và hiện trên bảng cân đối kế toán vẫn còn một số ‘tài sản mờ’ chưa xử lý xong.

Tại Navibank, ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý II năm nay, khoản chi cho nhân viên của ngân hàng này đã giảm từ mức 140,6 tỷ đồng xuống 97,5 tỷ đồng, tức 31%. Tính bình quân 6 tháng đầu năm nay, Navibank chi cho mỗi nhân viên 10,58 triệu đồng/tháng, giảm 32,45% so với mức 15,66 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái. Navibank cũng là ngân hàng có mức chi thấp nhất trong số các ngân hàng được thống kê.

Tại các ngân hàng như Sacombank, Techcombank, Eximbank, Vietcombank, SHB và VIB Bank, số tiền chi cho nhân viên cũng giảm xuống ở nhiều mức khác nhau.

"Mức chi bình quân” mà một nhân viên ngân hàng được hưởng mỗi tháng trong nửa đầu năm 2013.

Tuy nhiên, so với các ngành nghề khác, mức chi trong ngành ngân hàng vẫn là con số đáng mơ ước. Hiện tại, mức thu nhập bình quân của một người Việt Nam mới chỉ vào khoảng 3 triệu đồng/tháng, tức là chưa bằng 1/3 so với khoản chi cho nhân viên tại ngân hàng trả công ‘bèo’ nhất và khoảng hơn 1/7 so với thu nhập của nhân viên tại ngân hàng ‘màu mỡ’ nhất.

Cũng nên lưu ý, các thống kê này chỉ phản ánh chi phí bình quân mà ngân hàng bỏ ra cho tất cả nhân sự trong hệ thống. Chênh lệch giữa chi phí cho nhân sự cấp thấp và cấp cao cách biệt nhau tới cả trăm lần.

Kỳ Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM