Tại sao nên từ chối làm việc cho Facebook?

18/08/2014 14:56 PM | Nghề nghiệp

Hãy nhớ rằng, rất có thể những lợi ích mà Facebook đem đến có thể làm bạn mờ mắt và quên đi những cơ hội lớn khác.

Dưới đây là 4 lý do vì sao bạn nên nói “KHÔNG” với lời đề nghị từ Facebook:

Ilya Pozin là một doanh nhân, nhà đầu tư và cây bút nổi tiếng. Ilya hiện đang điều hành Ciplex, một công ty thiết kế và marketing trực tuyến. Anh cũng từng sáng lập ra các công ty như Pluto.TV hay Open Me khi còn rất trẻ. Ngoài ra, Ilya còn là một tác giả cho Inc., Forbes và LinkedIn. Năm 2012, Tạp chí Inc. đưa Ilya vào danh sách 30 doanh nhân dưới 30 tuổi có ảnh hưởng lớn nhất.

Được nhận một lời mời từ một công ty lớn như Facebook luôn là giấc mơ của biết bao sinh viên hay thậm chí là cả những người đã tốt nghiệp. Hãy tưởng tượng rằng bên cạnh một mức lương hậu hĩnh đủ cho bạn chi tiêu một cách thoải mái và những bữa ăn trưa miễn phí, bạn còn có cơ hội được làm việc cùng với những nhân vật “đình đám” nhất của làng công nghệ thế giới như Mark Zuckerberg, Sheryl Sandburg hay Peter Thiel. Đó là chưa kể tới việc bạn bè của bạn chắc chắn sẽ “mắt tròn mắt dẹt” khi nghe kể về công việc trong mơ tại Facebook.

Cả một tương lai rộng mở phía trước bạn, thế nhưng trước khi “nhắm mắt” ký tên vào bản hợp đồng mang tên Facebook, hãy tự hỏi rằng: Liệu đây có đúng là những gì bạn muốn làm với cuộc đời mình? Hãy nhớ rằng, rất có thể những lợi ích mà Facebook đem đến có thể làm bạn mờ mắt và quên đi những cơ hội lớn khác. 

Dưới đây là 4 lý do vì sao bạn nên nói “KHÔNG” với lời đề nghị từ Facebook:

1. Hiểu được điều gì là quan trọng đối với bạn

Khi Kevin Systrom từ chối lời đề nghị của Mark Zuckerberg trước năm học cuối cùng tại Stanford, chắc hẳn anh cũng không thể tưởng tượng được mình vừa bỏ qua điều gì.

Lúc đó là năm 2006, khi mà mạng xã hội vẫn còn khá mới mẻ và chưa thực sự bùng nổ như ngày nay, Systrom nghĩ rằng sẽ là hợp lý khi hoàn thành nốt chương trình học tại Stanford hơn là lao mình vào một startup công nghệ. 

Tất nhiên khi đó Systrom chẳng thể hình dung rằng chỉ trong vài năm, Mark đã biến Facebook thành một đế chế khổng lồ như ngày nay và lúc đấy rất có thể chính Systrom sẽ nài nỉ Mark để được làm việc cho Facebook.

Kevin Systrom (ngoài cùng bên phải) đã từng thẳng thắn từ chối lời mời của Facebook. (Ảnh: Flickr)

Nhưng Systrom chẳng hề hối hận về quyết định “điên rồ” đó chút nào và tự bắt tay vào dự án của chính mình mang tên Instagram. Và tất nhiên, những gì diễn ra sau đó đã trở thành lịch sử của thế giới công nghệ.

Với việc Facebook mua lại Instagram, Systrom mau chóng trở thành một triệu phú với số tài sản lên tới gần 400 triệu USD. Tất nhiên, nếu lúc đó Systrom đồng ý “làm công ăn lương” cho Facebook, anh cũng có thể thành công nhưng Systrom đã thành công hơn rất nhiều vì hiểu được giá trị của bản thân và dám theo đuổi đam mê của mình tới cùng.

Nếu bạn muốn trở thành một người thành công, hãy tự hỏi bản thân rằng liệu bạn có cảm thấy vui vẻ khi trở thành một chú ong thợ chăm chỉ hay không.

2. Đừng để thất bại cản đường

Thất bại chưa bao giờ dễ dàng đối với chúng ta nhưng quan trọng hơn cả,thất bại chỉ là tạm thời. Nếu bạn còn chưa tin, hãy nhìn vào Brian Acton, người từng bị Facebook từ chối tuyển dụng và Brian đã chứng minh cho Facebook rằng đó là sai lầm “đắt giá nhất” mà họ từng mắc phải.

Năm 2009, Brian đã tới được vòng phỏng vấn cuối cùng với Facebook nhưng anh đã không được nhận vào. Thế nhưng Brian không hề nản chí, anh quyết định tự đi theo con đường riêng của mình bằng cách phát triển một dịch vụ nhắn tin miễn phí và nó sớm bùng nổ trên khắp các Appstore với cái tên Whatsapp. 

Và hoá ra chính Facebook mới là người tiếc nuối nhất khi phải mua lại Whatsapp với mức giá “không tưởng” 19 tỷ USD. Khỏi cần nói thêm, chắc hẳn chúng ta cũng hình dung được số tài sản của Brian sau đó.

Từ chối Brian Acton (bên trái) là một trong những sai lầm “đắt giá nhất” của Facebook. (Ảnh: Flickr)

Vì thế, hãy luôn ghi nhớ rằng: Thất bại chỉ là tạm thời và cũng là cơ hội tiềm ẩn đang chờ bạn khám phá.Việc không được nhận vào một công ty lớn là điều vô cùng bình thường bởi có hàng ngàn người cũng giống như bạn vậy. 

Điều này có thể khiến bạn cảm thấy thất vọng nhưng hãy tin rằng những cơ hội to lớn hơn vẫn còn đang chờ đón mình ở phía trước.

3. Hãy tìm một công ty phù hợp

Rất có thể bạn được nhận vào một công ty vô cùng danh tiếng nhưng chỉ có điều văn hoá ở đó lại không phù hợp với tính cách của bạn. Đừng bao giờ quên rằng sự nghiệp của bạn sẽ khó mà tiến xa được (hay thậm chí trở thành đau khổ) nếu như đó chưa phải là cơ hội phù hợp cho bạn. 

Những người thành công thường sống và tận hưởng công việc của họ chứ không phải là chịu đựng một công việc cho tới khi hết giờ làm. Nếu bạn cần một ví dụ, hãy gõ tên Steve Chen trên Google.

Nếu Steve (bên phải) vẫn còn làm việc cho Facebook, liệu chúng ta có Youtube như bây giờ ? (Ảnh: Flickr)

Steve Chen từng đảm nhiệm vị trí kỹ sư phần mềm cấp cao ở Facebook “vỏn vẹn” trong vài tháng trước khi xin thôi việc và bắt tay vào dự án của riêng mình. 

Ý tưởng của Steve khá đơn giản, thành lập một website để người dùng có thể thoải mái upload và chia sẻ các video của họ, nơimà chúng ta biết đến ngày nay với cái tên Youtube. Sau hơn 1 năm thành lập, Youtube của Steve được Google mua lại với giá 1.65 tỷ USD vào năm 2006.

4. Đừng để người khác nói rằng bạn phải làm gì

Khi một công ty lớn như Facebook tìm đến bạn, những người bên cạnh hẳn sẽ khuyên bạn nên nhấc ống nghe và nói đồng ý với bất kỳ đề nghị nào từ họ. Họ có thể không sai nhưng nếu như bạn là một người lãnh đạo sáng suốt, hãy bình tĩnh lắng nghe những gì từ sâu thẳm trong tim mình chứ không phải là những lời nói của người khác.

Mike Abbott đã từ chối Facebook để theo đuổi người phụ nữ của đời mình. (Ảnh: Flickr)

Và điều đó cũng giống với những gì Mike Abbott đã làm khi anh từ chối thẳng thừng vị trí Phó Chủ tịch công nghệ tại Facebook. “Đó quả thật là một cơ hội tuyệt vời đối với bất kỳ ai nhưng với tôi, người phụ nữ mà tôi theo đuổi lúc đó còn quan trọng hơn bất kỳ đề nghị nào từ họ, và cô ấy bây giờ đã trở thành người vợ tuyệt vời của tôi.” Đó là những gì Mike giải thích về quyết định của mình.

Và chẳng lâu sau đó, Mike đã nhận được lời mời tương tự từ Twitter và lần này tất nhiên anh đã không bỏ qua. Vì thế, cho dù công việc có quan trọng tới đâu cũng đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của bản thân bởi ngoài công việc, chúng ta vẫn còn có cuộc sống của riêng mình. Một cơ hội dù có tuyệt vời tới đâu nhưng không có nghĩa rằng đã phù hợp với bạn vào lúc đó.

Nếu bạn thông minh, sáng tạo, chăm chỉ và kiên nhẫn, sẽ luôn luôn có một cơ hội nào đó ở đâu đây mà thôi. Từ chối một cơ hội lớn chỉ bởi vì thời gian chưa chín muồi có thể sẽ khó khăn nhưng sẽ luôn là một lựa chọn khôn ngoan cho những ai có tầm nhìn xa trông rộng.

Lời kết

Chẳng có gì tuyệt vời và hào hứng hơn việc nhận được một lời đề nghị từ những công ty lớn. Nhưng dù đó là Facebook hay Google và Microsoft đến gõ cửa nhà bạn đi nữa, hãy suy nghĩ thật kỹ bởi biết đâu đó chưa phải là lúc thích hợp để bạn làm việc cho họ. 

Nếu bạn chắc chắn về điều mình muốn làm, hãy mạnh dạn từ chối và đừng bao giờ quay đầu lại bởibạn luôn có thể thành công ở một nơi nào khác bằng cách theo đuổi giấc mơ của mình và biến chúng thành hiện thực.

>> CEO Facebook dùng kiếm ép nhân viên làm việc

Khanh Lưu

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM