Nghề người mẫu: Càng “núp bóng”, càng khó quản lý

24/12/2015 08:55 AM | Nghề nghiệp

Vì sao nghề người mẫu - một nghề tương đối phát triển ở ta trong những năm gần đây - lại chưa nằm trong danh mục quản lý nhà nước? Chính vì không được quản lý cụ thể mà dễ xảy ra những biến tướng tiêu cực, như thi hoa hậu “chui”, bán dâm... Đặc biệt, cần làm gì để nghề người mẫu hạn chế được những tồn tại, yếu kém, được xã hội công nhận về mặt pháp lý? Những câu hỏi cấp thiết này được mổ xẻ trong hội thảo “Nghề người mẫu ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất” diễn ra ngày 23.12 tại TPHCM

Nghề tự phát, chưa được công nhận

Theo TS Nguyễn Quang Minh - Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam, Tổng Giám đốc Cty Cát Tiên Sa: Ở Việt Nam, nghề người mẫu xuất hiện từ thập niên 1980, khi kinh tế thị trường hình thành trở lại cùng với làn sóng đầu tư nước ngoài rầm rộ.

Tuy vậy, cho đến tận bây giờ, mặc dù đã có các công ty hoạt động chuyên về người mẫu có đẳng cấp, mặc dù có các hoạt động tìm kiếm người mẫu chuyên nghiệp thông qua các sự kiện định kỳ…, nhưng có thể nói, nghề người mẫu ở Việt Nam vẫn chưa thoát được bóng dáng của sự tự phát, không chuyên nghiệp.

Đó là chưa nói đến một thực trạng tiêu cực, xảy ra dai dẳng trong nghề người mẫu: Có những người mẫu thiếu tu dưỡng và thiếu bản lĩnh, bị lôi cuốn vào các hoạt động vi phạm pháp luật như mại dâm và tổ chức mại dâm.

Chính vì thế, việc ra đời Hội Người mẫu Việt Nam năm 2007 nhằm góp phần định hướng kỹ năng nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức cho các người mẫu đang hoạt động; phối hợp với các tổ chức có liên quan xây dựng giáo trình đào tạo nghề người mẫu; xây dựng tiêu chí của lao động người mẫu để đề nghị cơ quan quản lý nhà nước công nhận lao động người mẫu là một nghề.

Trưởng thành từ nghề người mẫu, Lan Khuê và Ngọc Tình quan tâm đến những vấn đề mà hội thảo đặt ra.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Thạc sĩ luật Nguyễn Tất Năm - Trưởng phòng LĐ-TL-TC thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, phân tích: “Nghề người mẫu mặc dù đã xuất hiện từ khi nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, nhưng vẫn còn “mới” so với các nghề truyền thống.

Mặt khác, nghề này chưa được quan tâm của các tổ chức, cá nhân có liên quan cũng như số người hành nghề người mẫu còn rất ít. Ngoài ra, trong đời sống xã hội, nghề người mẫu, bên cạnh những “hào quang” còn vướng những “bóng tối” tai tiếng, cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa được khẳng định trong danh mục quản lý của Nhà nước”.

Muốn nộp thuế, cũng chịu!

Vì chưa được công nhận, nên nghề người mẫu hiện ở ngoài vùng đóng thuế. Trong khi đó, theo ông Kim Sung Pil - đại diện cho Hiệp hội Người mẫu Châu Á tại Hàn Quốc, người làm nghề người mẫu ở Hàn Quốc cũng phải có nghĩa vụ nộp thế. Tại Hàn Quốc, người mẫu được đào tạo bài bản. 20 năm trước mới chỉ có các học viện người mẫu hay các model agency, còn bây giờ đã có đào tạo chính quy trên 10 trường đại học với khoá đào tạo 2 năm và 4 năm.

PGS-TS xã hội học Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh: “Có một quan điểm cho rằng nghề người mẫu thuộc nhóm nghề “nhạy cảm” cho nên càng hạn chế càng tốt, và vì nó có quá nhiều tiêu cực nên không khuyến khích. Thật ra, nghề nào cũng có tiêu cực.

Cái chính là làm sao tạo ra một không gian hoạt động nghề nghiệp, hành lang pháp lý để giảm thiểu các tiêu cực, quan điểm cái gì không quản được thì cấm hoặc hạn chế đã lạc hậu trong “thế giới phẳng” như hiện nay. Và đã đến lúc Nhà nước cần phải công nhận người mẫu là một nghề mưu sinh, ban hành mã số, thẻ hành nghề, và người mẫu phải có bằng cấp có giá trị pháp lý không chỉ trong nước mà cả quốc tế, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã làm”.

Và ông đưa ra ý kiến mạnh bạo, rằng việc một người mẫu ra nước ngoài tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế thì hiệp hội sẽ là nơi có quyền và chịu trách nhiệm pháp lý tổ chức cho họ đi, chứ không phải xin giấy phép của Bộ VHTTDL, một khi họ làm ảnh hưởng đến thể diện quốc gia thì cứ theo luật định mà xử phạt.

Nếu người mẫu là một nghề như các nghề khác, là người tham gia hoạt động văn hoá thì việc họ xuất ngoại tham gia các hoạt động nghề nghiệp là bình thường như các ngành nghề khác.

Theo PGS-TS-NGƯT Phan Bích Hà - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, các trường nghệ thuật công lập ở nước ta hiện nay chưa có Khoa Người mẫu đào tạo chính quy. Việc đào tạo người mẫu một cách bài bản, chuyên nghiệp là cần thiết nhằm đáp ứng cho sự sáng tạo của các nhà thiết kế.

Theo Minh Thi

Cùng chuyên mục
XEM