Nhiều DN FDI coi đình công là chi phí không tránh khỏi tại Việt Nam

29/07/2014 14:21 PM | Nghề nghiệp

Từ năm 1995 đến 2013 đã diễn ra 5.273 vụ đình công nhưng không có vụ nào đúng luật, gây thiệt hại cho nền kinh tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và người lao động.

Số vụ không ngừng tăng    

Năm 2013 đã có 351 vụ đình công xảy ra trên cả nước, nhiều nhất là ở các tỉnh Bình Dương, Hải Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Vĩnh Phúc - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp. Các vụ đình công làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và tới chính bản thân người lao động. 

Trong tổng số 268/351 vụ đình công năm 2013 mà Dự án FLA 3.0 Vietnam (dự án nghiên cứu và hỗ trợ giải pháp về quan hệ lao động, tiền lương và giờ làm việc dọc theo chuỗi cung ứng) thực hiện, có 106.118 người lao động tham gia đình công với 373.071 số ngày không làm việc, tương đương hơn 3,2 triệu giờ làm việc. Điều này đã gây thiệt hại lên tới 55 tỷ đồng - chi phí tiền lương tương ứng với số giờ làm việc bị mất đi. Những thiệt hại về kinh tế mà các vụ đình công không đúng luật gây ra là không hề nhỏ cho DN, lên tới 200 triệu đồng/vụ.

Con số thống kê được đưa ra cũng sẽ khiến không ít DN giật mình, bởi có tới 42,1% công nhân tham gia khảo sát cho rằng, họ có thể tham gia nếu có đình công tại nhà máy. Thậm chí, không ít DN FDI coi đình công như một loại chi phí không tránh khỏi khi kinh doanh ở Việt Nam. Và dù họ đã nỗ lực nhiều nhưng đối thoại vẫn chưa hiệu quả (60% công nhân chưa bao giờ sử dụng các kênh đối thoại tại nhà máy, 30% cho rằng kết quả xử lý khiếu nại không nghiêm túc).

Nhờ sự tương tác giữa quản lý và người lao động, chỉ qua hình thức nhắn tin, gần 2.000 công nhân ở Bình Dương đã quay trở lại nhà máy làm việc sau bạo động. Về phía DN, từ ý định rút đầu tư, họ đã quyết định quay trở lại. Thực tế này cho thấy, khi DN có mối quan hệ tốt với công nhân thì số lượng đình công sẽ giảm và công nhân cũng là lực lượng bảo vệ nhà máy khi có bạo động xảy ra.

Vấn đề đặt ra là, dù gây thiệt hại cho cả DN và người lao động, nhưng tại sao các cuộc đình công không hề giảm? Nghiên cứu của các chuyên gia trong lĩnh vực lao động chỉ ra rằng, quan hệ lao động thiếu hài hòa tại các nhà máy sản xuất là một phần nguyên nhân dẫn đến đình công, mà cuộc bạo động tại Bình Dương tháng 5/2014 vừa qua là một ví dụ điển hình. Mâu thuẫn giữa người lao động và giới chủ đã tích tụ lâu qua quá trình làm việc, nên đã xảy ra các vụ đình công, dẫn đến công nhân mượn cớ biểu tình để đập phá.

Làm gì để giảm đình công?

Theo bà Đặng Thị Hải Hà- Cố vấn trưởng Dự án FLA 3.0 Vietnam, giảm các vụ đình công ở Việt Nam đến nay vẫn là bài toán khó. Bà Hà cho biết: Trong số gần 2.000 công nhân tham gia khảo sát, 5,7% nghĩ rằng nói chuyện với công đoàn là vô ích; 43% chỉ thấy cần thiết trong vài trường hợp; 91,2% cho rằng, tiếng nói và hành động tập thể có hiệu quả hơn tiếng nói cá nhân; 12,4% thấy đình công là cách tốt nhất để giải quyết xung đột.

Nhận xét về nguyên nhân để xảy ra các cuộc đình công, theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, là do quan hệ lao động ở Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở cấp trung gian mà chưa có sự sâu sát với cơ sở. 

Trở lại với vụ bạo động tại Bình Dương, một trường hợp điển hình đã được bà Hà dẫn chứng, chỉ có duy nhất một nhà máy do Đài Loan đầu tư không bị đốt (dù có bị đập phá), là do có quản lý người Việt đã theo sát, tuyên truyền cho công nhân hiểu bảo vệ nhà máy chính là bảo vệ miếng cơm, manh áo của mình. Và nỗ lực của cấp trung gian - quản lý người Việt - đã đem lại kết quả tốt.

Theo Thúy Ngọc

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM